Đẩy mạnh tiêm vaccine cho người lao động

11/11/2021 - 07:52

 - Đơn hàng xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản thời gian qua tăng sau giai đoạn “chững lại” do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, nhưng năng lực sản xuất hiện tại tại các nhà máy vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Đó không chỉ là những khó khăn của DN sản xuất cá tra, mà còn của nhiều DN khác trong giai đoạn hiện nay.

Nguyên nhân

Nhiều DN xuất khẩu thủy sản trong tỉnh cho biết, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, các quốc gia trên thế giới đã mở cửa trở lại nền kinh tế, đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa để thích ứng với tình hình dịch bệnh. Cụ thể, tại các thị trường lớn trên thế giới, như: Trung Quốc, Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu (EU)… tất cả các hoạt động xã hội đã được mở cửa trở lại, từ đó các DN nhập khẩu cá tra tại các quốc gia này đã gia tăng nhập khẩu sản phẩm cá tra phi-lê, cắt khúc, nguyên con để phục vụ người tiêu dùng vào dịp cuối năm, nhất là trong mùa Giáng sinh.

“Đây vừa là thông lệ hàng năm, vừa là nhu cầu thực tế ở các quốc gia trên thế giới. Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cá tra tăng mạnh trở lại. Hiện nay, giá sản phẩm cá tra xuất khẩu tăng nhưng phần lớn các thị trường đều chấp nhận mua hàng” - Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới chia sẻ. Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các thị trường nhập khẩu sản phẩm cá tra đều tăng sản lượng nhập hàng, trong đó tăng mạnh nhất vẫn là thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU và một số quốc gia ở khu vực Châu Á. Ông Doãn Tới cho biết thêm, hiện nay, các nhà nhập khẩu cá tra đã đặt hàng cho công ty sản xuất lên đến 20.000 tấn sản phẩm. Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất tại các nhà máy để đáp ứng các đơn hàng của các đối tác nước ngoài vẫn chưa đáp ứng như mong muốn.

Phương án sản xuất “4 xanh” được triển khai tại nhà máy

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do dịch bệnh COVID-19 ở nhiều nơi vẫn còn diễn biến phức tạp, số lượng công nhân sản xuất tại nhà máy bị hạn chế, công suất hoạt động các nhà máy mới chỉ được đáp ứng khoảng 50-60% so công suất thiết kế. Hiện tại, việc thu tuyển công nhân vào các dây chuyền sản xuất gặp không ít khó khăn. Cụ thể, những ngày qua, trên địa bàn TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) và một số địa phương khác trong tỉnh, dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca lây nhiễm cộng đồng tăng, tỉnh đang áp dụng cấp độ 3, vì vậy muốn tuyển công nhân vào nhà máy sản xuất thì DN phải hết sức thận trọng, vì sợ dịch bệnh lây lan, ảnh hưởng chung đến DN.

Giải pháp

Đẩy mạnh tiêm vaccine cho toàn dân là mục tiêu hàng đầu của Chính phủ hiện nay nhằm đưa xã hội trở lại trạng thái bình thường mới, trong đó có ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động (NLĐ) tại các khu, cụm công nghiệp. Thực hiện chủ trương này, thời gian qua, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh đã phối hợp Sở Y tế và các địa phương có khu công nghiệp đẩy mạnh tiêm vaccine cho lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, trong các nhà máy, xí nghiệp.

Cụ thể, trên địa bàn tỉnh An Giang có 2 khu công nghiệp đang hoạt động là Khu công nghiệp Bình Hòa và Khu công nghiệp Bình Long. Tổng số lao động hiện có 17.675 người (lao động công nhật), trong đó Khu công nghiệp Bình Hòa (huyện Châu Thành) 15.675 lao động. Tại đây, số lao động đã tiêm vaccine mũi 1 là 13.958 lao động và tiêm vaccine 2 mũi là 4.760 lao động. Khu công nghiệp Bình Long (huyện Châu Phú) có 2.508 lao động, ngành nghề chủ yếu là tham gia vào các khâu chế biến thủy sản. Tại đây, số lượng lao động đã tiêm vaccine mũi 1 là 2.312 lao động và tiêm 2 mũi là 1.648 lao động. Đến thời điểm hiện tại, các địa phương vẫn đang lên lịch tiêm mũi 2 cho những lao động đã được tiêm vaccine mũi 1. 

Còn ở Tập đoàn Nam Việt, trong tổng số 5.500 lao động, đến nay đã cơ bản tiêm xong mũi 2 cho NLĐ đang làm việc tại đây. Như vậy, tới đây, tập đoàn sẽ đẩy nhanh tiến độ sản xuất, nâng số lượng công nhân tham gia sản xuất tại nhà máy để nâng công suất chế biến, nhanh chóng đáp ứng các đơn hàng của các nhà nhập khẩu từ các quốc gia trên thế giới.

Đơn hàng xuất khẩu tăng mạnh nhưng sản xuất vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Khắc phục nhanh tình trạng này, bên cạnh việc đẩy mạnh phủ vaccine 2 mũi cho lực lượng lao động, ngành chức năng tỉnh cần hướng dẫn DN các biện pháp thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19 để đẩy mạnh sản xuất. “Sau khi NLĐ đã tiêm được 2 mũi vaccine, chúng tôi rất cần sự hướng dẫn của ngành chức năng trong việc test tầm soát để đảm bảo các hoạt động sản xuất của DN. Việc áp dụng phương án “4 xanh” như thế nào tại DN… Tất cả chúng tôi đang chờ hướng dẫn tiếp theo của ngành chức năng nhằm đảm bảo sản xuất an toàn phòng, chống dịch và đáp ứng các đơn hàng của các đối tác thương mại” - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Đỗ Lập Nghiệp nêu ý kiến.

MINH HIỂN