Sáng tạo với Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp

19/11/2021 - 06:05

 - Nếu như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thành lập Tổ công tác 970, hoạt động rất hiệu quả trong hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản thì ở An Giang, Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp được thành lập từ tỉnh đến huyện, xã cho thấy mô hình sáng tạo mới. Các tổ không chỉ phát huy vai trò trong mùa dịch mà còn là mô hình cần thiết về lâu dài.

Trung tâm kết nối

Khi An Giang chuẩn bị bước vào thu hoạch vụ lúa hè thu 2021 thì gần như toàn bộ miền Nam thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thương lái đi thu múa lúa, nông sản khó khăn; các đội thu hoạch, bốc vác, vận chuyển cũng gặp khó. Trong mùa mưa bão, nông sản ùn ứ, nông dân như “ngồi trên đống lửa”…

Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, trước nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng nông sản, UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập 1 Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp cấp tỉnh, 11 Tổ cấp huyện và 149 Tổ cấp xã; thiết lập đường dây nóng do 1 Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang phụ trách tiếp nhận, xử lý thông tin về sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. “Trong đó, Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp cấp xã có vai trò đặc biệt quan trọng trong tổ chức lại sản xuất, kết nối tiêu thụ và hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn” - ông Lâm đánh giá.

Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp cấp xã do 1 lãnh đạo UBND cấp xã làm Tổ trưởng (Tổ phó do UBND cấp xã quyết định), thành viên là 4 cán bộ nông nghiệp cấp xã (trồng trọt và bảo vệ thực vật; khuyến nông; chăn nuôi thú y; thủy sản), 1 cán bộ Hội Nông dân xã, 1-2 nhân viên Tập đoàn Lộc Trời. Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp cấp xã đảm nhận nhiều vai trò, như: Tổ chức lại sản xuất; hỗ trợ xây dựng phương án tiêu thụ; tư vấn kỹ thuật hỗ trợ người sản xuất…

Trong đó, đặc biệt nhất là vai trò kết nối doanh nghiệp (DN) với nông dân. Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp là cầu nối liên kết, mời gọi DN tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản thông qua các tổ chức nông dân, các đoàn thể, tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX); mời gọi DN tham gia thành lập THT, HTX, thúc đẩy các THT, HTX phát triển bền vững bằng việc xây dựng kế hoạch sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản.

Nhờ kết nối của các Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp cấp xã, lúa được hỗ trợ tiêu thụ tốt

Qua cập nhật kịp thời về tiến độ thu hoạch, dự kiến địa điểm, thời gian thu hoạch, giống lúa, nhu cầu tiêu thụ… các Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp cấp xã đã nhanh chóng cung cấp thông tin về Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp cấp huyện, tỉnh để chỉ đạo, điều hành linh hoạt; cung cấp thông tin cho DN (đặc biệt là Tập đoàn Lộc Trời) để sắp xếp đội thu hoạch, phương tiện thu mua. Nhờ vậy, dù ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, toàn bộ diện tích lúa hè thu đều được thu hoạch, tiêu thụ hết. Nhiều mặt hàng thủy sản, trái cây, rau màu, trứng gia cầm… cũng được kết nối tiêu thụ thông qua Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp cấp xã, huyện, tỉnh và Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT.

Tiếp tục duy trì, phát triển

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, qua thực tế và hiệu quả hoạt động, tỉnh tiếp tục phát huy vai trò của các Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp nhằm thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh COVID-19 và kể cả khi dịch bệnh được kiểm soát. Trong đó, tăng cường tuyên truyền cho nông dân, tổ chức, cá nhân biết được vai trò của Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp cấp tỉnh, huyện, nhất là cấp xã trong việc hỗ trợ nông dân, HTX, DN xây dựng chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp, kết nối tiêu thụ nông sản; thông báo đường dây nóng của tổ để nắm bắt thông tin cần hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Về lâu dài, tỉnh chú trọng xây dựng và ban hành quy chế, phân công cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ của từng thành viên trong tổ; thiết lập hệ thống thông tin liên lạc, trao đổi, đối thoại (qua nhiều kênh), như: Thông tin trao đổi trong nội bộ tổ; thiết lập thông tin kết nối tổ cấp huyện - tổ cấp xã - cấp tỉnh; thiết lập kênh thông tin giữa DN, HTX, THT với tổ cấp xã - cấp huyện và tổ cấp tỉnh - huyện. Mỗi Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp cử 1 cán bộ làm đầu mối liên hệ hoặc 1 thư ký theo dõi, báo cáo hoạt động của tổ. Đồng thời, xem xét đề xuất cơ chế cung cấp thông tin, cơ chế phối hợp, chế độ báo cáo giữa các tổ tỉnh - huyện - xã và kinh phí hoạt động.

UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Công thương, thông qua Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp cấp huyện, xã, tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp; nắm chắc thông tin về tình hình sản xuất, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong khâu thu hoạch, tiêu thụ, vận chuyển nông sản, trước mắt là vụ thu đông 2021, chuẩn bị tốt các điều kiện đảm bảo sản xuất năm 2022 và những năm tiếp theo.

Bên cạnh các nhiệm vụ chung, Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp các cấp còn có vai trò phối hợp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xã, huyện, các sở, ngành liên quan thống nhất tạo điều kiện hoạt động thuận tiện giữa các cấp độ của vùng dịch (xanh, vàng, cam, đỏ) cho nông dân, người tham gia vào chuỗi sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tạo thuận lợi cho nông dân xuống giống, thăm đồng, chăm sóc, thu hoạch; tạo thuận lợi cho DN, thương lái đến liên kết, thu mua, vận chuyển đường bộ, đường thủy; tạo điều kiện lưu thông nông sản, vật tư nông nghiệp thông suốt.

 

NGÔ CHUẨN