Trồng nấm rơm công nghệ mới

18/10/2021 - 05:10

 - Nghề trồng nấm rơm khá quen thuộc ở nhiều địa phương, xuất hiện theo mùa vụ nhờ tận dụng phụ phẩm từ nông nghiệp là nguồn rơm. Tuy nhiên, thay vì sản xuất theo vụ, vợ chồng chị Nguyễn Hoàng Ngọc Yến và Trần Tấn Tài ở xã Phú Hưng (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) đã học hỏi, thử nghiệm để đưa nấm vào nhà trồng quanh năm. Mô hình không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định, mà sản phẩm nấm đạt năng suất cao hơn, đảm bảo sạch, an toàn.

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nấm rơm được bán chủ yếu tại địa phương, tiêu thụ khoảng 20kg/ngày nên gia đình chị Nguyễn Hoàng Ngọc Yến rất phấn khởi. Chị Yến cho hay, trồng nấm trong nhà đem lại năng suất cao, không bị ảnh hưởng bởi nắng mưa, chủ động được nhiệt độ, ẩm độ giúp nấm phát triển tốt, từ đó cho sản lượng như mong muốn, sản phẩm sạch, chất lượng cao. Mô hình này đã được gia đình thực hiện thành công 1 năm nay, có nhiều kỹ thuật mới so với các hộ trong vùng.

Mấy năm trước, vợ chồng chị Ngọc Yến đi học hỏi về kỹ thuật sản xuất nấm ở nhiều nơi, như: TP. Cần Thơ, tỉnh Long An, Kiên Giang và một số trại nấm trong tỉnh. Đúc kết kinh nghiệm học được, họ về xây dựng cách làm của riêng mình. Trại nấm được thiết kế 135m2 với 3 nhà trồng: 2 nhà trồng theo dạng trụ với 28 trụ/nhà, 1 nhà trồng kết hợp có 14 trụ và 1 kệ. Khác biệt tiếp theo trong kỹ thuật trồng so với truyền thống nông dân thường làm là chị Yến sử dụng tro để phủ bề mặt meo nấm.

“Tro có tác dụng giữ ấm, kích thích tạo quả thể nhanh và đồng đều, sức đề kháng của nấm mạnh, giảm tỷ lệ nấm chết non, giảm chi phí nguyên liệu so với sử dụng bông vải (công nghệ trồng nấm bằng rơm có phối hợp bông vải), từ đó góp phần tăng năng suất. So với trồng nấm rơm ngoài trời, kỹ thuật này cho năng suất cao hơn 2,5 lần, lợi nhuận cao gấp 3 lần do nấm trồng trong nhà chất lượng tốt hơn” - chị Yến chia sẻ.

Nấm rơm được trồng theo công nghệ mới cho năng suất cao và chất lượng

Yếu tố quyết định thành công trong quy trình sản xuất nấm rơm là nguyên liệu rơm mới thu hoạch, không bị nhiễm nấm mốc và tạp chất. Các thành phần khác như meo cũng phải mua từ nơi có uy tín, chất lượng. Anh Tài chia sẻ, đối với nguyên liệu rơm, được thực hiện các bước kỹ càng, sau khi mua về được tưới nước, rải lớp vôi mỏng để làm mềm rơm và thấm đều nước, kế đến xả cuộn và cho vào đống ủ theo chiều rộng 2m, chiều cao 1,5m và chiều dài tối thiểu 1,5m. Sau thời gian ủ 3-4 ngày, tiến hành đảo đống lần 1, đảo từ trong ra ngoài, từ dưới lên trên và ngược lại để rơm được “chín” đều, đồng thời xử lý các mầm nấm dại. Sau 3-4 ngày tiếp theo, tiến hành đảo đống lần 2, ủ thêm 3 ngày là đạt chuẩn để đem chất vào trong nhà. Tùy điều kiện diện tích có thể trồng theo dạng trụ, kệ hoặc liếp.

Trụ nấm (cao 1,2m và đường kính 0,4m) được lót lớp rơm 10cm đến lớp meo nối tiếp, sau cùng là lớp tro khoảng 1-2cm. Sau khi chất xong, nuôi tơ nấm từ 4-5 ngày mới tiến hành tưới xả tơ và đồng thời kích sáng mỗi ngày 2 lần (20-30 phút/lần). “Khoảng 2-3 ngày sau xả tơ thì nấm con xuất hiện, giai đoạn này rất quan trọng, cần đảm bảo nhiệt độ từ 28-32oC, ẩm độ 85-95%, khoảng 3-4 ngày tiếp theo bắt đầu thu hoạch” - anh Tài cho biết.

Nấm tròn, đều, dạng hình trứng được đánh giá là đủ chuẩn để thu hoạch. Sau khi thu hoạch phải làm sạch gốc nấm trên bề mặt mô để tránh nhiễm khuẩn và nhiễm mốc. Mỗi vụ nấm, gia đình thu hoạch được 3 đợt, kéo dài từ 3-4 ngày/đợt với tổng sản lượng khoảng 235kg. Phần giá thể đã trồng nấm xong có thể tận dụng để trồng hoa, trồng rẫy hoặc bán lại cho cơ sở thu mua phân rơm mà không ảnh hưởng đến môi trường.

Việc đưa rơm vào nhà để trồng nấm chất theo dạng kệ, trụ hoặc các dạng chất khác trên cao còn tiết kiệm được lượng rơm chân, giảm hao hụt đáng kể nguyên liệu. Nếu thông thường, chất ngoài trời phải sử dụng ít nhất 100 cuộn rơm cho lần chất, còn cách làm của chị Yến chỉ khoảng 35 cuộn rơm cho 1 nhà trồng. Nhờ có thị trường nên nghề trồng nấm ở huyện Phú Tân ngày càng phát triển mạnh. Riêng xã Phú Hưng có nhiều hộ trồng và hình thành tổ trồng các loại nấm hơn 4 năm nay. Toàn huyện Phú Tân có trên 10 nhà nấm áp dụng kỹ thuật mới đem lại năng suất vượt trội, chất lượng sạch, được thị trường đón nhận.

Mô hình trồng nấm rơm trong nhà được đánh giá khá thích hợp với những hộ không có mặt bằng lớn, dễ thực hiện nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế, cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, những lớp đào tạo nghề trồng nấm còn hạn chế, cần có thêm các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và tạo điều kiện cho nông dân học hỏi, tham quan thực tế để áp dụng hiệu quả ở nông hộ.


MỸ HẠNH