Năng lượng mặt trời giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp An Giang

28/10/2021 - 10:28

 - Sáng 28-10, Ban Quản lý dự án Giải pháp năng lượng bền vững tỉnh An Giang phối hợp Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) tổ chức tọa đàm mô hình kết hợp sản xuất nông nghiệp và điện mặt trời tại An Giang bằng hình thức trực tuyến.

Ông Trương Kiến Thọ phát biểu tại buổi tọa đàm từ điểm cầu An Giang

Chuyên gia GreenID chia sẻ từ điểm cầu Hà Nội

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Giám đốc Ban Quản lý dự án Giải pháp năng lượng bền vững tỉnh An Giang Trương Kiến Thọ chủ trì buổi tọa đàm tại điểm cầu An Giang. Buổi tọa đàm được kết nối trực tuyến đến Phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn, Tịnh Biên; đại diện lãnh đạo UBND và hộ dân ở các xã: Châu Lăng, Ô Lâm, An Tức (huyện Tri Tôn) và xã An Hảo (huyện Tịnh Biên).

Giám đốc Ban Quản lý dự án Giải pháp năng lượng bền vững tỉnh An Giang Trương Kiến Thọ cho biết, dự án “Giải pháp xanh hỗ trợ tiếp cận năng lượng cho cộng đồng nghèo khu vực ĐBSCL tại tỉnh An Giang 2019-2021” được UBND tỉnh An Giang phê duyệt, giao Sở NN&PTNT tiếp nhận thực hiện (Quyết định 2056/QĐ-UBND, ngày 23-8-2019). Dự án là sự kế thừa, tiếp nối và mở rộng các kết quả đã đạt được từ Dự án “Tăng cường tiếp cận năng lượng cho người nghèo ở các tỉnh ĐBSCL của Việt Nam thông qua ứng dụng các giải pháp năng lượng xanh và bền vững” giai đoạn 2016-2018.

Mục tiêu chính của dự án là hỗ trợ cộng đồng nghèo chưa có điện lưới ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên được tiếp cận các giải pháp năng lượng tái tạo phi tập trung với giá cả hợp lý; được tạo cơ hội sinh kế nhờ ứng dụng các giải pháp xanh; đồng thời thúc đẩy chuyển dịch năng lượng công bằng và sinh kế bền vững cho người dân An Giang. Dự án đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều hoạt động, nổi bật là thí điểm các giải pháp kết hợp điện mặt trời vào sản xuất nông nghiệp.

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã trao đổi nhiều kinh nghiệm thực hiện các mô hình kết hợp năng lượng tái tạo vào sản xuất nông nghiệp, đưa năng lượng mặt trời đến với hộ nghèo, khó khăn, nơi chưa có điện lưới, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Đồng thời, kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, mở rộng dự án, tiến tới phát triển điện mặt trời tại các vùng nuôi thủy sản, trang trại trồng trọt, chăn nuôi, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… trên địa bàn An Giang, cũng như vùng ĐBSCL.

NGÔ CHUẨN