Không lo đầu ra nhờ liên kết sản xuất nông nghiệp

22/09/2021 - 05:19

 - Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc canh tác nông nghiệp của bà con nông dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong khâu tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, với những hộ dân tham gia loại hình liên kết sản xuất, như: tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX)... thì việc tiêu thụ nông sản dễ dàng, thuận lợi hơn do có hợp đồng tiêu thụ hoặc khách hàng quen trước đó.

Tham gia các mô hình liên kết sản xuất, nông dân đảm bảo được đầu ra nông sản

Trong thời điểm khó khăn, đó cũng là lúc hiệu quả mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp được phát huy rõ rệt, từ khâu tiêu thụ đến vận chuyển hàng hóa được duy trì tốt. Điển hình, trong khi nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đang đau đầu với bài toán tiêu thụ nông sản thì tại xã Kiến An (huyện Chợ Mới), việc tiêu thụ nông sản của các thành viên trong HTX Rau an toàn Kiến An khá thuận lợi. Hiện nay, nhờ hợp đồng tiêu thụ nông sản với công ty, doanh nghiệp cũng như đầu mối tiêu thụ truyền thống, nông sản của nông dân được thông thương.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX rau an toàn Kiến An Nguyễn Văn Minh cho biết, HTX đang quản lý khoảng 21ha, với 47 thành viên, trồng các loại rau màu, như: cải xà lách, củ cải, hành lá... Ngoài ra, HTX còn canh tác rau ngò gai và ngò ôm theo hợp đồng của 1 công ty mì tại huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh).

Anh Minh chia sẻ: “Những ngày qua, tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản của các thành viên trong HTX có phần lạc quan hơn so với địa phương khác. Mỗi ngày, HTX rau an toàn Kiến An cung ứng 700-800kg rau ngò theo hợp đồng cho công ty sản xuất mì. Các loại rau khác vẫn tiêu thụ ổn định nhờ đầu mối trước đây”.

Tại phường Vĩnh Mỹ (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang), việc nông dân liên kết sản xuất giúp giảm bớt phần nào khó khăn trong khâu tiêu thụ nông sản. Tổ trưởng THT sản xuất rau an toàn phường Vĩnh Mỹ Huỳnh Thanh Bình cho biết, thời gian qua, nhờ việc canh tác rau theo tiêu chuẩn an toàn, nên nông sản của THT được thị trường đón nhận. Hiện nay, sản phẩm rau an toàn của THT được tiêu thụ chủ yếu tại các chợ đầu mối ở TP. Châu Đốc, cũng như bán cho thương lái ở địa phương khác...

“Số lượng thành viên đã phát triển lên 97 người, canh tác diện tích trên 14,4ha. THT đăng ký sản xuất - kinh doanh 20 mặt hàng nông sản, chủ yếu là các loại rau ăn lá, như: hành lá, hẹ, tần ô, cải xanh, cải ngọt... Trong đó, chiếm đa số là 4 loại rau: cải xanh, cải ngọt, rau muống, mồng tơi. Trước tình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc kinh doanh của các thành viên đôi lúc bị chững lại. Nguyên nhân là do không bán được qua thị trường Campuchia. May mắn là đơn vị thu mua trước đây duy trì nhập hàng, giảm bớt khó khăn cho chúng tôi” - ông Bình thông tin thêm.

Tương tự, tại xã Bình Thủy (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), tình trạng tiêu thụ nông sản của bà con nông dân tại địa phương nói chung, HTX nông nghiệp Lợi Phát rau an toàn nói riêng vẫn diễn ra thuận lợi. Nông dân Nguyễn Quốc Khanh cho biết, vụ mùa sản xuất này, nông dân xã Bình Thủy canh tác chủ yếu là củ cải trắng và hành lá. Đây là những loại nông sản dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, năng suất cao... Hiện nay, do tình hình mưa bão, thời tiết biến đổi nên năng suất, chất lượng 2 mặt hàng này không khả quan, từ đó giá bán có giảm so với những vụ trước.

“Tuy nhiên, đây là tình hình chung của địa phương. Điều đáng mừng là dịch bệnh COVID-19 không ảnh hưởng đáng kể hoạt động kinh doanh của bà con. Đối với việc vận chuyển nông sản, bà con không trực tiếp vận chuyển đến các thương lái tại chợ. Thay vào đó, thương lái tập trung tại khu vực cầu Bình Thủy để thu mua, vận chuyển nông sản đến các chợ tiêu thụ” - ông Khanh chia sẻ.

Cũng theo ông Khanh, hiện nay, giá củ cải trắng thu mua tại ruộng với giá 10 triệu đồng/công. Trong khi đó, hành lá được thương lái thu mua với giá 1 triệu đồng/tạ (60kg). Đối với củ cải trắng, sau khi trừ chi phí, nông dân thu lợi nhuận 2-4 triệu đồng/công. Còn hành lá, nông dân thu về lợi nhuận 8-9 triệu đồng/công.

Có thể thấy, việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát như hiện nay. Việc liên kết sẽ giúp nâng cao lợi ích của các bên tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt là đối với nông dân. Từ đó, góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, áp dụng quy trình sản xuất hiện đại; nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất theo hợp đồng nhằm tránh tình trạng “được mùa, mất giá”.

ĐỨC TOÀN