Để cây lúa Nhật phát triển như kỳ vọng

15/11/2021 - 07:47

 - Mô hình liên kết sản xuất lúa Nhật giữa Công ty TNHH Angimex-Kitoku và nông dân An Giang đã cho thấy hiệu quả thực tế nhiều năm qua. Tuy nhiên, để cây lúa Nhật phát triển như kỳ vọng, cần có sự quan tâm nhiều hơn của các cấp, ngành chuyên môn, nhất là sự đồng lòng giữa nông dân và doanh nghiệp.

Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ mô hình liên kết sản xuất lúa Nhật

Nỗ lực trong khó khăn

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, cây lúa Nhật cũng đối mặt với những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, Công ty TNHH Angimex-Kitoku cùng Hội Nông dân tỉnh triển khai nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn, duy trì diện tích sản xuất lúa Nhật khoảng 1.760ha tại các huyện Châu Thành, Thoại Sơn, Tri Tôn, TP. Long Xuyên và huyện Hòn Đất, Tân Hiệp (tỉnh Kiên Giang), đạt 90% kế hoạch sản xuất đề ra. Trong đó, năng suất vụ đông xuân đạt 7-8,4 tấn/ha, sản lượng hơn 7.000 tấn; vụ hè thu năng suất 5-7 tấn/ha, sản lượng hơn 5.200 tấn. Dự kiến, Công ty TNHH Angimex-Kitoku sẽ cùng nông dân thực hiện sản xuất 2.520ha lúa Nhật tại các huyện Thoại Sơn, Tri Tôn, TP. Long Xuyên và các địa phương của tỉnh Kiên Giang trong năm 2022.

Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu vào các thị trường Châu Âu, Công ty Angimex-Kitoku đã thực hiện trồng lúa Nhật theo quy trình kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật đạt 450ha trong năm 2021. Sản phẩm lúa Nhật của công ty được kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tốt, góp phần tăng thêm thu nhập cho người nông dân và làm gia tăng giá trị chất lượng sản phẩm tại nước sở tại. Với phương châm hợp tác gắn kết lâu dài với nông dân và khắc phục hạn chế những năm trước, công ty đã không ngừng cải tiến trang thiết bị trong việc tiếp nhận lúa, đảm bảo tính xác thực, tạo thêm sự yên tâm, hài lòng cho nông dân.

Mặc dù diện tích sản xuất lúa Nhật rải đều ở nhiều địa phương trong tỉnh và tỉnh Kiên Giang, nhưng nhà máy của công ty hoạt động tại huyện Thoại Sơn. Do đó, công ty mong muốn tập trung diện tích lúa Nhật tại các xã trong huyện Thoại Sơn và Tri Tôn. Nếu đạt được mục tiêu này, nông dân sẽ giảm được chi phí vận chuyển so với các địa phương khác để tăng thu nhập. Hiện nay, công ty thường xuyên trao đổi với chính quyền địa phương và Hội Nông dân huyện Thoại Sơn để triển khai kế hoạch trồng lúa Nhật tại xã Vọng Thê, An Bình, Tây Phú nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra. Vì vậy, vùng nguyên liệu của công ty vẫn chủ yếu tập trung ở xã Thoại Giang và Mỹ Phú Đông, nên rất cần sự hỗ trợ để hoàn thành mục tiêu này trong thời gian tới.

Tiếp tục hỗ trợ cây lúa Nhật

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Văn Nhiên cho biết: “Với sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội Nông dân các cấp và Công ty TNHH Angimex-Kitoku đã tạo điều kiện để cây lúa Nhật trở thành mô hình nâng cao thu nhập cho người nông dân, nhất là trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Chúng tôi đánh giá cao chương trình phối hợp và ghi nhận sự cố gắng của Hội Nông dân các cấp, các địa phương và công ty trong thời gian qua. Tuy nhiên, cần có biện pháp để tiếp tục hỗ trợ mô hình này phát triển trong năm 2022 và những năm tới”.

Ông Nguyễn Văn Nhiên cho rằng, cần tiếp tục triển khai chủ trương mở rộng diện tích sản xuất lúa Nhật tại các địa bàn trong tỉnh. Song song đó, Hội Nông dân các cấp phải đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân nhận thức rõ chủ trương, quan điểm của Đảng, nhà nước và của tỉnh về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn và liên kết sản xuất. Đặc biệt, cần nâng cao kiến thức để ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kiểm soát tốt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Đồng thời, đề nghị ngành nông nghiệp, Hội Nông dân các cấp và Liên minh Hợp tác xã tỉnh tiến hành củng cố các tổ hợp tác sản xuất và vận động nông dân tham gia thành lập tổ hợp tác sản xuất mới. Đối với mô hình liên kết sản xuất lúa Nhật, cần thành lập tổ hợp tác sản xuất để tạo điều kiện thuận lợi trong việc ký kết hợp đồng tiêu thụ cho nông dân. Đây cũng là giải pháp đẩy mạnh mục tiêu phát triển kinh tế hợp tác gắn với tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực của tỉnh.

“Chúng tôi sẽ đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương tham mưu UBND tỉnh quy hoạch lại vùng sản xuất chuyên canh phù hợp với nhu cầu thị trường. Đồng thời, tăng cường kết nối để chính quyền địa phương ủng hộ nhiều hơn cho mô hình liên kết sản xuất lúa Nhật, cũng như hình thành các mô hình kinh tế hợp tác gắn liền với tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực.

Trong đó, Hội Nông dân các cấp và công ty phải có kế hoạch triển khai cụ thể và thông tin tiến độ cho UBND tỉnh; đề xuất, kiến nghị những vấn đề phát sinh để được hỗ trợ kịp thời. Qua đó, giúp cây lúa Nhật tiếp tục là mô hình sản xuất hiệu quả giúp nông dân nâng cao thu nhập, ổn định đầu ra trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay” - ông Nguyễn Văn Nhiên khẳng định.

THANH TIẾN