Khúc tưởng niệm tháng 7!

27/07/2022 - 07:43

Những ngày này, không chỉ ở Nghĩa trang Hàng Dương (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) mà còn khắp nơi trên cả nước, có rất đông người đến các nghĩa trang để thắp nén hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Mỗi người có một cung bậc cảm xúc khác nhau, song tất cả đều bày tỏ lòng thành kính tri ân và biết ơn sâu nặng với thế hệ cha anh đã kiên cường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong cuộc trường chinh của dân tộc ở thế kỷ XX.

Nén hương tri ân 

Đến Côn Đảo, mỗi người đều có một công việc riêng, song không ai không thăm “địa ngục trần gian”. Một mặt để tìm đến nguồn cội của đức hy sinh vì Tổ quốc, một mặt để tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc trong cuộc chiến tranh vệ quốc ở thế kỷ XX. Chúng tôi hòa vào dòng người đến “địa ngục trần gian” trong niềm xúc động ấy.

Như một lẽ tự nhiên, ai đến Côn Đảo lần đầu hay nhiều lần, việc đầu tiên là đến Nghĩa trang Hàng Dương thắp nén hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Có một điều đặc biệt khi viếng Nghĩa trang Hàng Dương thường viếng khi trời tối hoặc về khuya. Giữa màn đêm tĩnh mịch mờ sương, hàng ngàn ngọn nến hồng lung linh quyện với mùi hương trầm ngan ngát, lòng người thành kính nghiêm trang.

Đền thờ liệt sĩ Võ Thị Sáu tại quê nhà

Trước mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu, chúng tôi nghiêng mình kính cẩn trước anh linh của người con gái Đất Đỏ, đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho lý tưởng cách mạng. Khi rơi vào tay giặc, chị đã hiên ngang trước họng súng quân thù không hề khuất phục. Chị dõng dạc tuyên bố: “Tôi không có tội. Yêu đất nước mình, chống lại thực dân xâm lược không phải là một tội”. Ngày 23-1-1952, chị bị thực dân Pháp tử hình tại Côn Đảo. Sự hy sinh của chị đã trở thành huyền thoại bất tử. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa nhưng tên tuổi của chị vẫn sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam.

Giữa Hàng Dương bạt ngàn sương khói, lời thơ: “Núi Côn Lôn được pha bằng máu/ Đất Côn Lôn năm, sáu lớp xương người/ Mỗi bước chân che lấp một cuộc đời/ Mỗi tảng đá là một trời đau khổ” văng vẳng đâu đó như nhắc nhở thế hệ chúng tôi đời đời tri ân và biết ơn những người ngã xuống.

Tràng hoa tạc dạ

Trong hải trình đi thăm cán bộ, chiến sĩ Trường Sa, đoàn công tác chúng tôi hải trình đến vùng biển, đảo Cô Lin, Gạc Ma làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ. Chẳng ai bảo ai, tự trong trái tim mỗi người dâng tràn xúc động.

Giữa biển trời Tổ quốc, mùi khói hương nghi ngút, tiếng nhạc thiết tha. Trong cơn giông cuối chiều, tiếng trưởng đoàn công tác thăm thẳm sâu quyện vào sóng nước. “Đảo Trường Sa là của Việt Nam, linh hồn Tổ quốc Việt Nam. Nơi đây, bao người con ưu tú của Tổ quốc đã chiến đấu anh dũng, hy sinh, giành lại từng tấc đảo". Không để cướp đảo thân yêu, hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh đã giằng co quyết liệt, cắm cờ Tổ quốc lên đảo để khẳng định cột mốc chủ quyền.

Tiếng nói của anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương sẽ mãi khắc sâu trong tâm khảm của triệu triệu người dân Việt Nam, từ thế hệ này qua thế hệ khác: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân”. Các anh đã gác lại bao ước mơ hoài bão và dâng hiến tuổi thanh xuân để bảo vệ những cột mốc tiền tiêu. Máu các anh lẫn vào biển xanh, xương của các anh đã thấm vào lòng đảo, tên các anh được đời đời thế hệ hôm nay và mai sau ghi nhớ”.

 Tràng hoa tưởng niệm thả xuống lòng biển mẹ hôm nay là khúc tưởng niệm Gạc Ma kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Khúc tưởng niệm ấy có cả bi thương chen lẫn tự hào; có cả niềm đau chen lẫn giọt nước mắt. Nhưng cuộn gói tất cả trong đó là nghĩa cử tri ân và lòng ghi ơn tạc dạ của triệu triệu người dân Việt Nam đối với các liệt sĩ.

Sự kiện Gạc Ma đã lùi vào dĩ vãng, nhưng mãi là khúc bi tráng lịch sử trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc sau thời bình. Cán bộ, chiến sĩ hy sinh ngày ấy không chỉ là “ngọn đuốc bất tử” về tinh thần kiên cường bám đảo giữ chủ quyền, mà còn là bài học quý cho bộ đội hải quân Trường Sa về bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển thời kỳ mới.

Lịch sử đã sang trang mới, sự kiện đau thương cũng dần lùi vào dĩ vãng, song nó vẫn còn nóng tính thời sự khi hài cốt các liệt sĩ vẫn nằm tận biển sâu. Thời gian có dài bao nhiêu, lịch sử có đổi thay thế nào chăng nữa, nhưng trận chiến vẫn thức tỉnh trái tim người Việt về bảo vệ chủ quyền nơi đường biên Tổ quốc.

MAI THẮNG