Tập trung bảo vệ
Vụ thu đông 2021, toàn tỉnh xuống giống khoảng 161.000ha lúa; ước xuống giống 14.223ha rau, màu (cây màu 2.626ha, rau dưa các loại 11.597ha). Đến cuối năm 2021, tổng diện tích cây ăn trái trên địa bàn An Giang dự kiến đạt khoảng 18.737ha, trong đó có nhiều loại cây cho trái thời điểm cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến nhiều lĩnh vực như công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, du lịch tăng trưởng chậm lại thì việc duy trì đà tăng trưởng của nông nghiệp được xem là nền tảng, động lực kéo các lĩnh vực khác phục hồi. Trong đó, vụ thu đông 2021 có ý nghĩa đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp năm nay, đang được tỉnh và các địa phương tập trung bảo vệ bằng mọi giá.
Công ty XNK trái cây Chánh Thu được kết nối tiêu thụ xoài cho An Giang
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) An Giang cho biết, do vụ lúa thu đông xuống giống trong điều kiện thời tiết có mưa, bão nhiều nên gặp khó khăn trong sản xuất, dự báo xuất hiện một số loại sâu, bệnh gây hại, như: rầy nâu, muỗi hành, bệnh đạo ôn, bệnh cháy bìa lá, bệnh lem lép hạt…
Cán bộ nông nghiệp các cấp đã tập trung khuyến cáo, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt biện pháp kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, trong đó chú ý sạ thưa (80-100kg giống/ha), áp dụng tốt giải pháp tưới nước tiết kiệm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh thái - trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch (hạn chế tối đa phun thuốc trừ sâu trong giai đoạn 40 ngày đầu sau sạ), sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”, tăng cường biện pháp giúp cây lúa khỏe, như: bổ sung vi lượng, phân bón có chứa can-xi, silic… Cán bộ nông nghiệp cùng nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện sớm, hướng dẫn nông dân xử lý các đối tượng dịch hại và có biện pháp ứng phó kịp thời để bảo vệ năng suất lúa.
Đối với rau, màu, ngành nông nghiệp tập huấn và hướng dẫn nông dân kỹ thuật sản xuất các loại rau an toàn theo quy trình và tiêu chuẩn gắn với yêu cầu của doanh nghiệp (DN). Đồng thời, quan tâm thành lập hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác sản xuất rau an toàn tại địa phương để nâng cao chất lượng của sản phẩm rau, màu, đẩy mạnh liên kết với các công ty, siêu thị… để tiêu thụ sản phẩm.
Đối với cây ăn trái, ngành chuyên môn xúc tiến đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng (code) tại những nơi chưa có mã số vùng trồng; tập huấn cho nhà vườn hiểu thêm về phương thức tiến hành cấp mã số vùng trồng phục vụ cho sản phẩm tiêu thụ tại các thị trường, như: Mỹ, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc…
Liên kết tiêu thụ
Theo Chi cục TT&BVTV An Giang, vụ lúa thu đông 2021 có thể đạt sản lượng gần 1 triệu tấn. Trong đó, có 2 đợt thu hoạch cao điểm là từ ngày 13-11 đến 27-11 (thu hoạch khoảng 300.000 tấn) và từ ngày 28-11 đến 10-12 (thu hoạch khoảng 340.000 tấn). Đến nay, có 24 DN có kế hoạch thực hiện liên kết trên địa bàn tỉnh với diện tích 51.000ha, chiếm 31,7% diện tích.
Như vậy, còn khoảng 680.000 tấn lúa, nếp cần kết nối thông tin để DN, thương lái thu mua. Đây là lúc các Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp cấp xã, huyện phát huy vai trò; các sở, ngành tham gia thành viên Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ tiêu thụ và lưu thông nông sản tỉnh An Giang phát huy trách nhiệm kết nối, mời gọi DN vào liên kết sản xuất, thu mua nông sản.
Đối với rau, màu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy phát triển liên kết giữa DN và HTX theo các chính sách khuyến khích của Trung ương, tỉnh. Đồng thời, tiếp tục phát triển tập trung sản xuất rau, màu tại các vùng trọng điểm của tỉnh, như: xã Kiến An (huyện Chợ Mới), xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên), xã Bình Thủy (huyện Châu Phú), xã Bình Thạnh (huyện Châu Thành), xã Châu Phong (TX. Tân Châu)… theo hướng tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, hỗ trợ các địa phương kỹ thuật sản xuất, đưa vào ứng dụng nhà lưới, nhà màng công nghệ cao, góp phần làm tăng giá trị sản phẩm rau, màu.
Tỉnh còn đẩy mạnh việc mời gọi DN gắn kết, đầu tư và thu mua các loại rau, màu ngắn ngày, có giá trị kinh tế cao, như: bắp non, đậu nành rau, nhóm rau dưa… Cùng với đó, tăng vòng quay sản xuất của các nhóm rau ăn lá, ngắn ngày, tận dụng diện tích trên vườn cây ăn trái để bố trí trồng xen các loại rau, nhằm tăng thu nhập cho người dân; liên kết với các đơn vị thu mua có thị trường rộng mở, như: Bách Hóa Xanh, Co.opMart, Vinmart...
Đối với cây ăn trái, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang tiếp tục phối hợp với các DN, như: Công ty TNHH Nông nghiệp Hoàng Phan, Công ty XNK trái cây Chánh Thu, Công ty TNHH sản xuất chế biến nông sản Cát Tường, Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp, Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit, Công ty Antesco, Công ty TNHH Lefarm cùng các DN khác trong và ngoài tỉnh để giải quyết đầu ra cho nhóm cây ăn trái trong mùa thu hoạch rộ.
NGÔ CHUẨN