Tri Tôn khai thác thế mạnh nông nghiệp

28/01/2021 - 06:22

 - Lê Trì là một xã miền núi, dân tộc còn nhiều khó khăn của huyện Tri Tôn. Tuy nhiên, chính diện tích đất nông nghiệp trên núi Dài lại là lợi thế để địa phương phát triển những loại trái cây sạch, đặc thù, gắn với phát triển du lịch (DL), như: xoài, sầu riêng, bơ, dâu…

Hợp tác trồng đặc sản

Nằm khiêm tốn dưới chân núi Dài nhưng những năm gần đây, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp và trồng xoài VietGAP Bến Bà Chi (gọi tắt là HTX Bến Bà Chi) được nhiều doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng biết đến. Từ vùng đất trồng mì kém hiệu quả trước đây, những nông dân miền núi đã cùng nhau xây dựng tổ hợp tác, rồi HTX Bến Bà Chi, từng bước khắc phục khó khăn về nguồn nước tưới, kỹ thuật chăm sóc để tạo ra vùng nguyên liệu xoài rộng đến cả trăm ha, trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, ngày càng khẳng định uy tín và thương hiệu sản phẩm.

Giám đốc HTX Bến Bà Chi Bùi Văn Quý cho biết, HTX đang liên kết với Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp để xây dựng vùng nguyên liệu xoài cát Hòa Lộc đạt tiêu chuẩn VietGAP, được DN ký hợp đồng thu mua để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Từ 54ha xoài hiện tại, HTX mở rộng diện tích lên trên 100ha, tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và liên kết đầu ra ổn định.

Việc phát triển HTX Bến Bà Chi là điển hình cho chuyển đổi nông nghiệp hiệu quả của xã Lê Trì. Sắp tới đây, khi hồ chứa nước núi Dài 2 (rộng khoảng 27ha) được xây dựng, nông dân vùng núi Lê Trì càng có điều kiện phát triển sản xuất, triển khai trồng thêm những loại cây ăn trái cho giá trị cao, như: sầu riêng, bơ… gắn với phát triển các mô hình DL sinh thái. “Khám phá vùng núi, vào tham quan vườn xoài, bơ, sầu riêng, dâu, tự tay hái trái thưởng thức tại chỗ và mua về làm quà sẽ là trải nghiệm thú vị cho du khách. Đặc biệt, trái cây trồng trên núi Dài vừa đảm bảo tiêu chuẩn sạch, an toàn và chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng” - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tri Tôn Trần Văn Mì thông tin.

Giám đốc Hợp tác xã Bến Bà Chi Bùi Văn Quý trao đổi về định hướng phát triển

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lê Trì Sa Vu Thy cho biết, với điều kiện vừa có đồng bằng, vừa có đất núi, địa phương xác định nông nghiệp là lợi thế phát triển. Giai đoạn 2015-2020, tổng diện tích gieo trồng của xã Lê Trì đạt 22.315ha, hệ số sử dụng đất 2,26 lần, giá trị sản xuất đạt 32,5 triệu đồng/ha. Địa phương đã tích cực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích 2.141ha; xây dựng hoàn chỉnh trạm bơm điện phục vụ 4.103ha. Đến nay, có 17 nông dân xã Lê Trì đủ điều kiện lên doanh nhân nông thôn (tổng doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm). Riêng tại khu vực Bến Bà Chi, có 70ha đang triển khai tốt mô hình “chuyển đổi diện tích đất vùng cao sang trồng cây ăn trái có hiệu quả, mang tính bền vững”.

Tiếp tục phát huy

Ông Sa Vu Thy cho biết, lợi thế của xã Lê Trì là có địa hình đa dạng để chuyển dịch vùng đất triền núi sản xuất lúa không hiệu quả sang làm kinh tế vườn, cho giá trị cao hơn. “Xã Lê Trì tiếp tục phát huy lợi thế về địa hình, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch vùng đất triền núi sản xuất lúa không hiệu quả sang làm kinh tế vườn, hình thành các vùng sản xuất rau màu, cây dược liệu và cây ăn trái tập trung, tạo nền tảng phát triển nông nghiệp, thương mại, dịch vụ và DL sinh thái vườn gắn hồ núi Dài 2, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn” - ông Thy nhấn mạnh.

Thời gian tới, Lê Trì sẽ nhân rộng diện tích HTX Bến Bà Chi, phát triển thêm các loại cây ăn trái có hiệu quả, như: xoài, bơ, sầu riêng... Song song đó, kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở khu vực Núi Dài 2, phát triển thành khu DL hấp dẫn dưới chân núi Dài, tạo điểm tham quan mới lạ để thu hút ngày càng nhiều du khách đến với Lê Trì. Từ đó, tạo điều kiện cho bà con mở các dịch vụ để phục vụ nhu cầu ăn uống, giải khát, bán hàng lưu niệm...

Ông Thy cho biết, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Lê Trì sẽ tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa kém hiệu quả sang rau màu, cây ăn trái dựa trên định hướng, quy hoạch của huyện Tri Tôn. Đồng thời, xác định các sản phẩm chủ lực của địa phương, trong đó phân định cụ thể sản phẩm nào ưu tiên phát triển trước để tập trung nguồn lực đầu tư đúng mức, tăng cường nguồn lực xã hội cùng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao…

Giai đoạn 2021-2025, cùng với tái cơ cấu nông nghiệp, xã Lê Trì còn tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực, nhận thức cho người dân và đội ngũ cán bộ phụ trách lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, tạo ra được nền tảng khoa học - công nghệ, đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa các bên liên quan trong phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

 

NGÔ CHUẨN