Tiêu thụ nông sản thời kỳ “bình thường mới”

23/09/2021 - 07:27

 - Trong tình hình dịch bệnh COVID-19, Việt Nam với gần 100 triệu dân trở thành thị trường chính tiêu thụ nông sản. Nhằm tránh tình trạng “nơi thừa không bán được, nơi thiếu không cung ứng đủ”, việc kết nối nông sản thông suốt với vai trò chủ trì, điều phối của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng các địa phương trong nước là rất cần thiết.

Sáng kiến của An Giang

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, nhờ nỗ lực kết nối, hỗ trợ, hơn 1,3 triệu tấn lúa hè thu của tỉnh đều được thu hoạch, tiêu thụ hết. Nhiều mặt hàng thủy sản, rau củ quả, trái cây được liên kết tiêu thụ trong bối cảnh nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội.

Để thích ứng lâu dài với dịch bệnh, ông Trần Anh Thư đề nghị xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch ứng phó sản xuất với 3 cấp độ dịch bệnh, gồm: nguy cơ cao, rất cao (thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ); nguy cơ (thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg) và bình thường mới (vùng xanh). Tỉnh An Giang đã lên phương án xây dựng mô hình điểm “4 xanh + 1V” trong sản xuất nông nghiệp (vùng sản xuất xanh, sản phẩm xanh, bao bì, đóng gói xanh và thương lái xanh; “1V” là vaccine).

Trên cơ sở danh sách nông dân, người tham gia chuỗi sản xuất nông nghiệp do huyện, thị xã, thành phố gửi về tỉnh (thông qua Sở NN&PTNT), tỉnh sẽ ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho lực lượng này, nhằm tiến tới xây dựng chuỗi sản xuất nông nghiệp an toàn.

Nhiều mặt hàng nông sản của An Giang cần kết nối tiêu thụ

Sáng tạo của An Giang trong hỗ trợ nông dân kết nối và tiêu thụ nông sản là Sở NN&PTNT thành lập Tổ xúc tiến thương mại và tiêu thụ nông sản; tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ phản ứng nhanh và bộ phận giúp việc hỗ trợ tiêu thụ và lưu thông nông sản trong tình hình dịch COVID-19.

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, đến nay, toàn tỉnh thành lập 161 tổ phản ứng nhanh nông nghiệp (1 cấp tỉnh, 11 cấp huyện và 149 cấp xã). Trong đó, Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp cấp xã đang phát huy tốt vai trò đầu mối thông tin, điều tiết sản xuất, kết nối tiêu thụ với doanh nghiệp (DN). Các tổ vừa vận hành vừa hoàn thiện, phân công rõ từng mảng công việc cho thành viên, kết nạp thêm chủ nhiệm hợp tác xã, nông dân giỏi, tổ, hội nông dân cùng tham gia vào nhóm Zalo để trao đổi, nắm bắt thông tin. Các tổ còn giữ vai trò là cầu nối giữa nông dân với DN, từng bước kết nối, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, liên kết Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời xây dựng và nhân rộng mô hình “Lộc Trời trồng lúa rải vụ 123”.

Gần đây, thông qua kết nối với Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT, An Giang đã kịp thời tiếp cận thông tin về thị trường tiêu thụ, hỗ trợ người dân tiêu thụ được lượng lớn nông sản, thủy sản, trái cây, trứng gia cầm. Đồng thời, cung ứng hơn 4.000 combo hàng hóa kết nối tiêu thụ; hỗ trợ 13 hợp tác xã đăng ký danh sách đầu mối cung ứng nông sản phía Nam cho TP. Hồ Chí Minh; hỗ trợ 5 đơn vị đăng ký 19 loại combo nông sản kết nối cung ứng đến TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương…

Nhiều cơ hội thị trường

TP. Hồ Chí Minh là một trong những thị trường trọng điểm tiêu thụ nông sản, lương thực, thực phẩm của khu vực phía Nam, đặc biệt là ĐBSCL. Sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội, TP. Hồ Chí Minh đang chuẩn bị điều kiện phục hồi sản xuất - kinh doanh, mở cửa thị trường, đưa cuộc sống người dân trở lại trạng thái bình thường mới. Đây được xem là cơ hội cho các tỉnh đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ nông sản.

Chủ tịch Hiệp hội Lương thực - Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh Lý Kim Chi cho biết, trong thời gian tới, nhịp độ hoạt động của DN thành viên khoảng 50% và sẽ tăng liên tục. Chế biến lương thực, thực phẩm là ngành hàng được ưu tiên tạo mọi điều kiện sản xuất để có đủ mặt hàng phục vụ nhân dân. “Chúng tôi chuẩn bị gần như cơ bản việc tiêm 2 mũi vaccine để tham gia sản xuất trong thời gian tới. Chúng tôi cần Tổ công tác 970 và các địa phương hỗ trợ kết nối hàng hóa để đáp ứng nhu cầu gia tăng sản xuất” - bà Chi khẳng định.

Trong khi đó, Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền (TP. Hồ Chí Minh) Phan Thành Tân cho biết, đơn vị này đã xây dựng phương án bán hàng đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, gồm 3 giai đoạn. Ban đầu là tập kết, trung chuyển hàng hóa với 20 thương nhân. Giai đoạn 2 là 30% thương nhân trong chợ (trong tổng số 1.800 thương nhân, nghĩa là có 600 thương nhân tham gia). Giai đoạn 3 là mở lại bình thường sau khi dịch được kiểm soát.

“Sau khi khảo sát 2 điểm chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền, tôi đã có ý kiến chính thức với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc hệ thống siêu thị chỉ đáp ứng một phần, cần mở lại chợ đầu mối để tiêu thụ tốt nông sản, thực phẩm. Lãnh đạo Chính phủ đồng ý mở 2 điểm tập kết, trung chuyển. Vai trò của chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn là rất quan trọng” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Tổ trưởng Tổ công tác 970 phía Nam Trần Thanh Nam thông tin.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH TMDV XNK Vina T&T (TP. Hồ Chí Minh) Nguyễn Đình Tùng cho biết, nhờ sự hỗ trợ của Tổ công tác 970, DN đảm bảo được chuỗi cung ứng và hoạt động tương đối tốt trong điều kiện giãn cách xã hội. Thời gian qua, Vina T&T đã thu mua lượng lớn trái cây ở vùng ĐBSCL. Đây là điều kiện tốt để DN phục hồi sản xuất, liên kết tiêu thụ nông sản khi TP. Hồ Chí Minh trở lại trạng thái bình thường mới.

Theo nhiều DN, hiện đang có sự đứt gãy liên kết giữa siêu thị và hợp tác xã, nông dân vùng ĐBSCL. Do vậy, các tỉnh cần xây dựng cơ chế để kết nối, vận chuyển mặt hàng lương thực, thực phẩm, nông sản, đảm bảo nguồn cung đến TP. Hồ Chí Minh, bao gồm cả siêu thị, chợ đầu mối, cung ứng gói combo thông qua Tổ công tác 970 và giao dịch thương mại điện tử.

 

NGÔ CHUẨN