Phát triển kinh tế từ cây lục bình

09/11/2021 - 06:16

 - Nhận thấy các kênh, rạch ở địa phương có lục bình rất nhiều, anh Trần Ngọc Thuận (xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) nhen nhóm và lên ý tưởng cho mô hình kinh doanh từ cây lục bình. Vừa có thể tận dụng được nguồn lợi có sẵn từ tự nhiên để phát triển kinh tế, vừa tạo được việc làm, thêm thu nhập cho người dân ở địa phương.

“Bén duyên” cùng lục bình

Bản thân là kỹ sư tốt nghiệp ngành lâm sinh của Trường Đại học Cần Thơ, anh Trần Ngọc Thuận có thời gian đi làm và trải nghiệm thực tế ở nhiều nơi. Cuối năm 2019, có dịp đi tham quan làng nghề làm đồ thủ công mỹ nghệ từ cây lục bình ở tỉnh Long An, anh Thuận nhận ra lâu nay ở địa phương bỏ qua nguồn lợi kinh tế từ loại nguyên liệu thân thiện với môi trường này.

Theo anh Thuận, cây lục bình là loại sinh trưởng rất mạnh, hầu như xuất hiện ở mọi nơi từ sông, kênh, rạch. Trước giờ, nhiều lắm là người dân chỉ hái bông, ngó non để ăn nhưng rất ít, đôi lúc vì lục bình phát triển nhanh quá, ngăn cản giao thông đường thủy còn phải phá bỏ.

Ý tưởng đã có, kế hoạch nhanh chóng được hoạch định rõ ràng, mọi thứ đều sẵn sàng để bắt đầu. Đầu năm 2020, anh Thuận xin nghỉ công việc đang hợp đồng để bắt tay vào kinh doanh cây lục bình. “Trước khi thực hiện, tôi quyết định quay trở lại tỉnh Long An một lần nữa, lần này không phải đi du lịch mà để học tập kinh nghiệm. Chuyến đi này, thu hoạch ngoài mong đợi, người dân ở làng nghề rất nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, hoàn toàn không giấu nghề. Nhờ vậy, tôi thêm tự tin quay trở về địa phương để phát triển” - anh Thuận giải thích.

Để chào hàng cho các công ty, anh Thuận phải bỏ vốn đầu tư, chuẩn bị hàng mẫu là lục bình phơi khô với quy chuẩn phổ biến về chiều dài, độ khô… phù hợp để làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Anh Thuận kết nối với người dân ở địa phương để cung ứng lục bình, lên mạng liên hệ với các công ty thu mua nguyên liệu lục bình khô ở nhiều nơi để có đầu ra cho sản phẩm.

“Mình là người đầu tiên ở địa phương phát triển ngành nghề này nên gặp nhiều khó khăn, vì các thương lái và các công ty thu mua nguyên liệu lục bình chưa biết đến. Bởi vậy, tôi phải chuẩn bị hàng mẫu để giới thiệu, chủ động lên mạng tìm các đầu mối tiêu thụ bằng các hợp đồng dài hạn. Chỉ có như vậy mới đảm bảo được công việc và thu nhập ổn định cho những người dân tham gia cùng mình gắn bó lâu dài” - anh Thuận chia sẻ.

Ấp ủ nhiều kế hoạch

Sau một năm kinh doanh, bằng kinh nghiệm và sự nỗ lực không ngừng về chất lượng, đã có nhiều công ty và cơ sở đan đát lục bình biết đến, liên hệ với anh Thuận. Đơn đặt hàng nhiều, đồng nghĩa với nhiều lao động địa phương có thêm công việc và thu nhập.

Anh Thuận cho biết, công việc thu hoạch, phơi lục bình không khó vì trước khi người dân tham gia đều được hướng dẫn cụ thể. Hiện nay, anh Thuận đang tạo được công việc thường xuyên và thu nhập ổn định cho khoảng 30 nhân công ở địa phương. Bà con có thể cắt lục bình tươi, phơi khô, thông thường từ 13-15kg lục bình tươi sẽ cho ra 1kg lục bình khô, được anh Thuận thu mua với giá từ 15.000-17.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, nếu không có thời gian phơi, bà con có thể bán lục bình tươi, với giá rẻ hơn, sau đó anh Thuận sẽ thuê người phơi. Công việc này phù hợp với những lao động trung niên ở địa phương, không kể là đàn ông hay phụ nữ đều có thể tham gia, ngoài công việc đồng áng thì trong lúc nhàn rỗi có thể làm thêm việc thu hoạch hoặc phơi khô lục bình để có thêm thu nhập.

Sản phẩm từ cây lục bình giúp người dân tăng thêm thu nhập

Việc cung cấp nguyên liệu lục bình khô cho các cơ sở và công ty gia công sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây lục bình chỉ là bước đầu tiên trong dự án kinh doanh của anh Thuận. Tạo ra sản phẩm cuối cùng là xây dựng được chuỗi liên kết từ sản xuất nguyên liệu cho đến đan đát làm ra sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới là ước muốn lớn nhất của anh Thuận.

“Vì chỉ có như vậy, mới đem lại lợi nhuận nhiều và ổn định nhất, hơn hết có thể mở rộng mô hình kinh doanh, bước ra thị trường, không còn là một đơn vị cung cấp nguyên liệu thô. Khi đó, sẽ có được nhiều người dân tham gia vì khi nhận hàng gia công, có thêm nhiều công đoạn cần lao động, thu nhập sẽ cao hơn” - anh Thuận chia sẻ.

Thời gian tới, anh Thuận lên kế hoạch liên hệ với các công ty, bản thân trực tiếp đi học nghề đan đát và nhận khung về cho người dân tại địa phương làm. “Những công việc đan đát sẽ phù hợp cho chị em phụ nữ, người lớn tuổi. Khi đó, bà con có thể nhận hàng về gia công sản phẩm tại nhà, tranh thủ lúc nhàn rỗi thì làm đan đát, từ đó có thêm thu nhập. Còn công việc cắt lục bình chỉ tập trung vào các lao động trung niên” - anh Thuận nói thêm.

Với những dự định của mình, anh Thuận mong muốn được địa phương hỗ trợ các chương trình vay vốn ưu đãi, lãi suất thấp để có thể mở rộng mô hình kinh doanh với hình thức gia công đồ thủ công mỹ nghệ. Bên cạnh đó, mở các lớp dạy nghề đan đát có cấp chứng chỉ cho người dân tham gia học nghề, nhằm giúp giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương, có thêm thu nhập, để họ ổn định kinh tế.

ÁNH NGUYÊN