Hưng Yên: Nông dân thu nhập khá từ chuối tây, dưa lưới

05/06/2021 - 19:44

Trong 5 tháng đầu năm 2021, các cấp Hội ND tỉnh Hưng Yên đã phối hợp tổ chức 81 buổi chuyển giao khoa học, kỹ thuật (KHKT) cho gần 5.200 lượt hội viên nông dân. Nhiều tiến bộ KHKT đã được ứng dụng, giúp nông dân tiếp cận với quy trình sản xuất tiên tiến, từng bước nâng cao giá trị cây trồng, vật nuôi

Áp dụng KHKT trồng dưa trong nhà lưới

Tại lớp tập huấn về kỹ thuật sử dụng phân bón lá NPK vi lượng sinh học A2 do Hội ND TP.Hưng Yên phối hợp với Công ty cổ phần Thương mại thanh niên Việt Nam tổ chức tại xã Phương Chiểu thu hút gần 100 hội viên nông dân tham gia. Ông Bùi Văn Cương cho biết: "Nhờ tham gia lớp tập huấn, chuyển giao KHKT tôi đã hiểu thêm về công dụng của sản phẩm đối với cây ăn quả; quy trình, thời điểm, cách sử dụng phân bón".

Với hơn 1 mẫu vườn trồng chuối tây và trồng nhãn, trong quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch ông Cương đều áp dụng KHKT, nhờ vậy, vườn cây ăn quả của gia đình ông phát triển tốt. Ngoài ra, ông còn tham gia nhiều lớp tập huấn, áp dụng KHKT vào nuôi gần 1.000 con vịt sinh sản kết hợp với thả cá thương phẩm. Mỗi năm mô hình mang lại cho gia đình hàng trăm triệu đồng.

Mô hình trồng dưa trong nhà lưới ứng dụng công nghệ cao của anh Bùi Văn Phương (ở xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, Hưng Yên). Ảnh: Hưng Giang

"Nhờ tham gia lớp tập huấn, chuyển giao KHKT tôi đã hiểu thêm về công dụng của sản phẩm đối với cây ăn quả; quy trình, thời điểm, cách sử dụng phân bón".- Nông dân Bùi Văn Cương

Giống ông Cương, anh Bùi Văn Phương (ở xã Tống Trân, Phù Cừ) mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào mô hình trồng dưa trong nhà kính, nhà lưới.

Với diện tích 5.000m2 nhà kính, anh chủ yếu trồng dưa kim hoàng hậu, dưa lưới và dưa chuột. So với trồng dưa ngoài ruộng thì trồng trong nhà kính có năng suất cao gấp hàng chục lần bởi hệ thống nhà kính có ưu điểm: Tránh được mưa, nắng; hệ thống tưới nước hoàn toàn tự động bằng công nghệ tưới nhỏ giọt, phân bón được hòa lẫn vào nước nên chủ động được chế độ dinh dưỡng cho cây. Bên cạnh đó, ngăn được côn trùng xâm nhập nên giảm được chi phí sản xuất, đối với sản phẩm sau khi thu hoạch bảo đảm an toàn đối với người sử dụng. Tính trung bình, mỗi 1.000m2 anh thu lãi khoảng 150 triệu đồng/năm.

Nhiều mô hình hiệu quả

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, bà Trần Thị Tuyết Hương - Chủ tịch Hội ND tỉnh Hưng Yên cho biết: Nhằm giúp hội viên tiếp cận và áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, những năm qua, Hội ND tỉnh luôn bám sát cơ sở, nắm bắt nhu cầu của hội viên để có biện pháp hỗ trợ cụ thể theo hướng "cầm tay chỉ việc". Theo đó, giúp hội viên, nông dân tiếp cận KHKT, nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt để học tập và làm theo.

Hội cũng phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ lựa chọn các giống hiệu quả và những mô hình chăn nuôi có thu nhập cao để bà con học hỏi, làm theo; tham quan, học tập kinh nghiệm ở các mô hình sản xuất trong và ngoài tỉnh giúp hội viên nông dân tiếp cận và làm chủ KHKT. Đồng thời cung cấp dịch vụ hỗ trợ thông tin, xây dựng thương hiệu; tổ chức giao lưu hội chợ xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là giới thiệu các mặt hàng nông sản có thế mạnh của tỉnh.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền hội viên nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa cây, con giống mới có năng suất, chất lượng cao vào canh tác, chăn nuôi; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; thường xuyên nâng cao chất lượng sinh hoạt của các tổ hợp tác, hợp tác xã, chi, tổ hội nghề nghiệp, khuyến khích, động viên hội viên, nông dân tích cực tham gia, từng bước thay đổi thói quen, phương thức canh tác phân tán, nhỏ lẻ của người dân, chuyển dần sang sản xuất tập trung, tạo sản phẩm có năng suất, giá trị kinh tế cao.

Chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2021, các cấp Hội ND trong tỉnh đã phối hợp tổ chức 81 buổi chuyển giao KHKT cho gần 5.200 lượt hội viên nông dân với các nội dung như: Kỹ thuật chăm sóc lúa vụ xuân; kỹ thuật sử dụng các chế phẩm trong sản xuất nông nghiệp; kỹ thuật chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.

Nhờ đẩy mạnh hỗ trợ hội viên ứng dụng KHKT, công nghệ vào sản xuất, những năm gần đây, các cấp Hội ND trong tỉnh đã góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Trong đó nhiều mô hình dự án đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Dự án cải tạo vườn nhãn tại xã Nhật Tân (Tiên Lữ); dự án nuôi cá nước ngọt thương phẩm tại xã Hòa Phong (thị xã Mỹ Hào)… giúp bà con tăng thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi. 

Theo ĐỨC THỊNH (Dân Việt)