Tư vấn kỹ thuật
Anh Huỳnh Minh Chúc (chủ cơ sở cây giống Minh Trúc, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) kinh doanh nhiều loại giống cây trồng, từ cây ăn trái, cây lâm nghiệp, cho đến cây công trình. Có chuyên môn kỹ thuật, nên khi bán cây giống cho nông dân, anh Chúc thường kèm thêm tư vấn về kỹ thuật, giống cây, thị trường, cách phòng và chữa trị các loại sâu, bệnh có thể tấn công trong quá trình canh tác… Đây được xem như một loại “bảo hành” được nhiều cơ sở bán cây giống áp dụng ngày càng nhiều ở các địa phương.
Theo anh Chúc, vì nhu cầu giống cây ăn trái rất đa dạng nên ngoài việc tự nhân giống một số loại thông dụng thì cơ sở phải nhập thêm ở nhiều nơi mới đủ để cung cấp cho nhà nông. Tuy nhiên, dù là nhập hay tự nhân giống, anh Chúc vẫn quan tâm nhất đến chất lượng, cây giống phải khỏe, phát triển tốt mới được cung ứng cho người tiêu dùng. Nhờ quan tâm về chất lượng mà cơ sở cây giống của anh Chúc được nông dân trong và ngoài tỉnh biết và liên hệ đặt mua.
“Nhiều nông dân ở các tỉnh, như: Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp và TP. Cần Thơ… liên hệ mua hàng sẽ được vận chuyển đến tận nơi. Nhờ cây giống chất lượng, giá cả cạnh tranh nên bà con giới thiệu với nhau, nhiều người biết và liên hệ mua. Khi mua sẽ được hỗ trợ tư vấn kỹ thuật tận tình để bà con tự tin, đầu tư phát triển”- anh Chúc giải thích.

Ngoài ra, anh Chúc còn cung cấp nhiều loại giống cây trồng mới, được thuần dưỡng phù hợp với khí hậu ở các tỉnh miền Tây trước khi bán ra thị trường, như: Cây bơ lùn, cherry, chuối cấy mô… Đồng thời, tạo ra các nhóm trao đổi nông sản, tư vấn kỹ thuật trên mạng xã hội Facebook để giúp nông dân tiếp cận thị trường, nắm thêm những kỹ thuật phòng trừ các loại sâu, bệnh tấn công trong quá trình canh tác…
“Thông thường, thị trường mua bán các loại giống cây ăn trái diễn ra quanh năm. Tuy nhiên, khoảng tháng 3 hàng năm sẽ bắt đầu mùa trồng các loại cây ăn trái của nông dân và cũng là thời điểm nhu cầu cung ứng nhiều nhất. Khoảng tháng 10 lập đông trở đi thì nhu cầu giảm dần, vì thời tiết lúc này ít mưa và không khí lạnh hơn sẽ làm cây kém phát triển, khả năng “bắt đất” cũng chậm hơn”- anh Chúc chia sẻ.
Hình thành chuỗi liên kết
Hiện nay, có rất nhiều nông dân đang phát triển theo hướng vừa bán cây giống vừa hình thành chuỗi liên kết với nông dân về tư vấn kỹ thuật, đầu ra cho nông sản. Đây là xu hướng rất cần thiết, vì điều người nông dân lo lắng không chỉ là trồng cây gì mà là trồng rồi có bán được không. Nếu được ký hợp đồng hợp tác, được đảm bảo đầu ra, giá cả ổn định thì bà con sẵn sàng phát triển lâu dài.
Là một trong những nông dân mang cây sầu riêng về phát triển với diện tích lớn đầu tiên ở huyện cù lao Chợ Mới, ông Võ Văn Em (xã Long Kiến) còn mở cơ sở cung ứng giống cây sầu riêng cho nông dân địa phương. Là người có nhiều kinh nghiệm, ông Em sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật đã áp dụng thành công trên vườn nhà cho bà con nông dân có nhu cầu trồng cây sầu riêng. Không chỉ mở rộng diện tích vườn sầu riêng của gia đình, ông Em còn hướng đến việc liên kết nông dân trồng sầu riêng trong và ngoài tỉnh hình thành vùng chuyên canh sầu riêng sạch. Qua đó, sẽ hợp tác và cung ứng sản phẩm sầu riêng sạch vào siêu thị, cửa hàng nông sản an toàn… Điều này không chỉ giúp người tiêu dùng tiếp cận với những loại nông sản an toàn cho sức khỏe, mà còn giúp nâng cao lợi nhuận cho người nông dân.
“Bà con chỉ cần chuẩn bị diện tích đất trồng, còn cây giống, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, kích hoa, đậu trái thì tôi sẵn sàng hỗ trợ, cuối vụ sẽ thu mua lại sản phẩm, có hợp đồng về giá cả. Với cách làm này, bà con nông dân rất an tâm, vì khi bắt tay trồng cây sầu riêng đòi hỏi phải nắm vững kỹ thuật. Hơn nữa là tìm được cây giống tốt cũng là yếu tố quan trọng, quyết định đến chất lượng vườn sầu riêng” - ông Em chia sẻ.
Ông Lê Văn Kiểng (xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) là người có nhiều kinh nghiệm trồng cây chanh bông tím, giống chanh vườn ông Kiểng có trái to và sai. Chính vì vậy, chỉ sau 1, 2 vụ đầu tiên, đã có nhiều nông dân đến tham quan vườn chanh của ông Kiểng và có ý muốn mua cây giống. Thấy vậy, ông Kiểng đã chiết cành, cung cấp mỗi vụ trên 10.000 cành cây giống, giá bán từ 15.000 đồng/cành trở lên. Ông Kiểng cho biết, ngoài bán cành cây giống, ông Kiểng còn thu mua trái, thường kết nối ưu tiên tiêu thụ cho những nông dân đã mua cây giống của gia đình.
“Vào mùa nắng, chanh thường có giá cao hơn mùa mưa, có năm giá lên đến 30.000 đồng/kg, giúp nông dân thu lợi nhuận rất ổn định. Chanh bông tím là loại cây tương đối dễ trồng, năng suất cao, nếu nắm vững kỹ thuật canh tác thì có thể kéo dài thời gian thu hoạch” - ông Kiểng chia sẻ kinh nghiệm.
ÁNH NGUYÊN