Tái đàn heo phục vụ thị trường Tết
Thời điểm cuối năm, nhu cầu thực phẩm tăng mạnh nên các hộ chăn nuôi trên địa bàn bắt đầu tăng đàn, tái đàn để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, trong đó heo là loại vật nuôi được lựa chọn nhiều, bởi hiệu quả kinh tế mang lại. Đây là vụ sản xuất quan trọng trong năm, nên nông hộ rất chú trọng đến việc lựa chọn con giống chất lượng, áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật nhằm mang lại hiệu quả cao trong chăn nuôi. Thực tế những năm trước, nuôi heo bán Tết mang lại khoản lợi nhuận hấp dẫn cho nông dân. Tuy nhiên năm nay, việc tái đàn của bà con nông dân không còn nhộn nhịp như các năm trước. Người dân chủ yếu tái đàn với số lượng ít để tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp; phục vụ gia đình và bán ra thị trường để chi tiêu trong những ngày Tết, chứ không nuôi số lượng nhiều như trước.
Vừa mới xuất chuồng 70 con heo, chị Khuất Thị Yến Nhi (xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới) tiếp tục tái đàn để phục vụ thị trường Tết. Tuy nhiên, trước diễn biến khó lường của thị trường, cùng với chi phí thức ăn tăng cao nên gia đình chị Nhi chỉ nuôi 20 con giống, ít hơn nhiều so với các vụ khác trong năm. “Đợt vừa rồi, gia đình tôi bán giá 4,5 triệu đồng/con (khoảng 100kg). Với mức giá này, trừ chi phí lỗ khoảng 1 triệu đồng/con. Đợt này, gia đình tôi quyết định tái đàn nhưng số lượng ít hơn. Chỉ mong sao gần Tết, giá thị heo tăng lên chút đỉnh và giữ ở mức ổn định để có cái Tết sung túc hơn và có thêm động lực để tiếp tục tái đàn” - chị Nhi chia sẻ.
Tại TX. Tân Châu, người nuôi heo thịt đang trong giai đoạn vỗ béo để có thể đón lứa xuất chuồng dịp Tết. Anh Lý Minh Luận (xã Phú Vĩnh), một trong những người có kinh nghiệm chăn nuôi tại địa phương cho biết, cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của thị trường tăng mạnh nhất, đặc biệt là Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, nên hầu hết các hộ chăn nuôi tranh thủ tăng đàn để xuất bán đúng dịp Tết. Tuy nhiên hiện nay, giá heo đang ở mức khá thấp khiến người chăn nuôi như anh Luận thêm lo lắng.
“Khoảng 1 tháng trước, giá heo khoảng 5,5 triệu đồng/con (khoảng 100kg), hiện nay giảm còn 4,5 triệu đồng/con. Chi phí thức ăn tăng cao, dao động 350.000 đồng/bao. Ngoài ra, cuối năm là thời điểm nhiều hộ dân tích cực tái đàn đã đẩy giá heo giống tăng lên khoảng 1,5 triệu đồng/con. Chi phí tăng cao, trong khi giá bán giảm, người chăn nuôi hầu như không có lãi” - anh Luận chia sẻ.
Hiện nay, chuồng heo nhà anh Luận đang có 2 con heo cái và 9 heo con. Đây là những con heo do gia đình anh tự nhân giống nên giảm được một phần chi phí. Ngoài ra, trong quá trình chăn nuôi, anh còn sử dụng thêm thức ăn tạp, hèm... nên chi phí đầu tư giảm đáng kể. Với mức giá hiện nay, gia đình anh vẫn đảm bảo có lợi nhuận so với các hộ chăn nuôi khác.
Theo anh Luận, nuôi heo bán vào dịp Tết có nhiều rủi ro hơn các thời điểm khác trong năm. Đây là thời điểm xuất hiện các loại dịch bệnh, như: Lở mồm long móng, tụ huyết trùng… Người chăn nuôi phải chủ động các biện pháp tiêm phòng, ngừa các loại dịch bệnh. Bên cạnh đó, phải tăng cường vệ sinh chuồng trại, thường xuyên thăm chuồng để sớm phát hiện các biểu hiện bệnh, kịp thời có biện pháp phòng ngừa và điều trị. Ngoài ra, giá thức ăn, chi phí thuốc men, vật tư vẫn ở mức cao, nhưng giá heo thương phẩm lại thấp, khiến người chăn nuôi dè dặt tái đàn. Đặc biệt, do tác động của dịch bệnh COVID-19, nên dự báo sức tiêu thụ thịt heo dịp Tết sẽ không cao.
Để việc tái đàn, tăng đàn mang lại hiệu quả cao, hạn chế rủi ro, người chăn nuôi cần cập nhật thường xuyên khuyến cáo của ngành chuyên môn về thực hiện nghiêm quy trình vệ sinh chuồng trại, kiểm soát người, phương tiện ra, vào khu vực chăn nuôi, xử lý thức ăn, đặc biệt là các hộ tận dụng thức ăn thừa để chăn nuôi… Đồng thời, chủ động các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh bằng cách chọn giống heo chất lượng, đảm bảo sạch bệnh, khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt, khả năng chống chịu mầm bệnh cao, khi nuôi sẽ ít bị rủi ro.
ĐỨC TOÀN