Giá tiêu tăng "nhảy vọt" hơn 30.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái
Cụ thể, theo khảo sát của Dân Việt, giá tiêu hôm nay tại khu vực Châu Đức (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cao nhất cả nước, đạt 81.500 đồng/kg. Giá tiêu hôm nay tại Bình Phước ở mức 80.500 đồng/kg.
Giá tiêu tại khu vực Đắk Lắk, Đắk Nông duy trì mức 79.500 đồng/kg. Trong khi đó, giá tiêu hôm nay tại thủ phủ Chư Sê, tỉnh Gia Lai thấp nhất cả nước, ở mức 78.500 đồng/kg.
Nếu so với cùng kì năm 2020, giá tiêu hôm nay tại Việt Nam đã có bước nhảy vọt khó ngờ tới, chênh tới trên 30.000 đồng/kg, tương đương tăng 40%.
Vụ thu hoạch tiêu vừa qua, hầu hết các vùng trồng tiêu lớn bị mất mùa khiến sản lượng tiêu cung ứng ra thị trường giảm. Trong ảnh: Nông dân Tây Nguyên thu hoạch hồ tiêu vụ 2021. Ảnh: T.L
Theo Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu đạt 197,77 nghìn tấn, trị giá 657,82 triệu USD. Con số này giảm 2,0% về lượng, nhưng tăng 48,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong tuần vừa qua, giá tiêu xuất khẩu cũng tăng trưởng tốt, đạt 50 USD/tấn. So với đầu tháng, giá tiêu đen và tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam tăng tới 165 USD/tấn.
Các chuyên gia nhận định, nguyên nhân giá tiêu liên tục tăng bất chấp những ảnh hưởng từ dịch Covid-19 là do có những đơn hàng từ thương nhân Trung Quốc, Mỹ.
Đáng chú ý, thị trường châu Âu, châu Á cũng đẩy mạnh mua hạt tiêu từ Việt Nam, với nhu cầu tăng mạnh từ Đức, Hà Lan, Pháp, Philippines, Pakistan... Bên cạnh đó, cuộc chiến chống Covid-19 đang dần được đẩy lùi, các doanh nghiệp cũng rục rịch thu mua để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu dịp cuối năm.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Phước Bính – Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê khẳng định: Trong bối cảnh hiện nay, giá tiêu tăng là chuyện bình thường. Giá tiêu không tăng cao mới là lạ, và đang tăng ở hầu hết các nước sản xuất lớn.
"Ngay từ đầu vụ thu hoạch năm nay, tôi đã dự báo giá tiêu sẽ tăng mạnh. Thậm chí đến cuối năm, giá tiêu có thể cán mốc 90.000 – 100.000 đồng/kg" – ông Bính nói.
Nguyên nhân nào đẩy giá tiêu tăng mạnh, bất chấp dịch Covid-19?
Về một số nguyên nhân đẩy giá tiêu tăng mạnh so với cùng kì năm 2020, các chuyên gia cho rằng:
Thứ nhất, năm nay nhiều vùng trồng tiêu chủ lực của Việt Nam bị mất mùa nặng, sản lượng thu hoạch giảm mạnh. Không chỉ Việt Nam bị mất mùa mà các nước Brazil, Malaysia cũng bị mất mùa.
Trong khi đó, ngành hàng theo cơ chế thị trường, phụ thuộc vào quan hệ cung cầu là chính, cung thừa thì giá giảm, cung thiếu thì giá tăng.
Thứ hai, thị trường châu Âu đã mở cửa sau một thời gian dài chống chọi với dịch Covid-19, do đó nhu cầu về hạt tiêu cũng như một số loại gia vị khác sẽ tăng lên.
Trong điều kiện dịch bệnh, chi phí logictics tăng cao và các chi phí khác đều tăng, cộng với việc cung ứng hàng hoá không kịp thời cũng là những lí do khiến bên mua phải đẩy giá mua tăng lên so với trước.
"Do giá tiêu tăng liên tục mấy tháng qua nên ở Tây Nguyên, nhiều nông dân đang xôn xao tìm mua trụ gỗ, trụ bê tông, cây trụ sống và giống tiêu để trồng tiêu trở lại. Tôi cho rằng bà con nên đầu tư chăm sóc tốt diện tích tiêu đang có. Còn nếu là trồng mới thì nên cẩn trọng, vì ngành hàng hồ tiêu hiện nay vẫn chứa đựng nhiều rủi ro dịch bệnh, giá cả chưa ổn định" – ông Hoàng Phước Bính nói.
Do giá tiêu tăng liên tục mấy tháng qua nên ở Tây Nguyên, nhiều nông dân muốn trồng tiêu trở lại. Ảnh: Nông dân Gia Lai thu hoạch hồ tiêu năm 2021. Ảnh: Trần Hiền
Để ngành hồ tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới, ông Bính đề nghị Chính phủ, các bộ ngành và các cơ quan liên quan cần có thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời về diện tích sản xuất hồ tiêu của Việt Nam và thế giới.
Rà soát các khâu chế biến lưu thông, tiêu thụ, để từ đó có các thông tin chính thống, giúp nông dân và các thành phần trong ngành hàng biết được để có chiến lược phát triển phù hợp.
Nhà nước cần có các giải pháp đầy đủ và kịp thời để đưa các chính sách hỗ trợ cho việc phát triển các ngành hàng nông sản nói chung và ngành hàng hồ tiêu nói riêng.
"Bên cạnh đó, Nhà nước cần có các chính sách, kế hoạch cụ thể và tốt hơn nữa để hỗ trợ cho các hợp tác xã kết nối với các doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị. Có làm được việc này thì ngành nông sản mới sản xuất, chế biến xuất khẩu được tốt và bền vững" – ông Bính nhấn mạnh.
Giá tiêu xuất khẩu tăng trưởng mạnh
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 8/2021, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 3.769 USD/tấn, tăng 4,4% so với tháng 7/2021 và tăng 50,7% so với tháng 8/2020.
Trong 8 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt 3.326 USD/tấn, tăng 51,3% so với 8 tháng đầu năm 2020.
Theo Dân Việt