Làm gì để nông dân đô thị “mặn mà” với nông nghiệp công nghệ cao?

27/10/2021 - 06:19

 - Là địa phương trung tâm của tỉnh, TP. Long Xuyên chọn (tỉnh An Giang) hướng phát triển nông nghiệp đô thị, gắn với du lịch sinh thái trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao; thực hiện đề án nông nghiệp đa mục tiêu. Nhưng dường như, nông dân trên địa bàn vẫn chưa thực sự “mặn mà” với hướng đi này…

Nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao là hướng đi đặc thù của TP. Long Xuyên

Khi lập các kế hoạch, chương trình hành động về lĩnh vực nông nghiệp, TP. Long Xuyên gửi gắm trong đó kỳ vọng đổi mới tư duy phát triển sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang phát triển kinh tế nông nghiệp thích ứng thị trường, biến đổi khí hậu. Đồng thời, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Rất nhiều sự vào cuộc, phối hợp từ các ngành có liên quan, giúp TP. Long Xuyên đạt được mục tiêu đề ra. Nguồn vốn được phân bổ ít, nhưng địa phương tranh thủ ưu tiên cho các tiểu vùng có lợi thế phát triển, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch. Bước đầu, hình thành được 2 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao rau màu và cây ăn trái ở xã Mỹ Hòa Hưng. Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ cơ bản mang lại thu nhập ổn định cho nông dân, cung cấp cho thị trường rau, củ quả hữu cơ an toàn mỗi ngày.

Nhưng khó khăn vẫn còn đó. Theo Phòng Kinh tế TP. Long Xuyên, đặc thù của địa phương là tốc độ đô thị hóa nhanh đã ảnh hưởng rất lớn đến nông nghiệp, diện tích đất sản xuất nông nghiệp dần bị thu hẹp, manh mún, nhỏ lẻ. Do vậy, rất khó hình thành vùng chuyên canh tập trung quy mô lớn để liên kết sản xuất với công ty, doanh nghiệp (DN). Việc tổ chức lại sản xuất dưới hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã còn hạn chế, chậm được nhân rộng. Một số tổ hợp tác chưa thực sự là đầu mối để liên kết sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với DN.

Một vấn đề lớn cần nhìn nhận, đó là việc vận động nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp không dễ dàng. Lý do khiến nông dân “thoái thác” là vốn đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật khá lớn, họ kham không xuể.

Ông Phạm Trần Thế Thông (sinh năm 1982, ngụ phường Mỹ Phước) chia sẻ: “Tôi thuê 100m2 đất trồng một số rau cải theo mô hình hữu cơ, đầu tư hệ thống tưới... tốn khoảng 100 triệu đồng. Chi phí đầu tư lớn, chắc chắn giá thành sản phẩm cao. Đó là chưa kể sâu bọ, dịch bệnh tấn công khi không sử dụng phân thuốc. Bởi vậy, nông dân e dè đầu tư”.

Bên cạnh đó, một số nông dân chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có, chưa thể hiện quyết tâm; tư duy về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa nhất quán. Đặc biệt, liên quan đến vốn, vẫn có tư tưởng trông chờ vào nguồn hỗ trợ của nhà nước. Không ít nông dân và DN chưa chuyển biến nhận thức đã đến lúc phải tự lực đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phải nhanh chóng, chủ động thích ứng với nhu cầu của thị trường.

Theo Trưởng phòng Kinh tế TP. Long Xuyên Nguyễn Trí Quang, quan điểm của địa phương là tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; chuyển dịch từ trồng lúa kém hiệu quả sang rau màu và cây ăn trái phù hợp với quy hoạch, tình hình thực tế địa phương. Các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả được duy trì, phát triển nhằm tăng thu nhập cho nông dân. Về lâu dài, hình thành các dự án nông nghiệp, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với DN ứng dụng công nghệ cao để tạo ra chuỗi liên kết và tiêu thụ mang tính bền vững.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai cơ chế, chính sách trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh công tác khuyến nông, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất; tổ chức cho nông dân tham quan, học tập mô hình đã có. Đặc biệt là tích cực phối hợp tuyên truyền, vận động, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, nhận thức cho người dân và đội ngũ cán bộ kỹ thuật phụ trách lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, tạo ra nền tảng khoa học công nghệ, đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa các bên liên quan trong phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” - ông Nguyễn Trí Quang thông tin.

Với tâm thế một nông dân bắt đầu dấn thân vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở đô thị, ông Thông bày tỏ: “Để tạo ra sản phẩm hữu cơ, an toàn với người tiêu dùng, không gây ô nhiễm môi trường, tôi cần được hỗ trợ về khoa học - kỹ thuật. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là tự mình xử lý, áp dụng công nghệ mới theo hướng linh hoạt”. Mô hình thử nghiệm trồng rau an toàn kết hợp chăn nuôi thỏ theo hệ thống khép kín của ông Thông đang được chú ý vì nhiều ưu điểm trong vận hành, xử lý phù hợp đặc thù đô thị Long Xuyên.

Dĩ nhiên, ông vẫn đang vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mày mò để hoàn thiện mô hình. Mọi thứ vẫn còn ở phía trước, nhưng sự đổi mới trong tư duy, mạnh dạn biến suy nghĩ thành hành động của ông là điều đáng hoan nghênh, cần được nhân rộng, tạo nguồn cảm hứng để khích lệ nhiều nông dân khác “mặn mà” hơn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Hiện nay, toàn TP. Long Xuyên có hơn 1.800ha lúa ứng dụng công nghệ cao (lúa giống, lúa thơm, lúa Nhật), đạt 101% kế hoạch đề ra. Diện tích nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao (cá tra tiêu chuẩn VietGAP, Natureland; chạch lấu, mè hôi, lươn, ếch...) đạt hơn 108% kế hoạch, với hơn 134ha. Rau an toàn được sản xuất gần 30ha (đạt 102% kế hoạch, tập trung chủ yếu ở xã Mỹ Hòa Hưng). 9/13 phường, xã duy trì sản xuất hoa, cây kiểng ứng dụng công nghệ cao (22,3ha, đạt 103% kế hoạch). Chỉ riêng diện tích cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao có tỷ lệ thấp (39%, với 102ha).


GIA KHÁNH