Nghiên cứu, đánh giá kết quả điều trị loãng xương ở phụ nữ trên 40 tuổi

17/01/2019 - 07:40

 - TS.BS Lữ Văn Trạng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh, cùng nhóm nghiên cứu vừa thực hiện thành công nhiệm vụ khoa học và công nghệ cơ sở “Đánh giá kết quả điều trị loãng xương bằng Alendronate phối hợp can-xi và vitamine D3 ở phụ nữ trên 40 tuổi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang năm 2017-2018”.

Từ tháng 7-2017 đến tháng 7-2018, nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát 333 bệnh nhân nữ trên 40 tuổi đến khám và điều trị ngoại trú tại phòng khám nội, khoa khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh. Sau khi khám sàng lọc và chẩn đoán, có 62 phụ nữ bị loãng xương (chiếm tỷ lệ 18,62%), mức độ loãng xương thông qua chỉ số BMD và T-Score ở phụ nữ là 0.57 và -2.9, có sự liên quan giữa độ tuổi phụ nữ với tình trạng loãng xương là phụ nữ trên 60 tuổi nguy cơ loãng xương cao gấp 3,9 lần so với phụ nữ dưới 60 tuổi.

Đo mật độ khoáng xương bằng phương pháp hấp thụ tia X năng lượng kép (DEXA) ở vị trí cổ xương đùi, bằng máy Medix90 của hãng Medilinic france tại Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang

Bệnh viện cho điều trị, theo dõi liên tục đánh giá lại sau 9 tháng, điều trị bằng Alendronate 10mg mỗi tuần 1 viên vào buổi sáng lúc bụng đói và viên can-xi D3 (500mg canxi và 400IU D3) uống mỗi ngày 2 viên trong 9 tháng liên tục, phối hợp biện pháp điều trị không dùng thuốc đã cho kết quả. Tỷ lệ giảm mật độ khoáng xương ở phụ nữ trên 40 tuổi là 55,86%: thiếu xương 37,23%, loãng xương 18,62% (1,8% loãng xương nặng). Nhóm phụ nữ dưới 60 tuổi có tỷ lệ loãng xương là 7,14%, nhóm phụ nữ  trên 60 tuổi có tỷ lệ loãng xương là 23,4%. Càng lớn tuổi tỷ lệ loãng xương càng tăng, phụ nữ trên 60 tuổi loãng xương tăng hơn 3,9 lần so với nhóm phụ nữ dưới 60 tuổi với p<0,01 (p là tỷ lệ loãng xương ước đoán). Phụ nữ có chiều cao dưới 150cm có nguy cơ loãng xương gấp 3,5 lần phụ nữ có chiều cao trên 150cm với p<0,05. Phụ nữ ở nhóm BMI dưới 23kg/cm2 có nguy loãng xương gấp 2 lần nhóm BMI ≥23kg/cm2 với p>0,05.

Phụ nữ có thời gian mãn kinh trên 10 năm có nguy cơ loãng xương gấp 2,3 lần nhóm có thời gian mãn kinh dưới 10 năm. Thời gian mãn kinh càng lâu tỷ lệ loãng xương càng gia tăng. Phụ nữ không tập thể dục có nguy cơ loãng xương gấp 1,92 lần nhóm có tập thể dục, với p<0,05. Phụ nữ giảm nồng độ can-xi ion hóa sẽ tăng nguy cơ loãng xương gấp 4,12 lần so với phụ nữ không giảm can-xi ion hóa, với p<0,05. Phụ nữ loãng xương liên quan với nhiều bệnh nội khoa như: tăng huyết áp, thoái hóa khớp, với p<0,05.

Biểu đồ tỷ lệ loãng xương ở phụ nữ nghiên cứu

Đánh giá kết quả bước đầu điều trị alendronate và can-xi vitamine D3 điều trị loãng xương ở phụ nữ. Có sự thay đổi tỷ lệ mật độ khoáng xương sau điều trị so với trước điều trị hiệu quả T-score trung bình tăng lên 0,52. Tỷ lệ loãng xương 87% trước điều trị giảm xuống 40,32% sau điều trị, tỷ lệ loãng xương nặng 12,91% trước điều trị giảm xuống 3,22% sau điều trị. Tỷ lệ bệnh nhân đáp ứng tốt với điều trị là 6,45%, nhóm bệnh nhân đáp ứng trung bình là 55,48%, nhóm bệnh nhân đáp ứng kém là 8,06%. Thuốc Alendronate 70mg uống mỗi tuần 1 viên  phối hợp viên can-xi vitamine D3 ít có tác dụng phụ có hiệu quả và an toàn trong quá trình điều trị. Trong quá trình điều trị có 4 bệnh nhân có tác dụng phụ về đường tiêu hóa, không có tác dụng phụ nghiêm trọng khác.

Qua nghiên cứu, chủ nhiệm đề tài đề xuất: nên tầm soát loãng xương cho tất cả phụ nữ trên 40 tuổi có thời gian mãn kinh kéo dài có nhiều yếu tố nguy cơ loãng xương, có các bệnh lý nội khoa đi kèm. Nhóm nghiên cứu phối hợp mạng lưới y tế phường, xã thực hiện khám tầm soát rộng rãi trong cộng đồng. Điều trị bệnh loãng xương bằng Alendronate phối hợp với can-xi và vitamin D3 có hiệu quả nên được áp dụng cho các bệnh viện, trung tâm y tế, các trạm y tế phường, xã và phải có biện pháp dự phòng loãng xương trong cộng đồng, Sở Y tế phối hợp triển khai nhiệm vụ. Tuyên truyền phòng, chống và điều trị bệnh loãng xương. Alendronate 70mg là thuốc đặc trị loãng xương, nhưng bảo hiểm y tế vẫn chưa hỗ trợ, đề tài thực hiện có kết quả tăng chỉ số T-Score 0,52 nên kiến nghị xin bảo hiểm y tế hỗ trợ, nhằm giảm mức độ loãng xương và ngăn biến chứng gãy xương trong cộng đồng.

Theo TS.BS Lữ Văn Trạng, loãng xương là một căn bệnh thầm lặng, đang trở thành vấn đề sức khỏe toàn cầu và là gánh nặng lên ngân sách y tế ở mỗi quốc gia. Tại ĐBSCL và An Giang, có ít đề tài nghiên cứu về bệnh loãng xương, đặc biệt là nghiên cứu đánh giá kết quả điều trị loãng xương. Vì kết quả điều trị chậm, ý thức về phòng bệnh và điều trị loãng xương trong cộng đồng chưa cao, nên việc bệnh viện thực hiện đề tài này là hết sức cần thiết. Mục tiêu nhằm xác định tỷ lệ và mức độ loãng xương ở phụ nữ trên 40 tuổi, đến khám và điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh; tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến loãng xương ở phụ nữ trên 40 điều trị ngoại trú tại bệnh viện; đánh giá kết quả điều trị ngoại trú loãng xương bằng Alendronate phối hợp can-xi và vitamin D3 ở phụ nữ trên 40 tuổi tại bệnh viện.

HẠNH CHÂU

 

Liên kết hữu ích