Thu hoạch lúa Hè Thu ở Cần Thơ. Ảnh tư liệu: Thanh Liêm/TTXVN
Thị trường gạo châu Á
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2021 trong bối cảnh các nhà giao dịch chú ý đến nguồn cung mới để đáp ứng nhu cầu gia tăng, trong khi lãi suất mới từ Nhật Bản đã hỗ trợ thị trường Thái Lan.
Giá gạo 5% tấn của Việt Nam được chào bán ở mức 448-453 USD/tấn, tăng nhẹ so với mức 445-450 USD/tấn trong tuần trước. Một nhà giao dịch ở đồng bằng sông Cửu Long cho biết nhu cầu của thị trường vẫn tốt trong khi nguồn cung đang cạn kiệt. Khách mua gạo từ Trung Quốc và Philippines vẫn quan tâm đến gạo Việt Nam ngay cả khi Pakistan chào bán giá gạo rẻ hơn. Nhà giao dịch này cho biết thêm sản lượng và chất lượng gạo vụ Đông-Xuân tới sẽ tốt hơn so với vụ Hè-Thu.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán ở mức 425- 457 USD/tấn trong ngày 15/12, tăng so với mức 444 USD/tấn của tuần trước. Một nhà giao dịch tại Bangkok cho biết Indonesia đã đặt hàng trăm nghìn tấn gạo và nhiều nhà xuất khẩu đang cố gắng hoàn thành thỏa thuận này trước cuối năm nên giá đã tăng.
Một thương nhân khác cho biết Nhật Bản cũng có nhu cầu mua gạo, với đơn đặt hàng khoảng 20.000 tấn gạo trong tuần này, dự kiến sẽ được hoàn thành vào tháng 3/2022.
Đồng baht mạnh lên cũng giúp hỗ trợ giá gạo, trong khi tình hình nguồn cung vẫn không đổi.
Giá gạo đồ 5% tấm của nhà xuất khẩu gạo hàng đầu Ấn Độ được giao dịch ở mức 373-378 USD/tấn, không đổi so với tuần trước đó.
Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada ở bang miền nam Andhra Pradesh cho biết nguồn cung từ vụ mùa mới đang tăng, nhưng hoạt động thu mua mạnh của chính phủ đang hỗ trợ thị trường.
Theo số liệu từ Bộ Lương thực, kế hoạch nhập khẩu gạo tư nhân của Bangladesh gặp trở ngại khi chỉ mua được 360.000 tấn kể từ tháng 7/2022, sau khi chính phủ cho phép các thương nhân tư nhân nhập khẩu gần 1,5 triệu tấn.
Thị trường nông sản Mỹ
Trong phiên giao dịch 16/12, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago, Mỹ (CBOT) giao dịch ngược chiều nhau, trong đó giá ngô và lúa mỳ giảm, còn giá đậu tương tăng.
Cụ thể, giá ngô giao tháng 3/2023 giảm 0,5 xu Mỹ (0,08%) xuống 6,53 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 3/2023 giảm 3,75 xu Mỹ (0,5%) xuống 7,535 USD/bushel. Còn giá đậu tương tháng 1/2023 tăng 6,5 xu Mỹ (0,44%) lên 14,8 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Đợt mưa gần đây ở khu vực miền Bắc và miền Trung Brazil đang tạo điều kiện thuận lợi cho mùa màng, ước tính sản lượng đậu tương sẽ đạt mức kỷ lục. Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago nhận thấy giá lúa mỳ có thể được giao dịch trong khoảng từ 7,2-8 USD/bushel, trong khi đậu tương sẽ phải vật lộn để vượt qua ngưỡng 15 USD/bushel và giá ngô giao tháng 3/2023 vào khoảng 6,6 USD/bushel.
Cơ quan Thống kê Liên bang Nga (Rosstat) cho biết dự trữ ngũ cốc của Nga tính đến ngày 1/12 là 39,4 triệu tấn, tăng 10 triệu tấn hay 34% so với năm ngoái. Dự trữ lúa mỳ của Nga vào ngày 1/12 được chốt ở mức 25,6 triệu tấn, tăng 8,8 triệu tấn so với năm 2021; và dự trữ ngô ở mức 3,3 triệu tấn, giảm 1,3 triệu tấn.
Dự kiến tiến độ thu hoạch vụ ngô năm 2022 của Ukraine sẽ chậm trễ do thiếu thiết bị thu hoạch, thời tiết xấu và mất điện.
Dự báo thời tiết khu vực phía Nam Brazil cho thấy sẽ có mưa rào vào cuối ngày thứ Hai và thứ Ba. Khu vực phía Tây Argentina cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi mưa gió trong 6-10 ngày.
Thị trường cà phê thế giới
Ảnh minh họa: TTXVN
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều sụt giảm. Giá cà phê Robusta giao tháng 1/2023 giảm 13 USD xuống 1.933 USD/tấn và giá cà phê Robusta giao tháng 3/2023 giảm 12 USD xuống 1.866 USD/tấn. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng giảm. Giá cà phê Arabica giao tháng 3/2023 giảm 7,35 xu Mỹ xuống 164,40 xu Mỹ/lb và giá cà phê Arabica giao tháng 5/2023 giảm 7,05 xu Mỹ xuống 164,60 xu Mỹ/lb (1 lb=0,45 kg). Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 200 đồng, xuống dao động trong khung 41.000 – 41.500 đồng/kg.
Các thị trường cà phê kỳ hạn tiếp tục biến động với hai xu hướng khác biệt, giảm mạnh ở New York và giảm tương đối nhẹ tại London. Báo cáo tồn kho của Hiệp hội Cà phê Hạt (GCA) cho thấy nguồn dự trữ tại khu vực Bắc Mỹ vẫn dồi dào khi tăng thêm 1,1% so với tháng trước, lên ở mức 6,39 triêu bao tính đến cuối tháng 11 và tồn kho Arabica do ICE quản lý đã tăng lên mức cao 5 tháng sau khi về đứng ở mức thấp 23 năm.
Trong khi đó, tồn kho Robusta của ICE tại London tiếp tục giảm xuống mức thấp 5 năm rưỡi đã đẩy giá kỳ hạn giao ngay chênh lệch tới 67 USD/tấn so với kỳ hạn giao gần nhất là điều hiếm khi xảy ra trên bảng giá điện tử. Điều này chứng tỏ nhu cầu Robusta giao ngay hiện khá căng thẳng đã hỗ trợ giá kỳ hạn sàn London biến động theo cách riêng của mình mà không tương tác với Arabica sàn New York như thường thấy.
Theo TTXVN