Duy trì hệ sinh thái, bảo vệ môi trường

28/09/2021 - 04:32

 - Mô hình công nghệ sinh thái trồng hoa trên bờ ruộng không còn xa lạ với nông dân. Hoa thu hút thiên địch đến để khống chế sâu hại trên ruộng lúa, nhờ vậy mà mật độ sâu rầy bị kiềm chế ở mức thấp. Mô hình ruộng lúa bờ hoa hầu như không tốn nhiều chi phí đầu tư và công chăm sóc nhưng mang hiệu quả tích cực trong sản xuất nông nghiệp, xứng đáng là hình mẫu được nông dân ứng dụng rộng rãi trên ruộng lúa của mình.

Tình trạng nông dân sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng nói chung và cây lúa nói riêng còn diễn ra ở nhiều nơi. Không chỉ sử dụng để đặc trị sâu bệnh, mà còn sử dụng để phòng trừ từ trước, mặc dù ruộng, vườn của mình đang rất sạch, không bị sâu bệnh phá hoại. Thói quen canh tác này làm chi phí sản xuất tăng cao, lợi nhuận vào thời điểm cuối vụ bị thu hẹp đáng kể. Đó là chưa nói đến việc sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật sẽ làm đất đai nhanh cằn cỗi, mất độ màu mỡ vốn có, tỷ lệ sâu bệnh trên cây trồng ngày càng tăng cao do mất dần hệ sinh thái trong tự nhiên.

Để hạn chế sâu, rầy gây hại trên cây lúa, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) vừa triển khai mô hình công nghệ sinh thái “Ruộng lúa bờ hoa” cho 12 nông dân ở khu vực xã Bình Hòa, Tân Phú, Cần Đăng cùng nhau thực hiện. Các giống hoa được chọn trồng là: cánh bướm, sao nhái, cúc mặt trời, đậu bắp, hướng dương, móng tay, mè… được cán bộ kỹ thuật hỗ trợ trực tiếp cho nông dân.

Trong thời gian từ gieo hạt, đến nở hoa, cán bộ kỹ thuật của trạm hàng tuần đến ghi nhận thực tế tại ruộng lúa: bao nhiêu ngày thì trên cây hoa xuất hiện thiên địch; những loại thiên địch đó giúp lúa kháng lại những loại sâu, rầy nào… Bà con nông dân được tận mắt chứng kiến, thấy được hiệu quả mang lại từ mô hình trên thực tế ruộng lúa của mình.

Trồng hoa trên bờ ruộng vừa tạo cảnh quan đẹp, vừa thu hút nhiều thiên địch khống chế sâu, rầy hại lúa

Theo Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành Nguyễn Thanh Sơn, mô hình công nghệ sinh thái “Ruộng lúa bờ hoa” tuy không mới, nhưng luôn thể hiện tính hiệu quả trong canh tác nông nghiệp. Bà con nông dân chỉ cần trồng thêm hoa ở bờ ruộng, đi thăm lúa thì tưới nước, không phải bỏ công chăm sóc quá nhiều mà vẫn thu hút thiên địch.

“Theo ghi nhận thực tế tại ruộng lúa của nông dân, vụ này thiên địch xuất hiện khá sớm và nhiều, như: chuồn chuồn, bọ rùa, nhện lưới… Tín hiệu đáng mừng là các loại sâu, rầy gây hại trên lúa vẫn chưa xuất hiện dù ruộng lúa được trên 50 ngày. Từ đó, có thể giúp nông dân giảm chi phí phun xịt thuốc trừ sâu, vừa tăng lợi nhuận, giúp bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên vốn có” - ông Sơn thông tin.

Vụ lúa này, ông Nguyễn Thanh Hùng (ngụ xã Bình Hòa, huyện Châu Thành) canh tác 2,3ha lúa giống Đài Thơm 8. Ngày cấy lúa, ông Hùng cũng trồng luôn các loại hoa, như: hướng dương, sao nhái… trên bờ ruộng của mình. Nay, lúa được hơn 50 ngày, hoa cũng nở đều, thu hút rất nhiều thiên địch có lợi cho ruộng lúa. Theo ông Hùng, so với nhiều giống lúa khác thì Đài Thơm 8 tốn nhiều công chăm sóc hơn, vì thường bị vi khuẩn đạo ôn tấn công, bởi vậy chi phí sản xuất cũng cao hơn.

 “Nếu như trồng các loại lúa thông thường khác, mỗi công tốn khoảng 1,6 triệu đồng, còn đối với Đài Thơm 8 từ 2-2,1 triệu đồng/công. Bởi vậy, mô hình nào hay có thể áp dụng trên ruộng lúa là tôi thực hiện. Chẳng hạn như trồng hoa trên bờ ruộng này, thật sự giúp ích rất nhiều cho nông dân. Hầu như ruộng không xuất hiện sâu cuốn lá, trong khi những ruộng lúa gần đó không áp dụng bị sâu cuốn lá nhiều. Mô hình giúp tiết kiệm được chi phí phun, xịt thuốc trừ sâu… nên lợi nhuận của nông dân nhiều hơn” - ông Hùng nhẩm tính.

Mô hình trồng hoa trên bờ ruộng đã được nghe nói đến nhiều, nhưng nông dân vẫn chưa áp dụng đại trà, đa phần vì thói quen canh tác. Theo ông Sơn, sản xuất nông nghiệp hiện nay hướng đến sản phẩm an toàn, hữu cơ, duy trì được môi trường sinh thái cân bằng (có sâu, rầy nhưng cũng có thiên địch đối kháng loại trừ) theo quy luật tự nhiên. Nếu trên đồng ruộng, nông dân duy trì được mô hình như vậy sẽ giúp bà con tiết kiệm được chi phí trong canh tác, rộng hơn là tạo được nông sản an toàn cung cấp cho người tiêu dùng.

Mặc dù thời gian đầu nông dân tham gia mô hình đông nhưng sau đó giảm dần do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, để mô hình ngày càng lan tỏa, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành sẽ nghiên cứu kỹ hơn về tính hiệu quả của mô hình cũng như cử cán bộ kỹ thuật hỗ trợ nông dân. Qua đó, không chỉ giúp người nông dân trực tiếp kiểm chứng tính hiệu quả của mô hình, mà còn là tuyên truyền viên tích cực giúp mô hình trồng lúa trên bờ ruộng ngày càng lan tỏa và phát triển, vì một nền nông nghiệp sạch.

ÁNH NGUYÊN