Thúc đẩy sản xuất vụ Đông để tận dụng cơ hội thị trường

19/11/2021 - 14:46

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện trên thị trường giá các loại rau khá tốt nên đây là động lực để các địa phương phía Bắc thúc đẩy phát triển cây vụ Đông.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương kiểm tra vùng trồng rau xuất khẩu tại thị xã Kinh Môn. Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN

Vụ Đông 2021 được đánh giá là năm lạnh sớm do vậy cần có giải pháp cụ thể cho từng chủng loại nhóm cây. Hiện thời vụ gieo trồng cây vụ Đông ưa ấm đã kết thúc. Các địa phương cần điều chỉnh và mở rộng diện tích cây vụ Đông ưa lạnh; tận dụng tối đa điều kiện đất đai, nhân lực, đẩy nhanh tiến độ gieo trồng các loại rau ăn lá, khoai tây...

Giá rau đang ở mức cao, có thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, do vậy các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo gieo trồng cây vụ Đông đảm bảo kế hoạch. Địa phương đặc biệt ưu tiên mở rộng diện tích các loại cây có hợp đồng tiêu thụ, đầu ra ổn định và cho hiệu quả kinh tế cao; đối với các loại rau ăn lá, hướng dẫn nông dân trồng gối, trồng rải vụ để tránh hiện tượng ế thừa lúc chính vụ làm giảm hiệu quả kinh tế.

Ông Nguyễn Như Cường cho biết, vụ Đông vừa qua diễn ra trong điều kiện thời tiết không thuận lợi. Trong tháng 10, hầu hết các địa phương miền Bắc bị mưa kéo dài. Một số diện tích phải trồng lại, việc làm đất trồng lại cũng rất khó khăn. Các địa phương có giải pháp phục hồi sản xuất và sớm trồng lại diện tích bị thiệt hại; tranh thủ thời gian làm đất; trồng các loại giống rau ngắn ngày. Các địa phương cần có giải pháp cụ thể, để đáp ứng nhu cầu về rau, đặc biệt là giống rau ngắn ngày, rau ưa lạnh để làm sao đủ nguồn hàng cung ứng cho người dân. 

Theo Cục Trồng trọt, với khoai tây vụ Đông Xuân, khoai tây vụ Xuân làm giống có thể trồng đến cuối tháng 12, vì vậy các địa phương có thể điều chỉnh theo hướng tăng diện tích, nhất là khoai tây chất lượng, phục vụ chế biến, có thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, cần cân đối các nguồn giống và có kế hoạch nhập khẩu đủ lượng giống phục vụ nhu cầu sản xuất; tăng cường kiểm tra và giám sát chặt chẽ chất lượng giống khoai tây.

Đối với diện tích rau trên đất chuyên màu đã thu hoạch cần tập trung chỉ đạo nông dân khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, làm đất và chuẩn bị đủ hạt giống rau, gieo trồng gối vụ trên diện tích mới thu hoạch càng sớm, càng tốt để có đủ lượng rau cung cấp cho thị trường, nhất là dịp Tết Nguyên Đán.

Các địa phương thúc đẩy sản xuất rau an toàn theo VietGAP, tìm kiếm thị trường tiêu thụ rau an toàn để xây dựng vùng sản xuất hàng hoá ổn định, tăng hiệu quả kinh tế cho vùng sản xuất rau an toàn và khuyến cáo mở rộng diện tích.

Theo ông Nguyễn Như Cường, dịch COVID-19 có tình trạng gia tăng ở một vài địa phương. Tuy nhiên, dịch đã xuất hiện 2 năm nên nông dân cũng như nhiều địa phương cũng đã có cách thích ứng. Các địa phương cũng xác định rằng, dịch cũng tác động xấu đến trồng trọt từ nguồn giống, vật tư sản xuất, vận chuyển lưu thông, nguồn lực, thu hoạch, lưu thông hàng hóa… Nhiều địa phương cũng đã có các kịch bản cho các tình huống cụ thể để đảm bảo sản xuất trồng trọt.  Về cơ bản, cuối năm nếu không có thời tiết rất bất thường, nghiêm trọng thì nguồn cung rau được đảm bảo.

Hầu hết các địa phương đều đã xác định vụ Đông là vụ chính, sản xuất hàng hóa chính với sản phẩm đa dạng, có thị trường tiêu thụ và mang lại giá trị thu nhập cao cho nông dân.

Theo BÍCH HỒNG (Báo Tin Tức)