Thích nghi với giai đoạn dịch bệnh

17/08/2021 - 06:50

 - “Ở nhà” - nghe thật đơn giản, nhưng cũng không dễ dàng. Sự hối hả của cuộc sống thường nhật tưởng chừng không thể thay đổi thì nay đã phải nhường chỗ cho những nguyên tắc để bảo vệ sức khỏe chung của cộng đồng. Nhịp sống trong tình hình dịch bệnh bắt buộc người dân phải thay đổi thói quen để thích nghi với tình hình mới.

Lan tỏa những việc làm tích cực trong thời gian giãn cách xã hội

Thay đổi lối sống

Phần lớn người dân tạm dừng công việc hoặc chuyển sang làm việc tại nhà, hạn chế ra ngoài, trừ những lúc thật sự cần thiết. Đường sá vắng vẻ hơn do giãn cách xã hội. Các phương thức bán hàng mới được khai thác tối đa để tiếp cận được với khách hàng và duy trì hoạt động kinh doanh. Những người quen với lối sống năng động, thường xuyên di chuyển nay phải sắp xếp mọi việc tại chỗ. Dù khó khăn, nhưng bằng cách này hay cách khác đã thích nghi với cuộc sống thời dịch bệnh.

Chị Ngô Thị Mỹ Hằng (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) bày tỏ: “Ngay chuyện mua thực phẩm cũng là cả vấn đề, khi phải chia đơn hàng mua ở siêu thị, chợ truyền thống, sắp xếp ngày, giờ. Lúc này không phải là lúc để ăn ngon, tận hưởng, nên dù nhiều mặt hàng không mua được tôi vẫn cố gắng cân đối bữa ăn cho gia đình. Hàng quán tạm dừng phục vụ thì ở nhà tự chuẩn bị bữa sáng, học thêm các món kem, bánh, chè cho con cháu ăn đỡ buồn”.

Chị Nguyễn Kim Quyên (công nhân ngành may mặc) cho biết, do công ty không thể tổ chức phương án sản xuất “3 tại chỗ” nên thời gian này chị tạm nghỉ việc về quê ở huyện Châu Thành, được công ty giải quyết một phần lương. Dù giảm thu nhập, chị vẫn thấy an lòng vì được ở bên gia đình, hàng ngày theo các cháu nhỏ ra vườn hái rau đồng, xem như “tự thưởng” vài ngày nghỉ ngơi, chờ tình hình ổn định trở lại để đi làm.

Còn anh Bùi Thanh Tiến (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Tôi thấy mấy câu “khẩu hiệu” miễn tiếp khách được lan truyền trên mạng vừa tế nhị, vừa vui nên bắt chước in ra treo trước nhà. Ở quê, bà con chòm xóm thích gần gũi nói chuyện. Mới đầu có vài người khó chịu về việc miễn tiếp khách, nhưng giờ ai cũng thấy cần thiết nên vui vẻ cả làng”.

Thứ kết nối thiết thực giữa mọi người với nhau lúc này có lẽ là mạng xã hội, không chỉ để biết thông tin về nhau mà còn lan tỏa năng lượng tích cực. Khi đã tìm được sự cân bằng cho bản thân, ai cũng tranh thủ khoe về cuộc sống ở nhà: trồng thêm nhiều rau vào những chậu hoa kiểng, sáng tạo muôn kiểu tóc cho con cái, tiết kiệm nhiều tiền nhờ bớt chi tiêu ăn hàng, tiệc nhậu…

Kết nối cộng đồng

Gần 1 tháng nay, anh Nguyễn Nhật Hà (TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) nhận nhiệm vụ ở nhà chăm con và nội trợ để vợ yên tâm làm tròn nhiệm vụ tình nguyện viên ở chốt kiểm soát dịch trong xã. “Có hôm đến 20 giờ mọi người còn miệt mài với công việc. Cao điểm đến đợt lấy mẫu xét nghiệm, ai cũng “giấu” mình qua bộ đồ bảo hộ, không nhận ra người nhà nữa, càng lo lắng tôi càng cảm phục tấm lòng của những người đang hy sinh cho nhiệm vụ chung, vì cộng đồng. Nhờ họ, mỗi người chúng ta ý thức, trách nhiệm hơn, đóng góp ít hay nhiều trong lúc này càng tốt, còn không thì ở nhà thôi là đủ rồi” - anh Hà tâm sự.

Do không thể trực tiếp đi làm từ thiện như trước, chị Trần Thị Kim Châu (TP. Long Xuyên) chuyển sang đóng góp kinh phí ủng hộ mua nông sản của nông dân. Theo dõi hoạt động của các đoàn thể địa phương, mỗi tuần chị dành ít nhất 1 triệu đồng để mua nông sản và nhờ bưu điện hoặc đoàn viên ở địa phương vận chuyển đến chốt kiểm soát dịch, các chuyến xe chở nông sản giúp đỡ người nghèo các tỉnh lân cận.

Chị Châu cho biết: “Mỗi đợt ủng hộ, các bạn đoàn viên chụp ảnh gửi lại, thông báo bắp, khoai mì, rau, củ… thu hoạch được đều ngon, chất lượng. Thấy nụ cười của người dân qua hình ảnh các bạn gửi, tôi vui lắm. Cảm ơn những người tình nguyện bỏ công sức giúp mình làm được việc ý nghĩa trong thời gian này”.

“Tết COVID” là cách mọi người gọi vui về những ngày giãn cách xã hội. Và “Tết” cũng không thiếu những món ăn quen thuộc, như: thịt kho, cải chua, củ kiệu ngâm, bánh tét… Tuy nhiên, không chỉ sử dụng cho gia đình, phần lớn các món này được người dân, đoàn thể chuẩn bị để gửi đến chốt kiểm dịch và những chuyến xe gửi lên hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Long An…

Những ngày qua, ngoài việc thu gom nông sản do người dân khắp nơi gửi tặng, Hội Liên hiệp Phụ nữ ở huyện Thoại Sơn và huyện Phú Tân đã tổ chức gói hàng ngàn đòn bánh tét tặng người dân khó khăn ngoài tỉnh, vì đây là món ăn có thể dự trữ nhiều ngày. Giãn cách xã hội nhưng tình cảm giữa người với người gần gũi hơn bao giờ hết. Hàng loạt cách giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, lao động tự do ở sâu trong từng con hẻm, dãy nhà trọ… để không ai phải lo thiếu ăn. Mô hình và cách làm tuy có khác nhau nhưng chung một tấm lòng san sẻ, đùm bọc dành cho người yếu thế được các địa phương phát động rộng rãi.

Vượt qua những bất tiện do thực hiện giãn cách xã hội, người dân dần thích nghi, “biến” những bất tiện thành cơ hội để gắn kết gia đình, chia sẻ với xã hội, thể hiện một phần trách nhiệm trong chống dịch COVID-19. Sự quan tâm, chia sẻ cùng nhau kịp thời đã giúp người dân không còn tâm lý quá căng thẳng như những ngày đầu giãn cách. Trong trạng thái bình thường mới, chúng ta chấp nhận “sống chung với COVID” nhưng không quên đề cao cảnh giác phòng, chống dịch mọi lúc, mọi nơi.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích