Chuyển đổi cơ cấu cây trồng tăng hiệu quả kinh tế

19/04/2021 - 14:33

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, nhiều nông hộ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã và đang tích cực chuyển đổi diện tích cây trồng sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, cây rau màu có khả năng chịu được khí hậu khô hạn nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích, tăng hiệu quả kinh tế cho sản phẩm nông sản.

Hiệu quả kinh tế từ giống cây mới

Chú thích ảnh

Mô hình trồng cây mãng cầu hoàng hậu giống mới giúp nông dân xã Phước Vinh (huyện Ninh Phước) nâng cao hiệu quả kinh tế.

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu ngay trên chính đồng ruộng của mình. Điển hình như tại xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước, ông Nguyễn Ngọc Thiêng là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi diện tích đất rẫy sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây mãng cầu hoàng hậu cho thu nhập cao.

Ông Thiêng chia sẻ, gia đình từng trồng cây thuốc lá, rau nhưng thu nhập hạn chế. Với mong muốn tìm giống cây ăn quả mới để phát triển kinh tế, năm 2015 qua tìm hiểu thông tin trên sách báo, mạng internet thấy giống mãng cầu hoàng hậu (còn gọi mãng cầu Thái, na Thái) có nguồn gốc ngoại nhập thể hiện nhiều ưu điểm vượt trội nên gia đình quyết định mua giống về trồng thử nghiệm trên diện tích 3 sào (3.000 m2).

Qua thời gian trồng, chăm sóc, giống mãng cầu hoàng hậu thích nghi khá tốt với chất đất cát pha cũng như khí hậu khô nóng của địa phương. Cây dễ chăm sóc, kháng nhiều loại sâu bệnh, ít tốn chi phí mua phân thuốc. Sau gần 3 năm chăm sóc, vườn mãng cầu cho thu hoạch vụ quả đầu tiên, trọng lượng bình quân mỗi quả từ 6 lạng đến trên 1 kg. Quả khi chín rất thơm, vị ngọt thanh, thịt quả dai, hạt ít, quả ít bị nứt khi chín, nhờ đó thu hoạch và vận chuyển dễ dàng.

Nhận thấy tiềm năng kinh tế giống mãng cầu hoàng hậu, gia đình mở rộng diện tích trồng lên 7 sào, hiện vườn mãng cầu đang cho thu hoạch ổn định hai vụ mỗi năm với sản lượng trên 14 tấn quả, với giá bán bình quân tại vườn 70.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình còn lãi trên 700 triệu đồng/năm. So với các cây trồng khác, cây mãng cầu hoàng hậu cho giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều lần, ông Thiêng chia sẻ thêm.

Nhờ phù hợp với điều kiện canh tác, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh vận động, hỗ trợ giống, kỹ thuật thâm canh cây mãng cầu hoàng hậu theo tiêu chuẩn VietGAP giúp các hộ dân trên địa bàn nhân rộng diện tích để tăng thu nhập.

Chú thích ảnh

Nông dân xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước trồng giống nho xanh NH 01 - 48 theo chuẩn VietGAP, đạt hiệu quả kinh tế cao. 

Trong khi đó, để tăng giá trị cho sản phẩm, các hộ trồng nho tại Ninh Thuận cũng đang đẩy mạnh liên kết sản xuất, chuyển đổi sang trồng giống nho mới NH 01 - 152 do Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố, trực thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam chuyển giao để trồng thay thế cho một số giống nho cũ đang bị thoái hóa. 

Với ưu điểm vượt trội về chất lượng quả, trọng lượng, khi chín có màu đỏ vang đẹp mắt, sản phẩm nho NH 01 - 152 đang được thương lái thu mua tại vườn với giá dao động từ 120.000 - 140.000 đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với các giống nho truyền thống. Nhờ trồng giống nho mới mà nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên khá giàu.

Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, Ninh Thuận là địa phương có khí hậu khô nóng quanh năm, thường xuyên phải chịu tác động của hạn hán khiến nền sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như xây dựng công trình thủy lợi, áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm; trong đó, chú trọng chuyển đổi diện tích cây trồng sử dụng nhiều nước tưới, hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây có khả năng chịu được khí hậu khô hạn, cho giá trị kinh tế cao hơn.

Tính riêng năm 2020, Ninh Thuận đã chuyển đổi gần 1.530 ha đất lúa, đất rẫy gò đồi sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây màu, cây măng tây xanh, cây nha đam, cây họ đậu, ngô lai, mè, cỏ chăn nuôi và những cây ăn quả như cây nho, táo, bưởi, sầu riêng, mãng cầu, đu đủ, mít, chuối, dưa.

Cùng với chuyển đổi cây trồng, tỉnh tích cực nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm, đến nay toàn tỉnh có trên 1.500 ha đất áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm nhỏ giọt và tưới phun mưa đã giúp tiết kiệm khoảng 20 - 35% lượng nước tưới. Nhờ đó, góp phần giảm áp lực tưới tiêu, giúp các hộ dân mở rộng sản xuất trên các vùng đất cát bạc màu, hạn chế quá trình hoang mạc hóa đất đai.

Qua khảo sát, chuyển đổi từ đất lúa sang trồng cây đậu xanh cho lợi nhuận gấp 1,2 - 2 lần, cây bắp cho lợi nhuận gấp 1,4 lần; cây dưa hoàng kim cho lợi nhuận gấp 3,2 lần, cây dưa dấu cho lợi nhuận gấp 9,4 lần so với trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích.  

Cây nho cho lợi nhuận gấp 18 lần so với trồng lúa; cây táo cho lợi nhuận gấp 8,1 lần so với trồng lúa, cây măng tây xanh cho lợi nhuận gấp 10,6 lần so với trồng 3 vụ lúa/năm. Trồng cỏ trên chân ruộng lúa cũng cho hiệu quả cao, giúp ổn định nguồn thức ăn chăn nuôi gia súc, nhất là trong mùa khô hạn.

Chuyển đổi cây trồng theo hướng bền vững

Chú thích ảnh

Mô hình trồng măng tây xanh trên đất cát đang được tỉnh Ninh Thuận đẩy mạnh phát triển diện tích tại các địa phương. 

Theo ngành nông nghiệp địa phương, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành kế hoạch cũng như có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp nhằm tạo điều kiện giúp người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển sản xuất.

Qua đánh giá, cơ cấu giống cây trồng phục vụ chuyển đổi khá phong phú, trong đó có nhiều cây trồng cho giá trị kinh tế cao và có lợi thế cạnh tranh trên thị trường giúp các hộ dân nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình, mục tiêu  phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vẫn còn tồn tại những hạn chế như quy mô chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở một số địa phương còn mang tính thời vụ, chưa bền vững và còn nhỏ lẻ manh mún, thiếu tính liên kết vùng tập trung, quy mô lớn. Tác động của thiên tai, đại dịch COVID-19 khiến đầu ra một số sản phẩm nông nghiệp ở mức giá thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ngoài ra, sự gắn kết giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ còn ít. Năng lực tiếp cận thị trường, tiếp cận công nghệ của nông dân cũng còn hạn chế. Đây là những trở lực ảnh hưởng đến hoạt động chuyển cơ cấu cây trồng.

Khắc phục những khó khăn, trong giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh dự kiến chuyển đổi cây trồng khoảng 3.208 ha; trong đó, chuyển đổi từ đất lúa 1.525 ha, các loại đất khác khoảng 1.683 ha.

Chú thích ảnh

Mô hình trồng cây ngô lai giống của nông dân xã Phước Vinh (huyện Ninh Phước) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, để nâng cao hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tỉnh đang tập trung quy hoạch vùng sản xuất; đẩy mạnh huy động các nguồn lực từ các chương trình, dự án hỗ trợ về nguồn vốn, giống, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật giúp các hộ dân, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Bên cạnh đó, Ninh Thuận tăng cường liên kết, hợp tác với các viện nghiên cứu, các trường đại học, trung tâm công nghệ cao chuyển giao các tiến bộ, khoa học công nghệ tiên tiến, lựa chọn các loại giống cây trồng có năng suất, chất lượng, cũng như quy trình sản xuất phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh để áp dụng vào sản xuất.

Đồng thời, các ngành chuyên môn của tỉnh tăng cường mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, bảo vệ thực vật, tổ chức hội nghị đầu bờ, hội thảo để nhân rộng những cách làm hay, mô hình sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao.

Cùng đó, Ninh Thuận tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa các hộ dân, trang trại, hợp tác xã với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị để sản phẩm nông sản có đầu ra đa dạng, bền vững.

Song song đó, Ninh Thuận xây dựng các vùng chuyển đổi cây trồng gắn kết với các các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản; đẩy mạnh đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm nông sản gắn với Chương trình OCOP kết hợp tăng cường xúc tiến thương mại quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, đưa hoạt động chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh ngày càng phát triển theo chiều sâu, bền vững hơn.

Theo NGUYỄN THÀNH (Báo Tin Tức)