Giá lúa thu đông đầu vụ tăng cao, nông dân phấn khởi

29/10/2021 - 05:12

 - Thời điểm này, nông dân ở nhiều địa phương đang tất bật thu hoạch vụ lúa thu đông sớm với tâm trạng phấn khởi. Lúa được mùa, được giá, giúp nông dân giảm bớt gánh nặng về kinh tế sau thời gian dài chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19.

Nông dân thu hoạch lúa thu đông. Ảnh: HOÀNG VŨ

Lúa được mùa

Tại xã Hòa An (huyện Chợ Mới), những ngày này, nhiều diện tích đất công nghiệp sản xuất vụ thu đông đang bắt đầu thu hoạch, không khí tất bật, nhộn nhịp kèm theo niềm vui xuất hiện trên gương mặt của người nông dân. Trên bờ kênh, các thương lái túc trực để thu mua lúa cho bà con. Đang chờ đến lượt mình cân lúa, ông Lê Văn Di cho biết, vụ này, gia đình ông gieo sạ giống lúa IR 50405 trên diện tích 6 công tầm cắt (khoảng 1.300m2).

Theo ông Di, thu đông là vụ sản xuất có nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do thời điểm này thường rơi vào mùa mưa, sâu bệnh gây hại với tần suất nhiều hơn. Đặc biệt năm nay, chi phí vật tư nông nghiệp ở mức cao, trong đó giá phân bón tăng khoảng 20-25% so với vụ lúa hè thu trước đó khiến cho chi phí sản xuất “đội” lên rất nhiều... Tuy nhiên, nhờ thực hiện theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, nông dân lựa chọn giống lúa chất lượng cao, tích cực vệ sinh đồng ruộng, đẩy mạnh khuyến nông và bảo vệ thực vật; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp... góp phần giảm bớt chi phí sản xuất, việc canh tác có nhiều kết quả khả quan. Lúa cho năng suất cao, chất lượng đảm bảo.

Tại xã An Thạnh Trung (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), mặc dù lúa còn 10 ngày nữa mới thu hoạch nhưng gia đình anh Nguyễn Văn Dũng vô cùng phấn khởi. Anh Dũng cho biết, năm nay, thời tiết thuận lợi hơn những năm trước nên lúa sinh trưởng và phát triển khá tốt. Tuy nhiên, những ngày gần đây, do ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới, mưa nắng thất thường nên nông dân gặp khó khăn trong việc chăm sóc, thu hoạch lúa. “Dù gặp nhiều khó khăn nhưng năng suất lúa vụ này vẫn đảm bảo, không chênh lệch nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí còn cao hơn so với năm rồi. Không riêng gì tôi mà hầu hết bà con nơi đây đều có niềm vui tương tự” - anh Dũng chia sẻ.

Cũng theo anh Dũng, thời điểm đầu vụ, nhiều nông dân vô cùng lo lắng về tình hình dịch bệnh COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến việc canh tác, đặc biệt là giai đoạn thu hoạch, mua bán, vận chuyển lúa sau thu hoạch. Tuy nhiên, nhờ những chỉ đạo của UBND tỉnh đã tạo điều kiện cho việc thu hoạch và thu mua lúa được dễ dàng, thuận tiện hơn. Qua đó, đã tạo tâm lý an tâm, phấn khởi cho bà con nông dân.

Được giá

Bên cạnh niềm vui trúng mùa, nông dân hiện đang vô cùng phấn khởi vì giá lúa đang ở mức cao. Hiện nay, giá lúa OM 380 có giá 5.800 đồng/kg, lúa OM 5451 có giá từ 6.100-6.200 đồng/kg, lúa IR 50404 có giá từ 5.600-5.700 đồng/kg, lúa OM 18 có giá 6.300-6.400 đồng/kg... Theo ông Lê Văn U (xã An Thạnh Trung), chi phí sản xuất vụ này cao hơn so với các vụ khác trong năm. Tuy nhiên, với mức giá bán này, nông dân có thể mang về lợi nhuận 2-2,5 triệu đồng/công.

Hiện nay, mưa xảy ra trên diện rộng kèm theo gió mạnh đã làm một số diện tích bị đỗ ngã làm ảnh hưởng đến năng suất sau thu hoạch của nông dân. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên lực lượng lao động đi theo máy cắt khan hiếm, kéo theo tiền thuê tăng cao. Điều này đã khiến cho chi phí thuê máy cắt tăng cao. Dù vậy, nông dân vẫn cảm thấy vui khi thu hoạch vì giá lúa ở mức cao, lợi nhuận tốt.

Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong những tháng còn lại của năm 2021, giá lúa vẫn tiếp tục giữ ở mức cao. Nguyên nhân là do hoạt động xuất khẩu tiếp tục được đẩy mạnh do nhiều thị trường tại Châu Á tăng nhập khẩu vào thời điểm cuối năm. Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu sẽ được khơi thông mạnh mẽ hơn do các địa phương bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội từ đầu tháng 10-2021 và chủ trương nối lại sản xuất an toàn và phòng, chống dịch hiệu quả. Cùng với đó, thị trường gạo thế giới bắt đầu có dấu hiệu sôi động trở lại khi dịch bệnh COVID-19 ở các nước trên thế giới, nhất là các thị trường nhập khẩu của Việt Nam bớt căng thẳng, cho phép hoạt động thương mại gạo được nối lại.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ thu đông 2021, tỉnh An Giang xuống giống khoảng 175.180ha, trong đó lúa 160.957ha và màu 14.223ha. Diện tích lúa của huyện Thoại Sơn xuống giống 37.400ha, Châu Phú 25.500ha, Châu Thành 24.400ha, Tri Tôn 22.000ha, Chợ Mới 12.400ha, Phú Tân 11.200ha, TX. Tân Châu 10.300ha...

ĐỨC TOÀN