Viết lại bài toán mưu sinh thời COVID-19

03/11/2021 - 04:38

 - Đi qua những ngày dịch bệnh bùng phát dữ dội, người lao động không chỉ ảnh hưởng việc làm, thu nhập, đời sống, mà cả cách nhìn về mưu cầu “cơm, áo, gạo, tiền” cũng thay đổi ít nhiều. Đến nay, cả trong và ngoài tỉnh đã khởi động cuộc sống bình thường mới, hàng ngàn người trở về quê đợt vừa qua bắt đầu sắp xếp lại bài toán mưu sinh và tương lai của chính mình. Suy cho cùng, lựa chọn làm ở đâu thì mục đích cuối cùng vẫn là nguyện vọng có được công việc và đồng lương ổn định để đảm bảo cuộc sống.

Quê hương trọn vẹn nghĩa tình

Không chỉ đến thời điểm tỉnh đón công dân ở các vùng dịch trở về, tạo điều kiện chăm lo tốt nhất đối với hàng ngàn lao động về quê tự phát thì người dân mới cảm nhận được nghĩa tình của quê hương. Vào thời điểm dịch bệnh căng thẳng xảy ra ở nhiều địa phương, thì lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân vẫn tích cực vận động thực phẩm, nhu yếu phẩm hỗ trợ cho bà con tỉnh An Giang đang “kẹt” tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.

 Chị Nguyễn Thị Mỹ Chi (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) là một điển hình. Chị Mỹ Chi là đối tượng yếu thế đang mang thai được tỉnh đón về địa phương. Trong thời gian thực hiện cách ly, chị cho biết bản thân và các thai phụ khác được chăm sóc tận tình, bác sĩ hỏi han, chăm chút từng bữa ăn và tư vấn sức khỏe. Nhiều chị một mình mang thai phải đeo mang thêm 1 hoặc 2 đứa con, được tạo điều kiện chỗ ăn ngủ chu đáo và ổn định tâm lý.

Còn chị Phạm Thị Vẹn (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) cho biết, 2 tháng ròng rã gặp khó khăn ở tỉnh Bình Dương vì mất việc, không thu nhập, may mắn là chị và những người cùng cảnh ngộ vẫn còn “cầm cự” được nhờ số quà từ các nhà hảo tâm gửi tặng, trong đó có 3 lần nhận quà của bà con tỉnh An Giang gửi lên. Hòa mình vào dòng người đông đúc để về quê, chị Vẹn xen lẫn nhiều cảm xúc khác nhau. Một lần nữa chị được tạo điều kiện để hoàn thành thời gian cách ly theo quy định trước khi trở về nhà. Từng bữa ăn được chăm lo đầy đủ, gia đình được chính quyền địa phương đến tặng gạo, rau, củ và thông tin một số việc làm để tìm hiểu.

Hỗ trợ tiền cho lao động có hoàn cảnh khó khăn từ các tỉnh trở về quê

Anh Nguyễn Thanh Tùng (huyện Phú Tân) làm công nhân may giày trở về từ tỉnh Bình Dương. Hơn 3 tháng chờ đợi vẫn chưa có thông tin công ty hoạt động trở lại nên anh Tùng quyết định về quê. Thời gian này, anh Tùng được địa phương hỗ trợ gạo và Hội Chữ thập đỏ huyện giúp đỡ 500.000 đồng. Cùng với anh Tùng, toàn huyện Phú Tân có 2.370 lao động được Hội Chữ thập đỏ huyện trao hỗ trợ tiền mặt 1 lần, tổng trị giá 1 tỷ 185 triệu đồng. Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể còn vận động vật chất, lương thực hỗ trợ cho gia đình hoàn cảnh khó khăn, con em của lao động về quê bị ảnh hưởng dịch bệnh.

Trở lại mưu sinh

Ngay sau khi dịch COVID-19 ở các tỉnh dần được kiểm soát, người dân phần lớn là lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà máy, công ty... bắt đầu lên đường trở lại làm việc. Nhiều lao động muốn tìm kiếm việc làm tại địa phương, số khác vẫn quyết định quay trở lại nơi làm việc cũ. Để đảm bảo an sinh xã hội, các sở, ngành của tỉnh phối hợp chính quyền địa phương tổ chức đưa công dân trở lại các tỉnh, thành phố theo nhu cầu. Trước khi khởi hành, lao động được test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, hỗ trợ gạo, mì, tiền mặt và động viên họ tiếp tục tuyên truyền, kêu gọi những người thân cùng trở lại làm việc.

Ngoài số lao động đã và đang được tạo điều kiện làm việc ngoài tỉnh, lao động có nhu cầu làm việc ở các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh cũng có nhiều thông tin để tìm hiểu. UBND tỉnh An Giang đã thông qua các giải pháp phục hồi kinh tế trong điều kiện hiện nay. Đồng thời, thông tin cho các DN, nhất là DN chế biến cá, may mặc, giày dép... rà soát lại quy mô sản xuất và nhu cầu tuyển dụng lao động. DN trong tỉnh phối hợp ngành chức năng, chính quyền địa phương tìm cách thu hút nguồn lao động này để làm việc đáp ứng nhu cầu phục hồi sản xuất và mở rộng quy mô trong năm 2022.

Chị Phan Trúc Hà (huyện Thoại Sơn) cho biết, công ty chị từng làm việc tại tỉnh Bình Dương đã liên hệ với chị để mời trở lại làm việc, với chính sách hỗ trợ và đãi ngộ hấp dẫn. Cụ thể, lao động trở lại sản xuất được đảm bảo vị trí việc làm, mức lương, hỗ trợ tiêm vaccine phòng COVID-19 để lao động yên tâm sản xuất. Hay tin này chị rất mừng và đã sẵn sàng hành trang cùng một số đồng hương lên đường.

Trong khi đó, chị Cao Thị Như Ý chia sẻ: “Nhiều lần gia đình khuyên tôi tìm việc ở quê, nhưng tôi chọn tạm thời làm ngoài tỉnh vì thu nhập cao hơn, có thể dành dụm vốn để phát triển buôn bán nhỏ. Trải qua mấy tháng dịch bệnh, tôi có cơ hội tìm hiểu nhiều hơn các công việc trong tỉnh, so về tổng thu nhập thì thấp hơn, nhưng chế độ, chính sách vẫn đảm bảo an tâm. Tôi có tay nghề may công nghiệp 5 năm nên đã nộp hồ sơ xin việc vào nhà máy giày tại thị trấn Phú Hòa”.

Chị Lê Cẩm Thu (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) cho biết, nguyện vọng lớn nhất của người lao động được ổn định vị trí, đầy đủ quyền lợi và đảm bảo điều kiện lo cho cuộc sống. Đáp ứng những điều trên, người dân ở nông thôn làm việc ở đâu cũng được, đều cùng mục đích lo cho gia đình, góp phần phát triển cho quê hương.

MỸ HẠNH