Duy trì sản xuất cá tra

07/10/2021 - 06:30

 - Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về giá bán, vận chuyển, xuất khẩu… do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nhưng cá tra vẫn được đánh giá là mặt hàng còn nhiều tiềm năng, dư địa phát triển. Nhu cầu tiêu thụ cao của các nước thời điểm cuối năm, nhất là dịp lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch được xem là cơ hội để ngành cá tra phục hồi, phát triển, chuẩn bị cho năm mới tốt hơn.

Cá tra vẫn có tiềm năng và dư địa phát triển

Nỗ lực sản xuất

Là tỉnh trọng điểm về sản xuất con giống cá tra, An Giang có Trung tâm Giống thủy sản sản xuất cá bột, cá giống và 8 cơ sở sản xuất giống cá tra bột với tổng số 41.823 con cá bố mẹ (đang sinh sản 13.993 con; cá hậu bị 27.830 con, trong đó đàn cá của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II là 10.530 con), năng lực cung cấp 12 tỷ cá bột/năm. Tỉnh còn có 998 cơ sở ương dưỡng giống cá tra với diện tích 900ha, năng lực ương dưỡng là 2-3 tỷ con/năm, tập trung tại các huyện Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú và TX. Tân Châu. Diện tích hiện đang nuôi 593ha, sản lượng thu hoạch 1,4 tỷ con, cao hơn 4,82% so cùng kỳ năm 2020.

Đối với nuôi thương phẩm, tổng diện tích nuôi cá tra là 1.235ha, trong đó doanh nghiệp (DN) và hộ nuôi liên kết DN là 1.049ha (chiếm 87%), hộ không liên kết 187ha; sản lượng ước 400.000-450.000 tấn/năm, tập trung tại các huyện Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân và TP. Long Xuyên.

Nếu tính riêng diện tích đang nuôi cá tra thương phẩm của DN, hiện có 37 vùng nuôi với 852,7ha. Trong đó, TP. Long Xuyên có 106ha/8 vùng nuôi của DN (Công ty Cổ phần (CP) Nam Việt, Công ty TNHH MTV Phú Hưng, Công ty CP XNK Thủy sản Cửu Long An Giang, Công ty CP XNK Thủy sản Cửu Long); sản lượng cá tra tương ứng 45.000 tấn. Tại huyện Châu Phú, có 468ha/5 vùng nuôi (Công ty TNHH MTV Nam Việt Bình Phú, Công ty TNHH phát triển Lộc Kim Chi, Công ty XNK Thủy sản cổ phần Đông Á, Công ty XNK Thủy sản An Mỹ, Công ty Hải sản Trang Trại Xanh); sản lượng thu hoạch 200.000 tấn. Huyện Phú Tân có 17,2ha/4 vùng nuôi (Công ty XNK Thủy sản Trường Giang, Công ty CP XNK Nông sản thực phẩm An Giang (AFIEX), Công ty CP USFISH, Công ty CP XNK Thủy sản An Mỹ); sản lượng 7.300 tấn. Huyện Châu Thành có 92,2ha/8 vùng nuôi (Công ty CP Nam Việt, Công ty XNK Thủy sản NTSF, Công ty XNK Thủy sản Đông Á); sản lượng 39.000 tấn. Huyện Chợ Mới có 138,95ha/12 vùng nuôi của DN và 1 hợp tác xã (Công ty CP Nam Việt, Công ty CP XNK Thủy sản Cửu Long An Giang, Công ty CP XNK Thủy sản Cửu Long, Công ty CP Vĩnh Hoàn, Công ty AFIEX, Công ty NTSF, Công ty số 4 Đồng Tâm, Công ty CP XNK Thủy sản An Giang, Hợp tác xã nông sản thực phẩm Chợ Mới); sản lượng 59.000 tấn/năm.

Bằng nhiều nỗ lực, đến nay, diện tích nuôi được chứng nhận của An Giang đạt 477ha (tiêu chuẩn ASC 91ha, chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 386ha), sản lượng 148.000 tấn/năm, chiếm 32,2% diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh.

Chú trọng chất lượng con giống

Chi cục Thủy sản An Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, ngành thủy sản đã thực hiện kiểm tra điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản cho 23 cơ sở sản xuất, ương dưỡng, trong đó có 7/9 cơ sở sản xuất cá bột, 16/998 cơ sở ương dưỡng cá giống. Đồng thời, đã thực hiện cấp mã số ao nuôi cá tra nhằm truy xuất nguồn gốc với tổng diện tích cấp, cấp lại là 1.278ha (DN 785ha, hộ nuôi 493ha) của 409 vùng nuôi (DN 191 vùng, hộ nuôi 218 vùng).

Là tỉnh đứng đầu về sản lượng cung cấp cá tra giống cho vùng ĐBSCL hiện nay, An Giang đang tập trung thực hiện liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp. Đến nay, tỉnh đã thành lập được 3 chi hội sản xuất cá tra tham gia Đề án sản xuất giống cá tra 3 cấp. Trong đó, Chi hội sản xuất cá giống AFA có tổng số 30 hội viên, vùng nuôi ương giống tập trung tại các huyện Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú; tổng diện tích 200ha; sản lượng khoảng 300 triệu con giống/năm. Đối với Chi hội sản xuất cá giống Châu Phú, tổng số 16 hội viên; tổng diện tích 36ha; sản lượng khoảng 50 triệu con giống/năm. Trong khi đó, Chi hội sản xuất cá giống Phú Thuận có tổng số 8 hội viên; tổng diện tích 13ha; sản lượng khoảng 30 triệu con giống/năm. Bên cạnh đó, Công ty CP Nam Việt Bình Phú có 99,6ha diện tích sản xuất giống cá tra; Công ty CP Vĩnh Hoàn 48ha; Công ty CP Cá tra Việt Úc 100,4ha.

Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và Việt Nam diễn biến phức tạp, ít nhiều gây gián đoạn chuỗi cung ứng thủy sản đối với thị trường xuất khẩu và nội địa. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành nông nghiệp vẫn đảm bảo duy trì phát triển sản xuất thủy sản thích ứng trong điều kiện dịch bệnh, phấn đấu đạt chỉ tiêu phát triển thủy sản theo kế hoạch năm 2021 của ngành. Cụ thể, sản lượng thủy sản thu hoạch cá tra 270.200 tấn (đạt 97,96% so với cùng kỳ 2020), giá trị kim ngạch xuất khẩu gần 191 triệu USD (đạt 98,48% so với cùng kỳ năm 2020).

Ngành nông nghiệp tỉnh cùng với các địa phương đã tích cực xây dựng các mối liên kết để kết nối việc tiêu thụ sản phẩm nông, thủy sản. Từ tỉnh đến huyện, xã đều thành lập các tổ phản ứng nhanh để hỗ trợ kịp thời việc thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nông, thủy sản cho người dân và DN. Đến nay, mô hình Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp đã vận hành khá hiệu quả, can thiệp, xử lý kịp thời những thông tin phản ánh liên quan hoạt động thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nông, thủy sản trên địa bàn An Giang.

Kế hoạch năm 2021, An Giang sản xuất 10 tỷ con cá tra bột, 2,2 tỷ con giống cá tra và 445.000 tấn cá tra thương phẩm.

 

NGÔ CHUẨN