Tháo gỡ khó khăn
Vụ hè thu 2021, nông dân canh tác gặp rất nhiều khó khăn, không phải vì thiên tai, thời tiết mà do thu hoạch rơi vào thời điểm toàn vùng ĐBSCL đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Để giải bài toán ùn ứ nông sản, các bộ, ngành Trung ương đã vào cuộc, Quân khu 9 hỗ trợ nhân lực, vật lực trong khâu thu hoạch, vận chuyển…
Ở góc độ của An Giang, UBND tỉnh ban hành kế hoạch về tổ chức thu hoạch và tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh COVID-19; chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tiếp cận nguồn vốn để thu mua lúa theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; ký kết kế hoạch phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 9 giúp công dân thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ nông - thủy sản; mời gọi và kết nối DN trong, ngoài tỉnh thu mua lúa.
An Giang còn thành lập Tổ Xúc tiến thương mại và tiêu thụ nông sản; hình thành 161 tổ phản ứng nhanh nông nghiệp cấp tỉnh, huyện và xã để tiếp nhận, xử lý nhanh thông tin hỗ trợ tiêu thụ nông, thủy sản. UBND tỉnh chủ động phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và TP. Cần Thơ triển khai các giải pháp kết nối tiêu thụ lúa, nếp. Đồng thời, xây dựng kế hoạch hỗ trợ DN phục hồi sản xuất - kinh doanh và thúc đẩy phát triển kinh tế trong điều kiện mới…
Với nhiều nỗ lực hỗ trợ, lúa hè thu 2021 trên địa bàn An Giang được thu hoạch và tiêu thụ hết
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, nhờ những hỗ trợ kịp thời, toàn bộ lúa hè thu 2021 (hơn 231.000ha) đều được thu hoạch và tiêu thụ hết, giá gần bằng vụ hè thu 2020. Đối với vụ thu đông 2021, toàn tỉnh sản xuất gần 161.000ha lúa, nếp; đã xuống giống theo kế hoạch. “Khó khăn của vụ thu đông là chi phí đầu vào tăng, nhất là phân bón tăng giá từ 50-63%. Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần tìm cách tiết giảm tối đa chi phí trong từng khâu của chuỗi sản xuất - cung ứng phân bón. Nếu kéo được giá phân bón chỉ tăng 10-15%, cộng với việc đẩy mạnh hướng dẫn nông dân áp dụng kỹ thuật canh tác tiến bộ, tiết kiệm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… thì vụ hè thu 2021 sẽ ổn định” - ông Thư đánh giá.
Cần phối hợp đồng bộ
Đối với cá tra, đến nay, An Giang thu hoạch 270.181 tấn cá tra thương phẩm, gần bằng cùng kỳ năm 2020. Dự kiến đến cuối năm 2021, sản lượng cá tra còn thu hoạch khoảng 157.000 tấn, chủ yếu cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, khoảng 80.000 tấn thủy sản nuôi trồng và 20.000 tấn thủy sản khai thác tự nhiên, chủ yếu tiêu thụ nội địa và xuất sang thị trường Campuchia.
“Về phía Campuchia, tỉnh làm việc với các địa phương giáp ranh, sẽ tạo thuận lợi thông thương hàng hóa sang thị trường này. Riêng nội địa, nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản, rau màu, trái cây của An Giang cần kết nối tiêu thụ thông qua các chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh. Tỉnh đề nghị các bộ, ngành Trung ương phối hợp với TP. Hồ Chí Minh, bàn giải pháp thiết lập cơ chế hoạt động của các chợ đầu mối trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19. Khi chợ đầu mối khởi động lại, giao thông “luồng xanh” được tạo thuận lợi, cùng sự hỗ trợ vận chuyển nông sản, hàng hóa bằng tàu của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, sẽ tạo điều kiện đẩy mạnh tiêu thụ nội địa đối với nông sản” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư phân tích.
Cùng với khoảng 1 triệu tấn lúa thu đông 2021, số lượng lớn cá tra, thủy sản, An Giang còn có 17.839ha cây ăn trái đang được chăm sóc, cho trái. Trong đó, chủ lực vẫn là xoài với 11.996ha, chuối 1.022ha, nhãn 481ha, mít 968ha, cây có múi 1.528ha (bưởi 531ha, cam 331ha, quýt 182ha, chanh 484ha). Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ nay đến cuối năm 2021, nhiều diện tích cho thu hoạch rộ, chủ yếu là xoài với khoảng 76.000 tấn, chuối 4.000 tấn, cam, quýt trên 2.000 tấn. Trong đó, sản lượng xoài được liên kết tiêu thụ 10.335 tấn, tương đương 12,26% tổng sản lượng thu hoạch. Như vậy, An Giang còn khoảng 74.000 tấn trái cây cần hỗ trợ tiêu thụ đến cuối năm nay.
Đối với các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh có tỷ trọng lớn xuất sang thị trường Trung Quốc, như: gạo (chiếm 32%), cá tra (chiếm 26%), tỉnh thường xuyên thông tin đến DN các quy định, điều kiện xuất khẩu hàng hóa vào Trung Quốc; khuyến khích DN xuất khẩu hàng hóa chính ngạch vào thị trường này. Đồng thời, tập trung kết nối, hỗ trợ tiêu thụ thị trường nội địa, nhất là nông sản có thời hạn ngắn ngày. An Giang sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các tỉnh ĐBSCL hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, mua bán, vận chuyển nông sản hàng hóa, đảm bảo an toàn trong tình hình dịch bệnh COVID-19.
Để “sống chung hòa bình” với dịch bệnh COVID-19, cần ưu tiên phân bổ vaccine cho người lao động tham gia chuỗi sản xuất nông, thủy sản (từ khâu sản xuất đến chế biến, vận chuyển, tiêu thụ). Qua đó, xây dựng cơ chế “vùng xanh” trong sản xuất, chế biến, cho phép công nhân đã tiêm vaccine được đi lại từ chỗ ở đến nhà máy sản xuất trong “vùng xanh”, thay thế và giảm áp lực dần cho phương án “3 tại chỗ”.
|
NGÔ CHUẨN