Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

10/12/2021 - 06:27

 - Sử dụng drone (thiết bị bay không người lái) vài năm gần đây đã trở nên phổ biến, kể cả trong sản xuất nông nghiệp. Riêng đối với sản xuất lúa, drone có thể giảm thất thoát thuốc bảo vệ thực vật khi phun xịt, giúp nông dân giảm chi phí, an toàn hơn trong quá trình sản xuất, nhất là giải quyết bài toán thiếu nhân công lao động thời vụ.

Chi phí đầu tư drone ban đầu khá cao. Tuy nhiên, đánh giá hiệu quả thực tế, nông dân vẫn chấp nhận sử dụng công nghệ này vào đồng ruộng. Điển hình tại Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Phú Thượng (xã Phú Thành, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), thành viên đều biết được lợi ích của việc sử dụng drone. Với những ruộng lúa canh tác từ 5-10ha thì thời gian phun vỏn vẹn từ 20-30 phút. Khi HTX triển khai dịch vụ này, hầu hết nông dân rất phấn khởi. Hình ảnh thiết bị bay lượn dài trên những mảnh ruộng từ ngỡ ngàng, mới lạ trong mắt bà con, giờ đã trở nên quen thuộc và cần thiết. Kéo theo đó, ở vùng quê đã có thêm một nghề mới là lái máy bay phun thuốc dịch vụ. Với chiếc điện thoại điều khiển trên tay và theo dõi drone trên cao, nhà nông đã bớt đi một công đoạn “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Ông Đinh Văn Sang canh tác 9ha lúa chất lượng cao OM18, là một trong số nông dân sử dụng dịch vụ phun thuốc bằng drone. Ông tỏ ra tâm đắc, bởi phun thuốc trên ruộng bây giờ rất khỏe, đến đợt phun xịt thuốc cho lúa, ông chỉ đứng từ xa quan sát, đánh giá và hiệu quả không thua xịt thủ công. Thấy lợi ích này, ông Sang tích cực vận động nông dân sử dụng dịch vụ, đỡ nhọc công cho những lúc tìm lao động thời vụ “đỏ mắt” mà vẫn không có người. “Tính bình quân trên 1 công (1.000m2), chi phí thuê lao động xịt thuốc khoảng 30.000 đồng (2 bình xịt), trong khi sử dụng drone khoảng 18.000 đồng và 1 lần xịt mà thôi, tiết kiệm thấy rõ. Mấy vụ liên tiếp, tôi đều sử dụng drone và ưng bụng lắm” - ông Sang cho biết.

Sử dụng máy bay không người lái phun xịt thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng Hợp tác xã Phú Thượng

Là thành viên của HTX nông nghiệp Phú Thượng, ông Nguyễn Văn Lợi đăng ký mua một chiếc drone trị giá 630 triệu đồng. Trong đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 50% chi phí, còn lại là vốn gia đình. Ông Lợi cho biết, bình quân 1 ngày, drone phun xịt khoảng 5ha, giúp có thu nhập 400.000 đồng. Mỗi vụ, ước tính phun xịt dịch vụ khoảng 300ha, trừ chi phí còn lời 24 triệu đồng. Nguồn thu nhập hiện tại so với chi phí đầu tư drone thì phải hơn 10 vụ nữa mới có thể lấy lại vốn. Tuy nhiên, ông có thể tự phun xịt thuốc cho ruộng nhà và làm dịch vụ lâu dài nên đã mạnh dạn đầu tư.

Ông Lợi cho biết, lúc đầu sử dụng drone rất khó, ngoài ra còn phải để ý điều kiện thời tiết, chọn lúc thuận lợi mới vận hành. “Lợi ích khi phun xịt thuốc bằng drone là giảm số lần và lượng thuốc phun xịt, tiết kiệm chi phí nên tăng thêm lợi nhuận khi sản xuất. Hơn nữa, bà con nông dân không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật, an toàn hơn về mặt sức khỏe. Nông dân trong vùng đều thích thuê drone phun xịt nhiều hơn so với đi tìm lao động chân tay” - ông Lợi chia sẻ.

Lấy ngay thực tế trên ruộng nhà để đối chứng, ông Lợi cho biết canh tác 3ha nếp, một cữ xịt thuốc tốn 900.000 đồng, toàn vụ tốn chi phí 4,5 triệu đồng nếu phải thuê nhân công. Còn hiện nay, sử dụng drone phun xịt đã tiết kiệm được 1,5 triệu đồng mà lượng thuốc đều hơn. Đồng tình với nhận xét này, thay cho việc phải đeo bình thuốc bảo vệ thực vật phun cho từng mảnh ruộng, ông Nguyễn Văn Bợt đã chọn sử dụng dịch vụ drone. Ông Bợt cho biết thêm, sử dụng drone phun xịt giúp tránh được việc trực tiếp đi vào ruộng đạp lún khiến cây lúa hư đổ. Theo kinh nghiệm canh tác, lúa vụ thu đông hoặc hè thu phải xịt thuốc khoảng 4 cữ mới đủ để cây phòng trừ sâu bệnh. Trong khi hiện nay, lao động đều rời địa phương đi làm ăn xa, có thể thay thế sức người được công đoạn nào thì nông dân nhẹ lo phần ấy.

Ở các HTX nông nghiệp, công nghệ máy bay không người lái (drone) phun thuốc bảo vệ thực vật còn được ứng dụng trên cây ăn trái, rau màu, giúp nông dân tăng hiệu quả sản xuất. Mỗi ngày, 1 chiếc drone có thể phun tối đa từ 30-50ha, hiệu quả gấp hàng chục lần so với phương pháp phun xịt thủ công hoặc cơ giới khác. Mọi thao tác đều được tự động hóa giúp công việc của người nông dân trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết.

MỸ HẠNH