Giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu sổ

21/02/2019 - 07:48

 - Năm 2018, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp, triển khai đồng bộ nhiều chính sách nhằm cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh và thu được những kết quả quan trọng trong giảm nghèo vùng DTTS, với GRDP tăng 6% so cùng kỳ, mức thu nhập bình quân đầu người ước đạt trên 40 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm từ 1-1,05%/năm.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Men Pholly nhận định: “Công tác giảm nghèo vùng đồng bào DTTS năm qua có sự chuyển biến tích cực, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng nhu cầu thông thương trao đổi hàng hóa. Các công trình trạm y tế được nâng cấp, sửa chữa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh tuyến cơ sở. 100% đồng bào DTTS nghèo và đồng bào DTTS sinh sống tại địa bàn các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn được mua thẻ bảo hiểm y tế. Phần lớn các khóm, ấp nơi đồng bào dân tộc sinh sống có nhà trẻ, trường mẫu giáo, các xã đều có trường cấp I, cấp II. Học sinh, sinh viên DTTS nghèo đi học được cấp tập, sách và trợ cấp học phí. Nhà ở của đồng bào DTTS đã được xây mới và sửa chữa khang trang, đời sống của đồng bào dân tộc có bước phát triển, sản xuất nông nghiệp ngày càng cải thiện do người dân biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi nên số hộ đủ ăn và khá ngày một tăng. Bên cạnh những tích cực vẫn còn một số hạn chế như: công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề chưa đạt hiệu quả cao. Phong tục tập quán cư trú của đồng bào chủ yếu là vùng sâu, vùng xa nên còn khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ, phúc lợi xã hội, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất còn chậm. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, những hộ thoát nghèo có nguy có tái nghèo cao”.

Từ những hạn chế trên, Ban Dân tộc tỉnh đã đẩy mạnh công tác giảm nghèo vùng đồng bào DTTS năm 2019 với những nhiệm vụ cụ thể. Đó là thường xuyên đánh giá hiệu quả của các chính sách, chương trình dân tộc trên địa bàn tỉnh; tổ chức triển khai chương trình 135 theo Văn bản số 190/UBDT-VP135 của Ủy ban Dân tộc, Quyết định 2085/QĐ-TTg về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và chuyển đổi nghề trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác nắm tình hình về các lĩnh vực an ninh chính trị, kinh tế, đời sống, thiên tai, dịch bệnh, tình hình tôn giáo, dân tộc, y tế, phối hợp các cơ sở, người có uy tín trong đồng bào DTTS nắm tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc để chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh kịp thời giải quyết những bức xúc, khó khăn tại vùng DTTS. Từ những khó khăn thực tế trong công tác giảm nghèo cùng đồng bào DTTS, Ban Dân tộc tỉnh đề xuất các chương trình, chính sách thời gian qua tập trung nhiều vào cơ sở hạ tầng, nay cần tập trung đầu tư ở địa bàn xã vùng dân tộc, đẩy mạnh chính sách bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS, chính sách hỗ trợ cho cơ sở sản xuất, làng nghề dân tộc, hộ sản xuất - kinh doanh để tạo việc làm tại chỗ cho vùng dân tộc.

Cùng với đó là đề nghị tuyến trên đầu tư nhiều hơn vào các trường nội trú cấp huyện, xã nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn ngay từ các trường phổ thông DTTS, từ đó giúp hướng nghiệp, đào tạo nghề hiệu quả hơn. Đồng thời, tăng cường đầu tư mạnh cho công tác giáo dục- đào tạo người DTTS Khmer, hỗ trợ dạy tiếng dân tộc tại các điểm chùa trong dịp hè. Ban Dân tộc còn đề xuất Trung ương cần nâng mức kinh phí cho các chương trình, phân bổ kịp thời các nguồn đầu tư, có cơ chế bổ sung hoặc điều chỉnh hợp lý các hạng mục và chỉ tiêu trong các quyết định đầu tư như: cấp đất sản xuất và nhà ở cho hộ dân tộc nghèo không đất (hình thức khu dân cư), tiếp tục có chính sách đầu từ thủy lợi vùng cao do thực tế hệ thống kết nối thủy lợi hiện vào mùa khô chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu người dân, tiếp tục thực hiện chương trình nước sạch phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân; có chính sách thu hút, ưu đãi cho doanh nghiệp khi sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số ở địa phương…

Bài, ảnh: NGỌC GIANG