Từng bước phục hồi ngành du lịch hậu COVID-19

01/11/2021 - 05:25

 - Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố đã bắt đầu xây dựng nhiều phương án để đưa ngành du lịch (DL) nội địa trở lại trong điều kiện bình thường mới bắt đầu từ tháng 11-2021. Một số địa phương đã mở lại một số hoạt động tại các khu, điểm DL cho khách nội tỉnh và du khách nội địa đến từ các tỉnh, thành phố đã kiểm soát được dịch COVID-19. An Giang cũng đang dự thảo kế hoạch từng bước mở lại các hoạt động DL theo đúng tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Thời gian qua, ngành DL phối hợp với một số địa phương trong nước  chuẩn bị kế hoạch thí điểm đón khách DL quốc tế đến những điểm đến có nhiều lợi thế, như: tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 1 đã đạt gần 100%, đủ năng lực phòng, chống dịch, điều trị, cũng như có nhiều khu DL biệt lập phù hợp để đón khách an toàn.

Nhiều tỉnh, thành phố đang xem xét cho phép đón khách quốc tế trở lại. Theo đó, bước đầu một số địa phương sẽ thí điểm, dần mở rộng theo từng giai đoạn và từng thị trường quốc tế. Đó là các địa điểm DL nổi tiếng của nước ta, như: TP. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam), TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng)...

Việc cho phép thí điểm hộ chiếu vaccine là tiền đề quan trọng để cứu nguy cho ngành DL và dần thích ứng với tình hình mới, hậu COVID-19. Đây được xem là phương án vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa giúp DL Việt Nam từng bước vực dậy theo quá trình thích ứng với trạng thái bình thường mới.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn của việc tái khởi động lại DL nội địa do tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 có sự chênh lệch giữa các địa phương nên còn có sự thận trọng trong việc tái khởi động DL.

Do đó, để khôi phục lại các hoạt động DL nội địa hiệu quả, cần hoàn thành việc tiêm vaccine đủ 2 mũi cho ít nhất 70% người dân từ 18 tuổi và người lao động trong ngành DL tại các điểm đến; bảo đảm các điều kiện về hạ tầng y tế, nguồn nhân lực phục vụ khách DL; đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để xử lý sự cố phát sinh; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong việc đón khách DL và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Việc triển khai kế hoạch phục hồi ngành du lịch, góp phần vực dậy nền kinh tế của tỉnh

Theo Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Khánh Hiệp, đơn vị đã dự thảo, tham mưu UBND tỉnh kế hoạch phục hồi hoạt động DL An Giang theo điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt trong phòng, chống dịch COVID-19. Với mục đích: “Xác định nội dung cụ thể để từng bước phục hồi hoạt động DL có quy trình kiểm soát, đánh giá an toàn phòng dịch, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) DL trên địa bàn hoạt động trở lại góp phần phục hồi tăng trưởng DL trong tình hình mới”.

Theo đó, ngành DL của tỉnh sẽ rà soát, đánh giá tình hình hoạt động và nguồn lực phục hồi của DN. Trên cơ sở đó, tham mưu đề xuất các biện pháp hỗ trợ DN và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Phục hồi hoạt động kinh doanh của DN DL gắn với kiểm soát chặt chẽ quy trình phòng, chống dịch và điều kiện về môi trường, cơ sở vật chất, nhân lực đảm bảo chất lượng dịch vụ.

Xác định thị trường khách DL để triển khai các giải pháp và lộ trình phục hồi phù hợp với điều kiện của DN và tình hình dịch bệnh tại địa phương. Thị trường khách DL nội địa là trọng tâm phát triển trong bối cảnh dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn. Ưu tiên thu hút khách nội tỉnh trong phạm vi gần điểm đến, dễ dàng di chuyển và cùng yếu tố dịch tễ.

Thị trường khách ngoài tỉnh phụ thuộc vào vaccine và chính sách phòng dịch giữa các tỉnh, thành phố. Tùy theo điều kiện phòng dịch và tình hình dịch bệnh thực tế, tỉnh sẽ từng bước mở rộng đối tượng khách ngoài tỉnh, kết nối một số tỉnh, thành phố thuộc "vùng xanh", với chu trình DL khép kín đảm bảo an toàn cho du khách, địa điểm DL và cộng đồng dân cư.

Đối với thị trường khách DL quốc tế, ngành DL tỉnh chuẩn bị các phương án đón khách theo lộ trình thí điểm và chính thức đón khách quốc tế của Chính phủ, đồng thời nâng cao năng lực đón tiếp và quản lý khách quốc tế của chính quyền địa phương và DN DL. Cùng với đó, triển khai các hoạt động hỗ trợ phục hồi DL, như: xây dựng các chương trình, gói sản phẩm DL an toàn, điểm đến an toàn với tiêu chí, quy trình đảm bảo về phòng dịch; triển khai các hoạt động truyền thông thúc đẩy quá trình tái hoạt động; tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ DN và người lao động tạo nguồn lực phục hồi hoạt động DL.

Đặc biệt, việc triển khai các nhiệm vụ phải dựa trên nguyên tắc bảo đảm an toàn và thích ứng linh hoạt theo diễn biến dịch bệnh. Tạo điều kiện an toàn, thuận lợi cho khách DL, người lao động và cộng đồng dân cư trong hoạt động DL. Phát huy vai trò chủ thể của DN DL, đề cao trách nhiệm quản lý và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong công tác triển khai kế hoạch; kiểm tra, giám sát đảm bảo hoạt động kinh doanh an toàn và kịp thời xử lý khi có tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.

THU THẢO