Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã

12/11/2021 - 06:43

 - Toàn tỉnh hiện có 255 hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX hoạt động trên 6 lĩnh vực, trong đó có 244 HTX và 1 liên hiệp HTX đang hoạt động (chiếm 96%), 10 HTX nông nghiệp yếu kém, ngưng hoạt động lâu ngày. Toàn tỉnh An Giang có 823 tổ hợp tác (THT) trong lĩnh vực nông nghiệp. Tổng vốn điều lệ HTX là 3.664 tỷ đồng; doanh thu bình quân 5,2 tỷ đồng/HTX/năm. Toàn tỉnh có 154.952 thành viên ở các HTX, THT. Có gần 5.100 lao động làm việc thường xuyên khu vực HTX, với thu nhập từ 2,5-5 triệu đồng/người/tháng.

Theo UBND tỉnh, đánh giá xếp loại hoạt động HTX nông nghiệp năm 2020 có 21 HTX hoạt động tốt; 36 HTX khá; 51 HTX trung bình; 4 HTX yếu; 70 HTX không đánh giá xếp loại. Ngoài ra, theo kết quả phối hợp rà soát của Liên minh HTX tỉnh, 10 huyện, thị xã, thành phố có gần 40 HTX phi nông nghiệp đã không còn hoạt động lâu ngày cần phải tiến hành giải thể theo quy định pháp luật.

Lĩnh vực nông nghiệp có 187 HTX và 1 liên hiệp HTX. Trong đó có 178 HTX đang hoạt động và 10 HTX yếu kém, ngưng hoạt động lâu ngày đang tiến hành giải thể. Chiếm 73,72% tổng số HTX trên toàn tỉnh, tuy nhiên đa phần các HTX nông nghiệp còn hoạt động ở mức độ trung bình. Năm 2021, bước đầu xây dựng được mô hình HTX tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực của tỉnh. Từ đó, phát triển thành HTX nông nghiệp kiểu mẫu, có tính lan tỏa, đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của người dân và doanh nghiệp (DN).

Củng cố và phát triển mô hình sản xuất xoài 3 màu đạt tiêu chuẩn VietGAP

Lĩnh vực giao thông vận tải, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch có 41 HTX đang hoạt động. Năm 2021, do dịch bệnh COVID-19 nên nhiều HTX các lĩnh vực này bị ảnh hưởng, phải hoạt động cầm chừng hoặc tạm ngưng. Riêng lĩnh vực tín dụng có 24 quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên 144/156 xã, phường, thị trấn, đáp ứng một phần nhu cầu vay vốn của người dân, góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, hoạt động ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với các ngân hàng thương mại… Đối với 823 THT đang hoạt động, xuất phát từ thực tế của người dân, nhiều THT thành lập mới hoạt động tương đối tốt, quản lý chặt chẽ các khâu từ vốn góp đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đây là tiền đề tốt để nâng chất các THT phát triển lên thành HTX.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, số lượng HTX, THT không ngừng gia tăng về số lượng lẫn chất lượng. Nhiều DN hoạt động trên tất cả các lĩnh vực đã quan tâm và đến hợp tác, đầu tư tại An Giang trong lĩnh vực nông nghiệp và thành lập mới HTX nông nghiệp. Những đóng góp và tâm quyết của các ngành, các cấp, của DN và người dân là điều kiện, tiền đề cho định hướng phát triển kinh tế tập thể. Tuy nhiên, HTX nông nghiệp nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của người dân và nhu cầu phát triển.

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế và điều kiện để duy trì mức tăng trưởng, ngày 25-10-2021, UBND tỉnh ban hành kế hoạch xây dựng phát triển kinh tế tập thể, HTX năm 2022. Tỉnh đặt mục tiêu phát triển kinh tế tập thể, HTX góp phần thúc đẩy nông nghiệp và nông thôn phát triển. Đổi mới toàn diện, phát triển đa dạng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, HTX gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới; liên kết sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và tiêu thụ theo mô hình “Cánh đồng lớn”.

Đến cuối năm 2022, quyết tâm đưa kinh tế tập thể, HTX của tỉnh tăng trưởng ở mức độ khá; đủ năng lực nội tại để phục vụ tốt cho thành viên tham gia và đứng vững trên thị trường. Theo đó, năm 2022 phấn đấu toàn tỉnh có 300 HTX và 950 THT. Doanh thu bình quân của HTX 5,2 tỷ đồng/năm; THT trên 200 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân của thành viên, người lao động HTX là 49-52 triệu đồng/năm.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, năm 2022, tỉnh tập trung xây dựng “Hệ sinh thái HTX” phát triển bền vững, gồm các hệ sinh thái: lúa gạo, cá tra, xoài, bò sữa, heo, cửa hàng tiện lợi (Bách Hóa Xanh, nông sản an toàn, OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm)…).

Để phát triển thành công, ứng với mỗi “Hệ sinh thái HTX” phải xây dựng một đề án phát triển riêng, trong đó có sự tham gia của DN xuất khẩu, cung ứng vật tư đầu vào, ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, nhà khoa học, nhà quản lý, HTX, nông dân, người tiêu dùng... Triển khai có hiệu quả đề án phát triển nguồn nhân lực cho cán bộ HTX, nông dân. Xây dựng chương trình phát triển HTX theo hướng liên kết các HTX có cùng nhóm mục tiêu về mua chung và cùng mục tiêu về bán.

Tỉnh tiếp tục củng cố và phát triển mô hình sản xuất xoài 3 màu có quy mô 500ha đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm và rau an toàn tại huyện Chợ Mới. Kết hợp thực hiện dịch vụ nông nghiệp với dịch vụ du lịch sinh thái; xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lúa nếp Phú Tân; đẩy mạnh phát triển nghề mộc ở huyện Chợ Mới. Đồng thời, hợp tác giữa DN và HTX, THT đầu tư sản xuất và xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, lúa nếp bền vững; phục tráng giống lúa mùa nổi nguyên chủng Tri Tôn, An Phú để xây dựng thương hiệu; đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa nếp Phú Tân.

 HẠNH CHÂU