Quốc hội tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội

27/09/2021 - 19:16

Sáng 27-9, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội phối hợp Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức toạ đàm Tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Đây là diễn đàn kinh tế, xã hội thường niên của Quốc hội, góp phần tiếp tục đổi mới, cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội; nâng cao chất lượng giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, năng lực dự báo với tầm nhìn dài hạn, tổng thể. Phát huy tối đa, tập hợp được toàn bộ trí tuệ, đóng góp của đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý chuyên sâu, hàng đầu trong nước và các tổ chức quốc tế. 

Cầu thị lắng nghe  

Phát biểu chào mừng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết các ý kiến của tọa đàm là kênh thông tin quý giá để Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước về kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư ở Việt Nam với diễn biến phức tạp ở các tỉnh, thành phố phía nam và nhiều địa phương trong cả nước. Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp hạn chế dịch bệnh, phần nào kiểm soát được sự lây lan, số ca nhiễm có dấu hiệu giảm. Năm 2021, kinh tế Việt Nam có dấu hiệu chưa bắt nhịp, đồng điệu với kinh tế thế giới. Trong khi kinh tế thế giới và nhiều nước đảo chiều từ tăng trưởng âm của 2020 sang tăng trưởng dương 2021, Việt Nam tăng trưởng 2021 dự báo không đạt kế hoạch và tăng không đáng kể so với 2020. Đây là vấn đề cần làm rõ nguyên nhân để có giải pháp phù hợp. Mong các đại biểu tham dự diễn đàn có những đóng góp ý kiến tâm huyết, sát thực cho Quốc hội và những thông tin này cũng là đề xuất gợi mở cho Chính phủ xây dựng, đề xuất các chính sách dài hơi hơn cho thời gian tiếp theo.

Quốc hội tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội -0

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Duy Linh)

Các đại biểu đã nghe trình bày các tham luận, thảo luận về các nội dung: Đánh giá diễn biến của thị trường tài chính, đầu tư, thương mại toàn cầu năm 2021, diễn biến mới nhất của kinh tế thế giới và đưa ra các dự báo tác động tới Việt Nam; đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 với kinh tế, xã hội Việt Nam, việc thực hiện Chiến lược tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, bài học kinh nghiệm trong ban hành chính sách, các kiến nghị, giải pháp cho Việt Nam từ nay tới cuối năm và các năm tiếp theo của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, về bối cảnh trong nước, diễn biến dịch COVID-19 kéo dài khiến Chính phủ và những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề phải duy trì các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế đi lại. Chính phủ vẫn hướng tới “mục tiêu kép”, song cần lắng nghe, cân nhắc với tinh thần cầu thị hơn với những đề xuất mới, như đề xuất cho phép các nhà máy trong khu công nghiệp duy trì sản xuất trong điều kiện bảo đảm phòng chống dịch, cho phép doanh nghiệp chủ động nhập vaccine. 

Bà Minh nhận định: Trong bối cảnh đó, Quốc hội đã luôn đồng hành, chia sẻ và ủng hộ các quyết sách của Chính phủ về phòng chống dịch cũng như tháo gỡ các khó khăn cho các hoat động sản xuất kinh doanh. Cụ thế mới đây, Quốc hội thông qua Nghị quyết 30, phần lớn dung lượng là các giải pháp chưa từng có tiền lệ trao cho Chính phủ tăng cường phòng chống dịch. Tiếp đó, Nghị quyết 268 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép Chính ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của Luật nhằm đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch. Gần đây nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 03 về hỗ trợ người lao động và chủ sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Bài học từ thế giới và Việt Nam

Quốc hội tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội -0

Ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Duy Linh) 

Còn dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, ông Võ Trí Thành nhấn mạnh đến gói hỗ trợ thứ hai của Chính phủ cần phải lớn hơn, phải quyết liệt thực thi. Ông Thành đưa ra ba lưu ý, đó là vượt khó, bắt nhịp đà phục hồi của thế giới với các mảng cải cách thể chế kinh tế, cải cách hạ tầng, đào tạo lao động, kỹ năng, chuyển đổi số và bắt nhịp với xu hướng của thế giới trong các lĩnh vực tiêu dùng, cách mạng công nghiệp, công nghệ, quản tri rủi ro.

Ông Võ Trí Thành đề xuất Quốc hội xem xét rất kỹ lưỡng về chương trình làm luật trong 2, 3 năm tới. Tập trung phân bổ hiệu quả nguồn lực sẵn có, thúc đẩy sáng tạo, bảo vệ và đánh giá đúng về vai trò vị trí của công chức, nhằm phát huy sự dám nghĩ dám làm, trao quyền cho Chính phủ ứng phó với cơ chế linh hoạt.

Hiến kế giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, PGS.TS Phạm Hồng Chương cho rằng, trước tiên cần thay đổi quan điểm chống dịch. Kế hoạch chống dịch phải đồng bộ, nhất quán mới có thể mở cửa trở lại. Cần đẩy nhanh tiêm vaccine, đặc biệt cho cả ngư dân, nông dân, cho phép sử dụng lao động an toàn, tạo nguồn lao động xanh để doanh nghiệp và các hộ nông ngư nghiệp được quyền thuê lao động, bảo đảm hoạt động trở lại khi đủ điều kiện. Đồng thời, cho phép tự chủ hoạt động và thực hiện phòng chống dịch…  

Quốc hội tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội -0

 Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân Phạm Hồng Chương phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Duy Linh)

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, diễn đàn này được tái khởi động nhằm lắng nghe ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thể hiện khát khao cống hiến cho đất nước, cho Quốc hội. Từ những đóng góp này sẽ là cơ sở để Quốc hội đưa ra những quyết sách về tài chính, ngân sách sát với thực tế. Góp phần tiếp tục mới, cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội; nâng cao chất lượng giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, năng lực dự báo với tầm nhìn dài hạn, tổng thể.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Toạ đàm được tổ chức lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV có nghĩa rất quan trọng. 

Chất liệu quý để hoàn thiện chính sách

Từ những tham vấn của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng thời gian trước mắt, Việt Nam cần chú trọng các nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, thích ứng với COVID-19 và sử dụng tổng hợp các chính sách, phương thức, cách làm, biện pháp phù hợp trên cơ sở chủ động, khoa học, sáng tạo để hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế là vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay. 

Thứ hai, dự báo, dịch bệnh còn có thể kéo dài, do vậy các chính sách, biện pháp phòng, chống dịch thích ứng cần tính đến tác động lâu dài, xử lý hài hòa các mối quan hệ giữa y tế và kinh tế -xã hội. Trong đó cần nhấn mạnh, y tế là trụ cột, khoa học công nghệ là then chốt, kinh tế là nền tảng và bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, xã hội là trọng yếu và thường xuyên. 

Thứ ba, các chính sách, biện pháp thích ứng với dịch COVID-19 phải dựa trên cơ sở khoa học, thận trọng, kỹ lưỡng, đánh giá tổng thể và có lộ trình phù hợp, huy động, phân bổ nguồn lực xã hội cho công tác phòng, chống dịch phải có trọng tâm, trọng điểm, đúng mục tiêu, đúng đối tượng, tiết kiệm và có hiệu quả, cần tính đến cả trước mắt và lâu dài. Chú trọng nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân và cộng đồng, tiêm vaccine và chuẩn bị thuốc điều trị là điều kiện tiên quyết.

Thứ tư, tranh thủ tối đa việc thích ứng để làm động lực hoàn thiện thể chế. Quốc hội và Chính phủ đang rất tích cực thực hiện, liên tục. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững, bao trùm, nhất là chuyển mạnh sang số hóa. Cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững, bao trùm trong ngắn hạn phải nhìn dài hạn, nhất là đẩy mạnh số hóa, xanh hóa nền kinh tế, hiện đại hóa ngành y tế và cải thiện năng lực quản trị quốc gia cũng như quản trị doanh nghiệp.

Thứ năm, kiên định bảo vệ sức khỏe người dân cả về thể chất và tinh thần. Trên cơ sở đó phải có kế hoạch và giải pháp cho năm 2021-2022 và tính toán biện pháp dài hơi hơn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, tuy là cuộc tọa đàm đầu tiên nhưng đã thu hoạch nhiều ý kiến làm chất liệu quý trong việc hoàn thiện các báo cáo thẩm tra, vạch ra một số đường hướng trong hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Quóc hội nói chung. Thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa Quốc hội và Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội cũng tin tưởng, những khó khăn mà Việt Nam đang gặp phải chỉ là trước mắt, tạm thời. Chúng ta vẫn có nền tảng rất tốt, và vẫn có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao như yêu cầu cũng như nguyện vọng của bạn bè quốc tế.

Theo THANH HÀ (Báo Nhân Dân)