Chống lại “khuyết tật bẩm sinh của quyền lực”

29/07/2022 - 06:58

 - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xóa ngay tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn”. Vì thế, công tác phòng, chống tham nhũng phải được duy trì liên tục, lâu dài, bằng quyết tâm rất lớn của rất nhiều tập thể, cá nhân. An Giang cũng đang vận động theo “guồng xoay” ấy.

Những kết quả khả quan

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang, thời gian qua, các cấp ủy Đảng đã quan tâm lãnh, chỉ đạo, triển khai hiệu quả công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nghiêm túc công tác tiếp công dân, đối thoại và xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chú trọng công khai, minh bạch hoạt động; việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công. Công tác thanh, kiểm tra trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng được tăng cường, tập trung vào lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Khen thưởng cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2021

Mặt khác, việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng trên địa bàn. Việc phát huy vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội đã phần nào kịp thời ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong thực thi công vụ. Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tăng cường triển khai tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và Kết luận 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương, góp phần đẩy lùi suy thoái, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ và của hệ thống chính trị trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực.

Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được lãnh, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, khẳng định quyết tâm cao của Đảng, nhà nước “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, báo cáo đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương giải quyết các vụ án theo Chỉ thị 26-CT/TW của Bộ Chính trị, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo. Các vụ án đều có kết luận điều tra hoặc truy tố, đưa ra xét xử.

Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang Nguyễn Văn Thạnh cho biết, hoạt động điều tra tội phạm ở cơ quan điều tra địa phương không ngừng được nâng lên. Việc phát hiện, khởi tố, điều tra vụ án tham nhũng, tiêu cực luôn đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chứng minh tội phạm, người phạm tội tại tòa. Điều tra viên và kiểm sát viên phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu, đề ra yêu cầu điều tra, thực hiện kế hoạch điều tra đúng hướng, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc và hạn chế được sai sót.

“Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp thụ lý 6 vụ án tham nhũng, tiêu cực, với 13 bị can; tòa án thụ lý xét xử sơ thẩm 3 vụ án tham nhũng, tiêu cực, với 6 bị cáo. Nhận thức đúng tính chất và yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, 2 cấp kiểm sát không ngừng nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử vụ án tham nhũng, tiêu cực. Kiểm sát viên nắm chắc hồ sơ vụ án, xây dựng cáo trạng chặt chẽ, chuẩn bị tốt đề cương xét hỏi và dự kiến tình huống phát sinh tại tòa để chủ động tham gia xét hỏi, không bị lúng túng; nội dung bản luận tội có tính thuyết phục cao. Vì vậy, không để xảy ra việc khởi tố vụ án, bị can sau đó phải đình chỉ điều tra hoặc viện kiểm sát truy tố, tòa án tuyên không phạm tội” - ông Nguyễn Văn Thạnh thông tin.

Một cuộc “trường kỳ kháng chiến”

Tại hội nghị sơ kết công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp 6 tháng đầu năm và triển khai, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhiều lần yêu cầu cán bộ, đảng viên nghiên cứu thật kỹ phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, cần dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc, tiếp thu cái đúng, nhưng không đơn giản “theo đuôi”, chạy theo dư luận; phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan làm công tác phòng, chống tham nhũng; “Nói đi đôi với làm”, chứ không “Nói một đằng, làm một nẻo”.

Ghi nhận, biểu dương kết quả toàn tỉnh đã đạt được trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang cho rằng, chúng ta không nên chủ quan, mà phải hết sức đề cao cảnh giác: “Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đơn vị thuộc quyền quản lý, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, tự kiểm tra nội bộ cơ quan, đơn vị để chủ động ngăn ngừa, phát hiện và xử lý sớm sai phạm. Vừa phòng ngừa bằng tình cảm, vừa bằng nguyên tắc của Đảng”.

Cùng với đó, các cơ quan nội chính thực hiện tốt quy chế phối hợp, đẩy nhanh tiến độ điều tra, giải quyết vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy  An Giang theo dõi chỉ đạo. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, triển khai nghiêm túc các quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. Đề cao vai trò, trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của cấp ủy Đảng, chính quyền, mà trước hết là người đứng đầu.

Quan điểm của Trung ương trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng là không thể chủ quan, nóng vội, thỏa mãn; không được né tránh, cầm chừng. Ngược lại, phải rất kiên trì, không “ngừng”, không “nghỉ”. Đã là “khuyết tật”, thì cần có thời gian để uốn nắn, chỉnh sửa, phải đâu một sớm một chiều!

“Yêu cầu của công dân phải được quan tâm xem xét đến nơi đến chốn, giải quyết kịp thời. Sau khi giải quyết thấu đáo, cơ quan có thẩm quyền phải trả lời cho người dân và cơ quan cấp trên hoặc nơi chuyển đơn nắm rõ, thể hiện sự minh bạch, chứ không phải tiếp nhận ý kiến công dân xong là đi vào quên lãng” - Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang đề nghị.

GIA KHÁNH