Gỡ khó đầu ra nông sản cho nông dân

01/11/2021 - 05:26

 - Thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh An Giang đã tích cực hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, tổ chức lại sản xuất và tham gia phòng, chống dịch. Qua đó, đã cùng nông dân từng bước vượt qua khó khăn, ổn định đời sống.

Khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của hội viên, nông dân trong tỉnh. Do phải thực hiện giãn cách xã hội với các mức độ khác nhau tùy thời điểm nên việc vận chuyển, giao thương, mua bán nông sản gặp nhiều khó khăn, có thời điểm xảy ra ùn ứ khó tiêu thụ...

Đánh giá được tình hình, Hội Nông dân tỉnh An Giang đã tăng cường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Đồng thời, chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, với mục tiêu vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Hội Nông dân hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản

Để hỗ trợ nông dân, các cấp hội đã thống kê chủng loại nông sản, sản lượng, thời gian thu hoạch, dự kiến giá bán để chủ động theo dõi, có kế hoạch mời gọi, liên kết với các đơn vị thu mua. Liên hệ với các công ty, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện trong, ngoài tỉnh chung tay hỗ trợ nông dân.

 Hội Nông dân các cấp đã tích cực tham gia các “Tổ phản ứng nhanh” ở địa phương, nhằm hỗ trợ tiêu thụ 9.996 tấn lúa, nếp; 3.714 tấn rau màu; 68 tấn trái cây; hơn 684 tấn thủy sản; 97.500 trứng gia cầm… cho nông dân. Ngoài ra, còn tham gia hỗ trợ 13 hợp tác xã đăng ký danh sách đầu mối cung ứng nông sản phía Nam do tổ công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai, để cung ứng cho TP. Hồ Chí Minh.

Hội Nông dân các địa phương còn tận dụng tiện ích của mạng xã hội Facebook, Zalo đăng tải các mặt hàng nông sản cần tiêu thụ để cộng đồng hỗ trợ. Tiêu biểu, Hội Nông dân xã Kiến An (huyện Chợ Mới) đã làm trung gian giúp kết nối giữa người nông dân và doanh nghiệp để tiêu thụ gần 100 tấn nông sản các loại.

Song song việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản, hoạt động tổ chức lại sản xuất đóng vai trò then chốt để giúp nông dân từng bước ổn định đời sống. Theo đó, Hội Nông dân tỉnh đã yêu cầu các cấp hội tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị.

Cụ thể, Hội Nông dân huyện Phú Tân đã vận động nông dân ký kết hợp đồng tiêu thụ với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời trên 700ha lúa, nếp. Hội Nông dân TX. Tân Châu vận động nông dân ký kết hợp đồng tiêu thụ khoảng 300ha lúa, 50ha cây ăn trái với Công ty Cổ phẩn Tập đoàn Lộc Trời và Công ty Hoàng Khang. Hội Nông dân huyện Châu Phú đã vận động nông dân ký kết hợp đồng với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời tiêu thụ 2.579ha lúa.

Thực hiện phát triển các mô hình liên kết sản xuất, hội nông dân các cấp đã vận động, tham gia thành lập mới 27 tổ hợp tác từ đầu năm tới nay. Hiện, toàn tỉnh có 823 tổ hợp tác sản xuất với 14.147 thành viên, trên diện tích canh tác 45.856ha; có 267 Câu lạc bộ nông dân với 7.158 thành viên, tổng diện tích canh tác 5.300ha.

Hội Nông dân các cấp đồng hành với nông dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID-19

Hội Nông dân, còn phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời thành lập Liên hiệp Hợp tác xã huyện Thoại Sơn, với mục tiêu phát triển hoạt động sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung gắn với chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến bao tiêu sản phẩm, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị nông sản trên thị trường. Qua đó, tạo điều kiện để các thành viên tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình sản xuất - kinh doanh thông qua việc tổ chức tốt quy mô sản xuất.

Dù được tích cực hỗ trợ nhưng nông dân vẫn đối mặt với những khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản. Khi vào vụ thu hoạch, thương lái không đến thu mua hoặc mua với giá thấp, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân. Các hợp tác xã, tổ hợp tác, chi hội nông dân gặp nhiều khó khăn vì hoạt động sản xuất - kinh doanh gián đoạn và doanh thu bị giảm. Đặc biệt, giá vật tư nông nghiệp, như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cây, con giống… tăng rất cao, dao động từ 20% trở lên, khiến nông dân ngán ngại việc đầu tư sản xuất.

Trước tình hình đó, Hội Nông dân tỉnh xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành, chính quyền địa phương và chỉ đạo Hội Nông dân cơ sở thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tích cực giúp đỡ hội viên, nông dân tháo gỡ khó khăn trong quá trình sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh sẽ phối hợp với các ngành tăng cường công tác tìm kiếm thị trường và tổ chức liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân. Tiếp tục xây dựng và triển khai kế hoạch sàn giao dịch nông sản nhằm quảng bá và giới thiệu sản phẩm của hội viên, nông dân, hướng đến mục tiêu đa dạng hóa thị trường, nâng cao giá trị nông sản An Giang trong thời gian tới.

THANH TIẾN