Hiệu quả trồng mận trong mùng lưới

07/01/2020 - 07:28

Với ý tưởng chuyển dịch cơ cấu cây trồng hiệu quả và hướng tới nền nông nghiệp sạch, anh Trần Văn Gấu Em (sinh năm 1976, ở ấp An Long, xã An Thạnh Trung, Chợ Mới) đã chủ động nghiên cứu, tìm tòi và mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả để làm vườn và thực hiện mô hình khá mới: trồng mận trong mùng lưới.

Có dịp đi ngang cánh đồng lúa bạt ngàn dọc tuyến kênh nội đồng, từ xa nhiều người dân nhìn thấy một cái mùng lưới khổng lồ, trùm lên hàng trăm gốc mận hồng đào đá, bên trong đang chi chít trái. Thích thú, lạ lẫm, nhiều người dân đến xem, tham quan và khám phá mô hình cho mận “ngủ mùng” này. Anh Gấu Em chia sẻ: “Tôi muốn cung cấp cho thị trường những sản phẩm xanh, sạch, an toàn sức khỏe người tiêu dùng và nâng cao hiệu quả trong canh tác nông nghiệp, nên học hỏi thực hiện mô hình này. Vốn đầu tư ban đầu khá lớn so trồng mận ngoài trời, hơn 40 triệu đồng (khoảng 12 triệu đồng/công)”.

 Dẫn tôi tham quan vườn mận, anh Gấu Em chia sẻ: “4.000m2 đất này trước đây tôi trồng lúa, thu nhập rất bấp bênh. Hưởng ứng chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng của địa phương, tôi lên liếp làm vườn, trồng 200 gốc mận hồng đào đá. Lấy ngắn nuôi dài, tôi trồng xen bầu, bí, khổ qua, dưa leo, rau màu... Dưới ao trồng bông súng để có thêm thu nhập trong khi chờ mận tới mùa thu hoạch. Khi mận 18 tháng tuổi cho bông, tôi đã lấy lại được vốn đầu tư lên liếp ban đầu nên không còn trồng xen rẫy, mà tập trung chăm sóc cây mận”.

Để hạn chế tình trạng sâu bệnh, ruồi vàng tấn công phải “chụp mùng”. Để làm mô hình này, anh Gấu Em mua lưới cước, thuê nhân công may và hàng chục người đứng dàn hàng ngang kéo mùng lưới băng qua đầu ngọn cây mận, kéo phủ giáp khắp cả vườn 4.000m2, quanh vườn đóng trụ đá để căng mùng. Hiện nay, mận được 24 tháng cho trái nghịch vụ. Anh Gấu Em cho biết: “Đợt đầu thu hoạch cả vườn hơn 700kg, đợt sau vô vụ bẻ 30-40kg/ngày, giá bán 12.000-20.000 đồng/kg, tùy thời điểm và luôn có thương lái đến mua”.

Phân tích tính hiệu quả của mô hình, anh Gấu Em cho biết, nhờ phủ kín vườn mận bằng lưới nên hạn chế được sâu bệnh, đỡ tốn chi phí phun xịt và đảm bảo chất lượng trái. Trồng trong mùng lưới hạn chế tới hơn 50% thuốc bảo vệ thực vật so với trồng bên ngoài, khỏi tốn công bao từng trái, cho sản phẩm sạch, thị trường hiện đang rất ưa chuộng. Tiết giảm được nhân công bao trái, bọc ny-lon, hạn chế được dịch hại tấn công, hạn chế mận tiếp xúc với môi trường. Đặc biệt là tiết kiệm được tiền phân bón, thuốc trừ sâu, mận không bị sâu hại nên không bị rụng làm thiệt hại năng suất, nhất là trong mùa nghịch vụ. Đồng thời, có thể tiết kiệm nước tưới, ứng phó tốt với thời tiết hạn hán, mưa bão; vì lớp lưới sẽ cách nhiệt giúp cho vườn mận giữ ẩm tốt hơn, tiết kiệm nước tưới. Trồng trong mùng lưới, rất đảm bảo an toàn thực phẩm, do sử dụng phân bón sinh học nhưng trái mận vẫn lớn, tròn, ngọt và có được màu sắc bắt mắt, nhất là có mùi thơm đặc trưng.

Anh Gấu Em cho biết thêm, cây mận đá rất hợp thổ nhưỡng ở đây. Trồng mận đá không khó nhưng cần đảm bảo một số kỹ thuật cơ bản. Tới đợt xịt thuốc dưỡng kích là cho ra bông. Mận cho trái 3 đợt/năm. Bình quân 1 cây thu hoạch 10-20kg trái/đợt và có thể chủ động trồng nghịch vụ. Cây mận càng lớn, tàng nhiều càng cho sai trái, năng suất sẽ cao hơn. Với giá bán ổn định từ 12.000-20.000 đồng/kg, sau khi trừ đi chi phí còn lãi 40-60 triệu đồng/năm.  Thấy mô hình khá hiệu quả nên nhiều nông dân đã học hỏi và ứng dụng theo, hiện xã An Thạnh Trung đã phát triển diện tích hơn 1ha. Anh Gấu Em cho biết, vụ sản xuất tới sẽ chuyển tiếp 7 công đất trồng lúa sang trồng mận trong mùng lưới.

Phó Chủ tịch UBND xã An Thạnh Trung Huỳnh Ngọc Cường cho biết,  tổng diện tích canh tác toàn xã 2.474ha, trong đó diện tích lúa chuyển sang trồng cây ăn trái gần 300ha với nhiều sản phẩm: đậu nành rau, trồng lá tía tô xuất khẩu, trồng hoa lan trong nhà lưới ứng dụng công nghệ cao, cà na thái và mô hình trồng mận hồng đào đá trùm lưới... Đây là những sản phẩm sạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

HẠNH CHÂU