Nhà vườn chuẩn bị đón Tết

16/12/2021 - 07:48

 - Không chỉ có hoa Tết, mà các hộ sản xuất rau màu vụ cuối năm cũng giảm diện tích trồng so với các năm trước. Nguyên nhân chính là nông dân lo ngại dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến đầu ra và chi phí sản xuất tăng cao, khó đầu tư mạnh để đánh cược với thị trường mùa tiêu thụ lớn nhất trong năm. Bù lại, hầu hết nông dân chú trọng vào chất lượng, thêm nhiều giống cây trồng mới nhằm đa dạng sản phẩm để tiêu thụ thuận lợi hơn.

Dù giảm quy mô sản xuất, nông dân vẫn chú trọng chất lượng sản phẩm để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán

Giảm quy mô sản xuất

Tổ hợp tác trồng rau an toàn xã Long An (TX. Tân Châu) chủ yếu trồng dưa leo, ớt, bầu, bí, cải… với sản lượng mỗi ngày khoảng 2 tấn. Ông Huỳnh Văn Thưa (Tổ trưởng) cho biết, để tránh tình trạng dội chợ, tổ bàn bạc với thành viên trồng luân phiên các loại rau màu, không sản xuất “đụng hàng” và duy trì 3 vụ/năm. Từ khi trở lại trạng thái bình thường mới, giá rau màu giảm mạnh, trong khi phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng tăng cao. Thay vì hàng năm, đón vụ Tết, các hộ sẽ tăng sản xuất thì năm nay chỉ giữ nguyên số lượng, cá biệt có hộ giảm. “Mấy hôm nay, giá bán khổ qua khoảng 10.000 đồng/kg, ớt dao động từ 25.000-30.000 đồng/kg, nông dân tạm ổn chứ chưa có đồng lời. Bởi phải chi phí thuê nhân công 80.000-100.000 đồng/ngày. Riêng rau cải năm nay không đạt hiệu quả, do mưa nhiều, sáng sớm có sương mù, năng suất giảm 50%...” - ông Thưa cho biết.

Từ tháng 7 (âm lịch), các hộ trồng hoa đã xuống giống vụ hoa Tết. Không đoán trước được sức mua và lo ngại dịch bệnh ảnh hưởng đầu ra, hầu hết nông dân chủ động giảm diện tích, số lượng. Thậm chí như trường hợp anh Lê Văn Như (xã Tân Hòa, huyện Phú Tân) đã có kinh nghiệm 10 năm trồng hoa Tết, dự định năm nay ngưng sản xuất, vì lo không có đầu ra. Nhờ thương lái chủ động đặt hàng, anh Như trồng 1.200 giỏ cúc pha lê, so với năm ngoái anh trồng đến 2.500 giỏ cúc pha lê và hơn 1.000 giỏ vạn thọ.

Còn ông Trương Văn Na (phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên) lý giải, do giá cả vật tư đều tăng, nên không đủ điều kiện trồng quy mô như thường niên. Phần lớn nguyên liệu giá thể, giống, giỏ hoa mua từ Đà Lạt khan hiếm, thời điểm đặt mua đang áp dụng giãn cách xã hội, nên một số cây trồng không thể mua được. Vụ hoa Tết này, ông Na trồng các loại hoa: Bách hợp, đồng tiền và cúc pha lê, tổng cộng khoảng 1.000 giỏ, trong khi năm ngoái trồng hơn 3.000 giỏ. “Giống hoa năm nay chủ yếu tự gầy hoặc mua trong tỉnh, nên số lượng không nhiều. Dù hiện nay dịch bệnh tạm ổn, nhưng dự đoán sức mua giảm, thành ra mỗi hộ giảm từ 30-50% số lượng cây trồng để ddảm bảo ăn chắc” - ông Na cho biết.

Tăng chất lượng sản phẩm

Tuy giảm một nửa số lượng trồng so với năm ngoái, ông Nguyễn Văn Ngọc (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) vẫn chọn cúc pha lê để phục vụ thị trường. Trồng cúc pha lê phân tầng là kỹ thuật để tạo hình đẹp mắt và có giá trị hơn. Sản phẩm này được nhiều nông dân áp dụng vài năm gần gây, riêng ông Ngọc mới thử nghiệm năm đầu tiên, mong muốn hoa Tết của mình thêm giá trị, bắt kịp xu hướng thị trường. Ông Ngọc dự tính thiết kế cây làm 3 tầng theo hình tháp như cây kiểng, can thiệp kỹ thuật ngắt đọt cây để tạo tầng. Giá bán của cúc pha lê phân tầng nếu thành công sẽ cao hơn loại thường gấp đôi. Tương tự, anh Thái Hữu Minh (xã Tân Trung, huyện Phú Tân) cho biết, hàng năm anh trồng số lượng nhiều và chỉ có 3 loại hoa. Năm nay, tuy giảm bớt số lượng nhưng hiện nay toàn bộ 4.700 chậu bổ sung nhiều giống hoa hơn, như: Vạn thọ, cúc Đài Loan, cúc pha lê, cúc 7 màu… Theo anh Minh, nhờ có nhiều mặt hàng, thương lái dễ chọn mua và dễ tiêu thụ hơn.

Đối với rau màu, chú trọng nhất là sản xuất sạch, an toàn để đảm bảo uy tín, giữ mối tiêu thụ lâu dài. Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng rau an toàn phường Vĩnh Mỹ (TP. Châu Đốc) Huỳnh Thanh Bình cho biết, thị trường tiêu thụ mạnh nhất của nông sản tại đây là Campuchia, kế đến là chợ đầu mối trong thành phố. Tuy nhiên do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, hơn một năm nay nông dân sản xuất tiêu thụ nội địa là chủ yếu. Để thích ứng với tình hình, nông dân giảm nhẹ diện tích sản xuất, tăng rau màu trong vụ. Theo kinh nghiệm, mỗi loại rau thường gặp sâu hại vào thời điểm nhất định trong năm. Vì vậy, cách hạn chế sâu bệnh là sản xuất né vụ, chọn cây trồng phù hợp để hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, luân phiên đến vụ nối tiếp chọn các giống cây khác thay thế. Nhờ cách này, nông sản của Tổ hợp tác rau an toàn Vĩnh Mỹ luôn đạt chuẩn an toàn, gần 10 năm nay chỉ sản xuất theo hướng “thuận thiên” để đạt hiệu quả.

Chủ động thích ứng và có tính toán phù hợp, dự đoán phần nào sức tiêu thụ của thị trường sau một năm chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Các hoạt động sản xuất đều giảm, nhưng nông dân vẫn kỳ vọng có một mùa Tết thuận lợi để vui xuân trọn vẹn.

MỸ HẠNH