Tiếp thị xã hội và xã hội hóa cung cấp các phương tiện tránh thai

08/09/2022 - 07:00

 - Đó là Đề án mà Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh An Giang vừa thực hiện thành công. Qua đó, đáp ứng một phần nhu cầu của người dân theo phương thức xã hội hóa phương tiện tránh thai, tạo sự chuyển đổi nhận thức từ bao cấp đến xu hướng xã hội hóa về công tác dân số - KHHGĐ.

Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh An Giang Văn Kim An cho biết: “Đề án tiếp thị xã hội và xã hội hóa cung cấp các phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/sức khỏe sinh sản (SKSS) tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2021 được triển khai toàn tỉnh. Cán bộ tham gia phụ trách đề án từ tuyến tỉnh đến cơ sở được tập huấn nâng cao năng lực về quản lý, phân phối sản phẩm. Đề án góp phần không nhỏ vào hoàn thành chỉ tiêu về dân số - KHHGĐ hàng năm”.

UBND tỉnh, Sở Y tế ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành, phê duyệt và triển khai Đề án. Từ năm 2016-2021, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh hướng dẫn huyện, thị xã, thành phố thực hiện; thành lập Ban Quản lý Đề án xã hội hóa phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS. Phối hợp cơ quan thông tin đại chúng truyền thông về sự cần thiết, lợi ích, hiệu quả trong thực hiện xã hội hóa phương tiện tránh thai, tạo dư luận đồng tình thực hiện đề án.

Tổ chức các hoạt động truyền thông, tư vấn trực tiếp tại cộng đồng

Trong 5 năm, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh An Giang triển khai nhiều hoạt động cụ thể, như: Xây dựng kế hoạch phương tiện tránh thai, đảm bảo an ninh phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS theo phân khúc thị trường. Thí điểm mô hình mua sắm và đảm bảo hậu cần phương tiện tránh thai có chất lượng theo kế hoạch được duyệt. Tổ chức đánh giá khả năng tiếp cận, sự chấp nhận sản phẩm phương tiện tránh thai của người dân. Tổ chức truyền thông, tư vấn trực tiếp tại cộng đồng, cung cấp thông tin, kiến thức; truyền thông sự kiện về tiếp thị xã hội và xã hội hóa phương tiện tránh thai đến các nhóm đối tượng. Truyền thông về một số chủng loại phương tiện tránh thai mới tại địa phương. Triển khai văn bản về công bố quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS.

Đồng thời, triển khai mô hình xã hội hóa cung cấp các phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại cơ sở y tế công lập. Thu thập thông tin về nhu cầu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tư vấn, kỹ thuật dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại cơ sở y tế ngoài công lập. Phối hợp tổ chức 6 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý và phân phối sản phẩm cho cán bộ tuyến tỉnh, huyện, xã…

Ngoài ra, hàng năm Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh An Giang còn tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý, phân phối sản phẩm, kỹ năng tư vấn cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS cho cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số mới tuyến cơ sở.

Sau 5 năm, chi cục tiếp nhận, phân phối cho huyện, thị xã, thành phố các phương tiện tránh thai, hàng hóa SKSS/KHHGĐ do Tổng cục Dân số - KHHGĐ cung cấp, gồm: 116.660 sản phẩm xã hội hóa, trị giá gần 650 triệu đồng (thuốc tránh thai, bao cao su, viên sắt, dung dịch vệ sinh); 415.461 sản phẩm tiếp thị xã hội (thuốc tránh thai, bao cao su, vòng tránh thai) trị giá hơn 1 tỷ đồng.

Ông Văn Kim An cho biết: “Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, nhưng đề án vẫn còn tồn tại hạn chế. Việc lãnh, chỉ đạo và triển khai thực hiện ở một số địa phương chưa thường xuyên. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân gặp khó khăn, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chưa xây dựng tốt mạng lưới phân phối theo cơ chế xã hội hóa...”.

Để tiếp tục thực hiện đề án đến năm 2030, tỉnh cần tăng cường theo dõi tiến độ thực hiện chỉ tiêu các phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tiếp thị xã hội và xã hội hóa của trung tâm y tế cấp huyện; chủ động điều chuyển các phương tiện tránh thai tiếp thị xã hội và sản phẩm xã hội hóa cho trung tâm y tế có điều kiện thực hiện tốt chỉ tiêu.

Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển, phân phối phương tiện tránh thai, các sản phẩm tiếp thị xã hội và xã hội hóa tại tuyến huyện, xã. Trung tâm Y tế huyện hàng năm xây dựng kế hoạch thực hiện chỉ tiêu tiếp thị xã hội và xã hội hóa các phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS; mở rộng, đẩy mạnh công tác này đáp ứng nhu cầu sử dụng cho mọi người dân, đạt chỉ tiêu đề ra; xây dựng mạng lưới phân phối theo cơ chế xã hội hóa.

HẠNH CHÂU