Tại sao Mỹ nói Việt Nam là cường quốc nhập khẩu ngô?

22/10/2021 - 08:18

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Việt Nam là nhà nhập khẩu ngô lớn nhất ở Đông Nam Á và dự báo sẽ là nhà nhập khẩu ngô lớn thứ 5 trên toàn cầu vào các năm 2021/2022.

Việt Nam tăng cường nhập khẩu ngô từ Mỹ, Argentina,...

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong những năm qua, Việt Nam đã tăng cường nhập khẩu ngô làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để phục vụ ngành sản xuất thịt đang tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua.

Báo cáo của Bộ NNPTNT cho thấy, 8 tháng năm 2021, Việt Nam nhập khẩu khoảng 14,45 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trị giá 5,22 tỷ USD, tăng 24,3% về số lượng và 47,4 % về giá trị so với cùng kỳ 2020.

Trong đó, Việt Nam nhập nhiều nhất thức ăn chăn nuôi giàu năng lượng với khối lượng lên đến 8,97 triệu tấn, tương ứng 2,35 tỷ USD, tăng 49,4% về số lượng và 89,5% về giá trị so với cùng kỳ 2020.

Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập 5,09 triệu tấn thức ăn giàu đạm đạt 5,09 triệu tấn, tương ứng với 2,27 tỷ USD, giảm 2,6% về số lượng nhưng tăng 28% về giá trị.

Trong những năm qua, Việt Nam đã tăng cường nhập khẩu ngô làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ Mỹ, Argentina, Brazil... Trong ảnh: Dây chuyền chế biến thức ăn chăn nuôi của De Heus. Nguồn: De Heus.

Do nguồn cung khan hiếm, do vận chuyển khó khăn do dịch Covid-19, giá bình quân các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều tăng so với cùng kỳ 2020 từ 16-46%, trong đó tăng mạnh nhất là các nguyên liệu thuộc nhóm ngũ cốc.

Chỉ tính riêng giá ngô đã lên 7.616,7 đồng/kg (tăng 35,1%), khô dầu đậu tương 13.091,0 đồng/kg (tăng 35,5%), DDGS (bã ngô) 8.847 đồng/kg (tăng 46,0%), cám mì 6.716,7 đồng/kg (tăng 32,8%), sắn lát 5.994,4 đồng/kg (tăng 19,2%)...

Do phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nên tại thị trường trong nước, giá hầu hết nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong tháng 9/2021 đều tăng. 

Trong đó, cám mì đạt 7.237,5 đồng/kg (tăng 3,6%); cám gạo chiết ly 5.283,3 đồng/kg (tăng 3,3%); ngô hạt 7.937,5 đồng/kg (tăng 0,5%); khô dầu đậu tương 12.337,5 đồng/kg (tăng 0,6%); bột cá 27.950 đồng/kg (tăng 0,5%)...

Việt Nam từng sản xuất sản lượng ngô khổng lồ. Theo báo cáo của USDA, sản lượng ngô của Việt Nam bắt đầu tăng lên từ những năm 1980, tuy nhiên xu hướng bắt đầu giảm dần từ năm 2015/2016, đồng nghĩa với việc lượng ngô nhập khẩu tăng đột biến.

Thậm chí, ngay cả khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Việt Nam vào cuối năm 2019, lượng ngô nhập khẩu vẫn tăng, có thời điểm, Việt Nam trở thành nhà nhập khẩu ngô lớn nhất của Mỹ. 

Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng nhận định, nhu cầu nhập khẩu ngô và phụ phẩm ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi của Việt Nam tiếp tục tăng cao, với mức gấp ba lần trong vòng 10 năm tới. 

Trong đó ngô chiếm phần lớn, còn lại là lúa mì và lúa mạch thể hiện qua xu hướng trong ngành sản xuất thịt. 

Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước để nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi trong nước. Trong ảnh: Kỹ sư kiểm tra sức khỏe đàn heo tại trang trại của Mavin. Ảnh: Vũ Mưa.

Mở rộng diện tích trồng cây thức ăn chăn nuôi, giảm nhập khẩu từ Mỹ, Brazil...

Là ngành kinh tế, kỹ thuật quan trọng, trong 10 năm gần đây, ngành chăn nuôi Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng rất ấn tượng, bình quân 5-6%/năm. Trong đó ngành gia cầm có sự tăng trương nhanh nhất, đạt bình quân 7-8%/năm về đầu con và 11-12% về sản lượng thịt, trứng.

Làm thế nào để sử dụng hiệu quả nguồn nguyên phụ liệu trong nước, đồng thời phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để phát triển ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi hiệu quả?

Những câu hỏi đó cũng là những nội dung chính sẽ được bàn luận trong buổi Toạ đàm trực tuyến với chủ đề: "Giải pháp phát triển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước, giảm phụ thuộc nhập khẩu" sẽ được tổ chức vào chiều nay, 21/10.

Toạ đàm do Báo NTNN/Dân Việt phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức.

Cùng với sự tăng trưởng của ngành chăn nuôi, ngành sản xuất thức ăn công nghiệp ở Việt Nam cũng đã tăng trưởng ngoạn mục, đạt bình quân 13-15%/năm. Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp.

Tuy nhiên, ngành thức ăn chăn nuôi công nghiệp nước ta vẫn phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước chủ yếu từ nguồn nhập khẩu, năm 2020 Việt Nam cho tới 6 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Trong khi đó, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước, có cả trăm triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp chưa được sử dụng hiệu quả. 

Trong dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp thức ăn chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2025 do Bộ NNPTNT đang xây dựng, một trong những giải pháp để phát triển ngành chế biến thức ăn chăn nuôi hiệu quả, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, Bộ NNPTNT khuyến nghị chính quyền địa phương cần mở rộng diện tích trồng cỏ, cây thức ăn chăn nuôi trong nước, như ngô sinh khối (là cây ngô được thu hoạch ở giai đoạn bắp ngô chín sáp để làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ. 

Đặc biệt cần ưu tiên chuyển đổi nhanh diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả và phần lớn diện tích cây vụ đông ở miền Bắc, miền Trung sang trồng ngô sinh khối làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ; khuyến khích phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê, thỏ gắn với trồng, chế biến cỏ, phụ phẩm công, nông nghiệp làm thức ăn; điều chỉnh cơ cấu các loại vật nuôi hợp lý, giảm tương đối các loại vật nuôi sử dụng nhiều ngũ cốc, như lợn và gia cầm.

Theo Dân Việt