Những ngày này, trên cánh đồng Đắk Huýt, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông), người dân tích cực thăm đồng, chăm lúa đông xuân. Qua đó, giúp những thửa ruộng nơi vùng biên thêm xanh.
AA
Những ngày đầu xuân 2024, về thăm cánh đồng Đắk Huýt, đến đâu cũng thấy không khí lao động hăng say của nông dân. Trong tiết trời nắng ấm, nguồn nước thủy lợi dồi dào nên cây lúa sinh trưởng, phát triển khá tốt. Người dân tại địa phương đang tích cực thăm đồng, làm cỏ, phòng ngừa sâu hại cho ruộng lúa.
Theo ông Đoàn Minh Thuận, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực, sau hàng chục năm cây lúa bén rễ trên vùng đất biên giới này, cánh đồng Đắk Huýt trở thành mô hình kiểu mẫu cho ý chí chiến thắng đói nghèo của chính quyền và Nhân dân xã Quảng Trực.
Thông qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự vào cuộc của các cấp, ngành chuyên môn, bà con đã biết áp dụng các quy trình kỹ thuật vào trồng lúa nước. Từ đó, giải quyết được tình trạng thiếu đói giáp hạt những năm về trước.
Gia đình chị Thị Ốc ở bon Bu P'răng vụ này gieo sạ 2 sào lúa nước. Đến nay, nhờ làm đất kỹ, xuống giống kịp thời vụ nên ruộng lúa sinh trưởng, phát triển khá tốt.
Chị Thị Ốc cho biết: “Năm ngoái gia đình tôi thu được hơn 30 bao lúa, ước khoảng gần 1,5 tấn. Vì thế, năm nay gia đình tập trung đầu tư chăm sóc để lúa đạt năng suất hơn”.
Theo chị Thị Ốc, trrước khi gieo sạ, gia đình đã chuẩn bị trước vật tư nông nghiệp như: iống, mạ, phân bón, thuốc diệt trừ cỏ… Khi ngành Nông nghiệp huyện triển khai lịch thời vụ là chị và các hộ xuống giống đồng loạt.
Còn gia đình chị Thị Hương ở thôn 5, xã Quảng Trực sau khi gieo sạ xong diện tích lúa nước của gia đình, chị cũng tích cực ra đồng phòng để ngừa ốc bươu vàng cắn phá lúa non.
Chị Thị Hương cho hay: “Vụ đông xuân này, gia đình tôi gieo cấy hơn 1 sào lúa giống Bio 404. Năm ngoái thời tiết nắng nóng, thiếu nước nên năng suất lúa kém, gần như mất mùa. Năm nay, tôi hi vọng thời tiết thuận lợi hơn, đầu ruộng được xây dựng thêm nhiều kênh mương thủy lợi, đủ nước để lúa phát triển, đạt năng suất”.
Theo UBND xã Quảng Trực, vụ đông xuân 2024, toàn xã gieo sạ hơn 35ha lúa nước. Sản xuất lúa nước, nhất là vụ sản xuất đông xuân đang là mùa vụ hết sức quan trọng, giúp bảo đảm lương thực cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi vùng biên này. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung trong công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng kế hoạch sản xuất.
Trong đó, xã đã vận động bà con ra đồng gieo cấy đúng khung lịch thời vụ, thăm đồng thường xuyên trong những ngày trước, trong và sau tết để phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa.
Trong những ngày qua, ngành Nông nghiệp huyện đã phân công cán bộ bám sát đồng ruộng, “ba cùng” với bà con. Đặc biệt, Chi nhánh Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tuy Đức cũng bố trí cán bộ thường xuyên kiểm tra công trình, tổ chức phát dọn, nạo vét khơi thông dòng chảy ở các tuyến kênh chính để bảo đảm cấp nước được thông suốt.
Theo dự báo, cánh đồng Đắk Huýt có khả năng khô hạn xảy ra ở cuối vụ. Vì vậy, ngành Thủy nông huyện Tuy Đức đã triển khai xây dựng lịch điều tiết nước hợp lý, nhằm duy trì nguồn nước vào những tháng cao điểm của khô hạn, đáp ứng nhu cầu cây trồng.
“Hy vọng với thời tiết thuận lợi và việc gieo cấy kịp thời vụ, bà con đồng bào dân tộc thiểu số của xã sẽ có một vụ lúa đông xuân đạt năng suất, chất lượng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực tại địa phương”, ông Đoàn Minh Thuận, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực cho biết thêm.
Theo Báo Đắk Nông
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: