Hướng tới quy mô lớn trong chăn nuôi

11/11/2021 - 09:15

Phát triển chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với chuỗi giá trị, kinh tế tuần hoàn, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh và an toàn thực phẩm, hướng tới quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và tăng cường xuất khẩu là mục tiêu cơ bản trong Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 , được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt ngày 6-10-2020. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã xuất hiện những khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.

Bài 1: Nhiều "điểm nghẽn"

Hơn một năm thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, đang có nhiều “điểm nghẽn” cần tháo gỡ, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn vật nuôi (dịch tả lợn châu Phi, dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò, dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng…) vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp, người chăn nuôi. Nếu không kịp thời ứng phó thì ngành chăn nuôi khó có thể nâng cao sức cạnh tranh.

Mô hình chăn nuôi cừu lấy thịt tại tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: HÀ MY

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)… là cơ hội để nước ta mở rộng thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản, rau quả… Tuy nhiên theo các chuyên gia, ngành hàng dễ bị “tổn thương” nhất sẽ là chăn nuôi khi phải đối mặt nhiều thách thức.

Sức ép cạnh tranh

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Quốc Toản chia sẻ, sức ép cạnh tranh về giá với sản phẩm nhập khẩu khi các hiệp định thương mại thế hệ mới đã ký chính thức có hiệu lực, các dòng thuế quan sản phẩm chăn nuôi đang trở về mức 0% theo lộ trình hằng năm, đây sẽ là áp lực vô cùng lớn với thị trường chăn nuôi trong nước. Điều kiện khó nhất đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam là sản phẩm chăn nuôi phải xuất phát từ vùng/cơ sở an toàn dịch bệnh. Hiện cả nước có 2.301 cơ sở, vùng chăn nuôi tại 54 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Trong khi đó, dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến khó lường. Phó Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, đã có gần 160 nghìn con lợn, hơn 28.300 con gia súc, hơn 402 nghìn con gia cầm phải tiêu hủy vì dịch bệnh, ước tính thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Nguyên nhân là do tổng đàn vật nuôi của cả nước lớn (đàn lợn hơn 28 triệu con, đàn gia cầm hơn 523 triệu con, đàn bò gần 6,3 triệu con...), chủ yếu nuôi theo hình thức truyền thống, manh mún, không bảo đảm chăn nuôi an toàn sinh học, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Mặc dù tăng trưởng nhanh về sản lượng, nhưng chất lượng sản phẩm chăn nuôi chưa được như mong muốn, việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm còn yếu. Những “rào cản” trên khiến khả năng cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi Việt Nam thấp hơn so với nhiều đối tác tham gia CPTPP và EVFTA. Để góp mặt vào chuỗi phân phối của thế giới tới đây, chúng ta phải bảo đảm được những tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn của các thị trường đó. Đây là “bài toán” không dễ có lời giải trong thời gian ngắn.

Mặt khác, theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng, dịch Covid-19 làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản, trong đó có sản phẩm chăn nuôi. Việc giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh, thành phố khiến sản xuất, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi khó khăn. Thí dụ trong hai tháng 8 và 9/2021, tại các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, đàn gà công nghiệp trắng chỉ tiêu thụ được 5% đến 10%; lợn thịt quá tuổi xuất chuồng ứ đọng khoảng 1,5 triệu con (khối lượng từ hơn 120 đến 160 kg/con), do sức tiêu thụ trên thị trường giảm rõ rệt, sản phẩm chăn nuôi khó bán, giá thấp hơn so với giá thành sản phẩm bởi chi phí đầu vào tăng, khiến người chăn nuôi bị lỗ. Thời điểm đó, giá lợn hơi ở Đông Nam Bộ xuống dưới 40.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi lỗ từ 1 đến 2 triệu đồng/con lợn xuất chuồng.

Hướng tới quy mô lớn trong chăn nuôi -0

Nuôi gà đẻ trứng và gà thịt tại trang trại chăn nuôi Trường Hằng (xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang). Ảnh TTXVN 

Những hạn chế cố hữu

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện chăn nuôi nước ta vẫn tồn tại những hạn chế cố hữu trong nhiều năm qua như: Mức đầu tư cho chăn nuôi chưa tương xứng so với tiềm năng, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh theo ngành hàng yếu. Vấn đề quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường và thị trường chưa tốt. Chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ khá cao, với hàng triệu hộ tham gia. Đơn cử như bò thịt, cả nước có hơn 2,3 triệu hộ nuôi bò, với gần 2,2 triệu hộ nuôi dưới 5 con/hộ, chiếm 93,12% tổng số hộ; hơn 132 nghìn hộ nuôi từ 6 đến 10 con/hộ, chiếm 5,67%; hơn 23 nghìn hộ nuôi từ 11 đến 20 con/hộ, chiếm 1%; số hộ nuôi quy mô hơn 20 con/hộ chỉ chiếm 0,21% tổng số hộ… Quy hoạch chăn nuôi ở một số nơi còn mang tính hình thức, chưa bám sát vào mục tiêu tái cơ cấu. Chất lượng và công tác quản lý giống vật nuôi hạn chế. Phân khúc chế biến và thị trường chưa được chú trọng, thiếu sự kết nối và điều hành tổng thể, việc phân phối - tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi còn bất cập. Quy trình giết mổ, chế biến sản phẩm chăn nuôi còn nhiều nỗi lo. Các “lò mổ” thủ công, mất vệ sinh an toàn thực phẩm nhiều, song chưa có các biện pháp xử lý rốt ráo. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang Lê Bá Thành thừa nhận, do chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm cơ bản, công nghiệp giết mổ, chế biến sâu và dự trữ sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn chưa phát triển, sản phẩm chăn nuôi tiêu thụ dạng thô và sơ chế là chủ yếu nên giá trị gia tăng thấp, đầu ra bấp bênh. Đồng tình với ý kiến trên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sơn La Hà Như Huệ cho biết, do tỉnh chưa có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung cho nên việc kiểm soát giết mổ gặp nhiều khó khăn, chưa kiểm soát hết lượng gia súc được giết mổ.

Bên cạnh đó, việc phân tích, cung cấp thông tin, dự báo tình hình thị trường của các cơ quan quản lý nhà nước chưa sát thực tế, khi thị trường biến động theo chiều hướng không thuận lợi thì người chăn nuôi không biết làm cách nào để tiêu thụ sản phẩm, đành chấp nhận chịu rủi ro. Ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi vẫn là câu chuyện biết rồi... khổ lắm nói mãi bởi kinh phí đầu tư xử lý vấn đề này khá lớn, có thể lên đến hàng tỷ đồng. Đặc biệt, nhiều năm qua chăn nuôi nước ta luôn phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi từ các nước, một trong những tác nhân khiến giá sản phẩm chăn nuôi Việt Nam cao hơn so với nhiều quốc gia khác. Giá thức ăn chăn nuôi (chiếm từ 65% đến 70% giá thành sản phẩm) tăng liên tục từ cuối năm 2020 đến nay đã tác động trực tiếp đến việc duy trì sản xuất chăn nuôi, nhất là đối với nông hộ. Về vấn đề này, Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh thuốc thú y Amavet Nguyễn Văn Bách nêu ý kiến, trong cơ cấu ngành chăn nuôi, chi phí cho thức ăn chăn nuôi chiếm tỷ trọng hơn 60%, trong khi nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi hiện nay của Việt Nam phải nhập khẩu từ các nước là hơn 90%. Do vậy, muốn ngành chăn nuôi phát triển cần sớm giải quyết được “mắt xích” yếu này n

(Còn nữa)

Cục Chăn nuôi cho biết, đến nay có 20 trong số 63 tỉnh/thành phố có nghị quyết của HĐND quy định vùng nội thành, nội thị không được phép chăn nuôi; 11 trong số 63 tỉnh/thành phố ban hành chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi; 20 trong số 63 tỉnh/thành phố ban hành quyết định về mật độ chăn nuôi.

Theo ANH QUANG (Báo Nhân Dân)