Nêu cao quyết tâm năm 2022

17/01/2022 - 05:16

 - “Năm 2022, cùng với thế giới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục phải đối mặt với “Kẻ thù vô hình - COVID-19”. Vì vậy, chúng ta phải giữ gìn, phát huy thành tựu, kết quả đã đạt được, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, trước hết là mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022… Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu thì tới đây càng phải đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu.

Những điểm sáng năm 2021

Nhiều khó khăn, thách thức nhưng kết quả đạt được trong năm 2021 rất đáng trân trọng. Cả nước thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, tạo đột phá về bao phủ vaccine, kịp thời chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 1,84%; các cân đối lớn được bảo đảm; GDP tăng 2,58%; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 22,6% (đạt 668,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, đưa Việt Nam trở thành một trong 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới). Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cao kỷ lục, đạt trên 48,6 tỷ USD…

Xây dựng quê hương An Giang hiện đại. Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Với quyết tâm chính trị, cùng sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sở, ban, ngành, An Giang đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, năm 2021, tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 2,15%, đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu Nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra. Kết quả này là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân, doanh nghiệp và toàn xã hội, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội (KTXH), an ninh chính trị...

Trong điều kiện khó khăn, lĩnh vực nông nghiệp đạt mức tăng 2,2%, cao hơn mức tăng của năm 2020. Đây là kết quả thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh; mô hình liên kết trong sản xuất ngày càng được củng cố và nâng chất. Đặc biệt, lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 1,12 tỷ USD, vượt kế hoạch đề ra. Điều này cho thấy, tiêu thụ hàng hóa của An Giang còn nhiều tiềm năng khai thác, khi doanh nghiệp biết tổ chức lại sản xuất, xây dựng vững chắc chuỗi cung ứng và liên kết tiêu thụ hàng hóa với nông dân, đầu tư khoa học - công nghệ chế biến sâu và nâng cao chất lượng hàng hóa sản phẩm. Tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực chăm lo an sinh xã hội kịp thời, giúp tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trong năm qua giảm bình quân 1-1,2%. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 linh hoạt, hiệu quả, an toàn, đạt hiệu quả cao.

Quyết tâm cao, hành động quyết liệt

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Phấn đấu năm 2022 là năm chiến thắng dịch bệnh; kinh tế phục hồi và phát triển; xã hội trật tự và kỷ cương; chủ quyền quốc gia được giữ vững; chính trị được ổn định; nhân dân có cuộc sống bình an và hạnh phúc, trên tinh thần đoàn kết, liêm chính, chủ động thích ứng, an toàn, hiệu quả, hồi phục KTXH một cách bền vững”.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng, năm 2022 là năm thứ 2 của kế hoạch KTXH 5 năm 2021-2025, có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo đà tăng trưởng cao và bền vững cho cả giai đoạn 2021-2025. Chỉ tiêu đề ra tăng trưởng GRDP năm 2022 là 5,2%, con số thách thức không nhỏ cho công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh. Nhưng với những kinh nghiệm phòng, chống dịch vừa qua, cũng như tư duy chỉ đạo, điều hành “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, tỉnh phấn đấu triển khai kế hoạch phục hồi và phát triển KTXH đạt mức cao nhất. 

Theo đó, tỉnh tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Huy động nhiều nguồn lực ưu tiên phòng, chống dịch COVID-19; giảm thiểu thiệt hại tác động đến KTXH và đời sống nhân dân; bảo vệ hiệu quả sức khỏe và tính mạng người dân. Chỉ đạo, điều hành đồng bộ “nhiệm vụ kép” với phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; đẩy nhanh tiến độ phục hồi, phát triển kinh tế để tạo nguồn lực đảm bảo cho nhiệm vụ phòng, chống dịch và an sinh xã hội. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, đi đôi nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực công. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút nguồn lực đầu tư của xã hội, doanh nghiệp giúp phục hồi kinh tế nhanh và bền vững.

Tỉnh tập trung triển khai 5 chương trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI, gồm: Chương trình phát triển kinh tế hợp tác gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực; Chương trình chuyển đổi số; Chương trình phát triển hạ tầng, tạo quỹ đất và mời gọi đầu tư; Chương trình hành động về phát triển hạ tầng du lịch; Chương trình phát triển nguồn nhân lực. Triển khai đầy đủ chính sách hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc để doanh nghiệp triển khai dự án trọng điểm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà…

THU THẢO