Thăng trầm nghề nuôi cá chép giòn

18/11/2021 - 06:33

 - Phong trào nuôi cá chép, cá chấm giòn phát triển tại khu vực phía Bắc từ những năm 2005, 2006. Thủ phủ của con cá này ở tỉnh Hải Dương. Từ tính hiệu quả, phong trào nhanh chóng lan rộng ra khắp các tỉnh phía Bắc và khu vực miền Nam. Tại ĐBSCL, ngư dân các tỉnh Đồng Tháp, An Giang đã nhanh chóng chuyển từ các loài cá nuôi truyền thống (cá he, mè vinh, điêu hồng) sang nuôi cá chép, chấm giòn và nhiều hộ đã thắng đậm.

Giai đoạn thăng hoa

Ông Nguyễn Văn Khánh (ngư dân xã Bình Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) cho biết, chính yếu tố lợi nhuận từ cá chép giòn mang lại nhiều, rủi ro trong sản xuất ít, thị trường tiêu thụ rộng lớn đã làm cho nhiều ngư dân từ bỏ hẳn các loài cá nuôi truyền thống, như: Cá hú, cá he, mè vinh, điêu hồng… để chuyển sang nuôi cá chép giòn, cá chấm giòn. Thị trường tiêu thụ của loại cá này chủ yếu là nhà hàng, quán ăn, siêu thị, trung tâm thương mại... Một số ngư dân còn liên kết với thương lái, đẩy mạnh xuất cá sang các thị trường nước ngoài, như: Trung Quốc, Campuchia, Lào và nhiều quốc gia khác.

Từ loài cá nuôi mới này, nhiều người ngư dân khá giả lên một cách nhanh chóng. Không chỉ đơn thuần nuôi cá thương phẩm, họ làm thêm khâu cung cấp con giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm cho các ngư dân khác. Từ đó, chuỗi liên kết sản xuất được hình thành, phát triển rộng khắp. Ở phường Long Sơn (TX. Tân Châu) có ông Năm Dũng, ở TP. Long Xuyên có ông Mười Thập. Những ngư dân này được xem là những người tiên phong trong việc đưa con cá chép, cá chấm giòn xâm nhập thị trường An Giang.

Nếu như cá tra nuôi từ 6-8 tháng là xuất hầm, thì cá chép, chấm giòn phải nuôi từ 10-11 tháng mới có thể xuất bè. Để thịt cá được giòn, thơm ngon, người dân phải cho cá ăn hạt đậu tằm. Đây là giống đậu được nhập từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. “Ban đầu, chúng tôi phải mua hạt đậu tằm từ Nga, sau đó chuyển sang Trung Quốc và giờ đây nhập hạt đậu tằm của Úc. Cá chép, cá chấm bản địa hay nhập khẩu, khi ăn hạt đậu tằm, thịt cá từ bình thường chuyển sang giòn, dai và rất thơm ngon, nhất là khi cá được chế biến món nấu mẻ, canh chua, xào lăn …” - ông Lê Văn Dũng (ngư dân phường Long Sơn, TX. Tân Châu) chia sẻ.

Ở tỉnh An Giang, phong trào nuôi cá chép, chấm giòn được hình thành ngay sau khi con giống được du nhập về địa phương. “Vào thời điểm đó, cá chép giòn xuất bán đến tay người tiêu dùng 400.000 đồng/kg, nhưng vẫn không đủ hàng để bán. Tuy là loài cá nuôi mới nhưng lợi nhuận mang lại quá cao, nên nhiều ngư dân đã chuyển sang nuôi. Điều này cũng tương tự như con cá tra cách đây 20 năm, từ đó dẫn đến tình trạng cung vượt cầu và giá cá xuống thấp là điều hiển nhiên. Hiện nay, giá bán chỉ còn 80.000 đồng/kg” - ông Khánh chia sẻ.

Thị trường trầm lắng

Năm 2017, cá chép, chấm giòn, ngư dân xuất bán cho thương lái với mức giá từ 170.000-180.000 đồng/kg, trong khi giá thành nuôi ở mức 80.000 đồng/kg. Đậu tằm được thương lái mang tới bè bán cho ngư dân khoảng 20.000 đồng/kg. Hiện nay, giá của đậu tằm còn 15.000 đồng/kg, trong khi giá cá thương phẩm từ 180.000 đồng rớt xuống còn 80.000 đồng/kg mà không có thương lái đến thu mua.

“Thăng trầm của nghề nuôi cá chấm, cá chép giòn là vậy, lời rất cao và có lúc lỗ rất nặng. Ngư dân chúng tôi không thích như thế, bởi sản xuất mà có quá nhiều rủi ro. Nếu nhà nước quy hoạch từ đầu vào, đến đầu ra thì chúng tôi sẽ làm theo, bởi có nuôi theo quy hoạch thì sẽ ổn định, trong khi nuôi theo phong trào thì rủi ro rất nhiều” - ông Khánh chia sẻ.

Nếu như cá tra phát triển trên địa bàn tỉnh từ những năm 1986 thì không đầy 10 năm sau, phong trào nuôi cá chép, cá chấm giòn trên địa bàn tỉnh phát triển theo. Song, nếu làm cuộc tổng kết “bỏ túi” mới thấy sự thăng trầm của nghề nuôi thủy sản, 55% thu lỗ, 25% lãi, 20% bảo tồn được vốn (vì trúng đậm 1 vụ rồi nghỉ nuôi). Một loại thủy sản ăn thịt rất thơm ngon, người tiêu dùng thế giới rất ưa chuộng như cá tra mà những người tham gia ngành hàng này lại “lên bờ, xuống ruộng”. Rõ ràng, đứng về góc độ quản lý nhà nước, các sở, ngành cần nhanh chóng tìm cho được giải pháp để nghề nuôi cá tra nói riêng, thủy sản nói chung phát triển ổn định và bền vững.

Trở lại đối tượng nuôi là cá chấm, cá chép giòn, đây là một loại thực phẩm ngon, được thị trường nội địa ưa chuộng. Song, trong vòng chưa đầy 10 năm phát triển, ngư dân nuôi loài cá này phải bỏ nghề, chuyển sang nuôi các loài cá khác. “Cá chép, cá chấm không có giá, hiện nay, tôi đang nghiên cứu, chuyển sang nuôi cá dứa, cá sát và các loại cá phù hợp, bởi các loại cá này có thị trường tiêu thụ tốt hơn” - ông Khánh chia sẻ thêm.

Ảnh hưởng từ đại dịch, tất cả các ngành nghề đều gặp khó trong đó có nghề nuôi thủy sản. Hy vọng rồi đây, khi dịch bệnh ổn định, cung - cầu được kết nối trở lại, nghề nuôi cá tra cũng như cá chép, cá chấm giòn sẽ theo đó phát triển trở lại, ngư dân có được cuộc sống ổn định hơn.

“Khi dịch bệnh COVID-19 chưa xảy ra, các loại cá chép, cá chấm giòn vẫn tiêu thụ được, dù bán ít hay nhiều. Khi dịch bệnh xảy ra, thương lái không di chuyển được, người nuôi cá chép giòn không tìm được đầu ra, từ đó cá rớt giá chỉ còn 80.000 đồng/kg, trong khi lúc cao điểm, cá bán được đến 180.000 đồng/kg. Trước thực tế này, chúng tôi đành chuyển sang nuôi đối tượng khác là cá sát, cá dứa nước ngọt để duy trì nghề nghiệp” - ông Nguyễn Văn Khánh chia sẻ.

MINH HIỂN - HÀO NAM