Việt Nam tăng cường bảo vệ trẻ em trong phòng, chống dịch COVID-19

11/05/2020 - 19:13

Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương đã và đang quyết liệt ngăn chặn và làm chậm tốc độ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19. Các khu cách ly tập trung đã được thiết lập, trong số những người được cách ly có trẻ em và phụ nữ. Trong điều kiện có thể ở mức tối đa, các cơ sở cách ly tập trung đã đáp ứng các nhu cầu an toàn của họ.

Việt Nam tăng cường bảo vệ trẻ em trong phòng, chống dịch COVID-19 (Ảnh minh họa).

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về điều phối việc thực hiện quyền trẻ em và chủ trì công tác bảo vệ trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em (khoản 1 và khoản 5 Điều 82) Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, Tổ chức Liên hiệp quốc về phụ nữ (UN Women) và một số tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động vì quyền trẻ em (Save Children, Child Fund) nhanh chóng biên soạn các tài liệu hướng dẫn an toàn, bảo vệ trẻ em, phụ nữ tại các khu cách ly tập trung. Hơn 50.000 bản in của 2 loại tài liệu bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh đã được Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) chuyển đến tất cả các cơ sở cách ly trong toàn quốc. Hai loại tài liệu này gồm 1 tài liệu dành cho cán bộ quản lý và các nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ chăm sóc những người phải cách ly tập trung theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19. Và 1 tài liệu dành cho chính trẻ em và người chưa thành niên đang được chăm sóc cách ly.

Nội dung tài liệu được biên soạn ngắn gọn, thiết kế sinh động, thân thiện. Các tài liệu này khuyến nghị trong điều kiện có thể ở mức tối đa, các cá nhân ở vị trí quản lý và chăm sóc y tế tại cơ sở cách ly tập trung cần đáp ứng các nhu cầu an toàn của trẻ em và phụ nữ về nơi ở (phòng ngủ, khu vệ sinh, hệ thống kỹ thuật và cơ chế giám sát an toàn); về vệ sinh và dinh dưỡng (nước sạch, chế độ dinh dưỡng, điều kiện cho việc nuôi con bằng sữa mẹ; điều kiện kết nối với các dịch vụ tư vấn online…); về thông tin (công khai thông tin về đội ngũ nhân lực chăm sóc và về các chính sách, chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại khu cách ly, bảo vệ thông tin bí mật đời tư…) và về an toàn khỏi bị bạo lực và xâm hại tình dục (phân công người đầu mối về bảo vệ trẻ em và phụ nữ, các cơ chế, biện pháp phòng ngừa cũng như xử lý kịp thời các nguy cơ, hành vi bạo lực, xâm hại tình dục đối với trẻ em và phụ nữ...).

Ghi nhận của các phương tiện thông tin đại chúng cũng cho thấy đội ngũ phục vụ tại các cơ sở cách ly cũng đã làm tốt trách nhiệm đáp ứng các nhu cầu đặc biệt của trẻ em mà trước đó họ chưa có những trải nghiệm tương tự. Ví dụ: việc chế biến những suất ăn riêng cho trẻ nhỏ hay hỗ trợ việc tổ chức những cuộc kỷ niệm sinh nhật cho trẻ em trong bối cảnh cách ly. Với phương châm hành động trong phòng, chống đại dịch COVID-19 của Chính phủ: “Không một ai bị bỏ lại phía sau” thì đối với phụ nữ và trẻ em, họ không những không bị bỏ lại mà còn được ưu tiên chăm sóc.

Bên cạnh đó, một chiến dịch truyền thông online đã được triển khai để kịp thời hướng dẫn việc giải quyết những vấn đề của trẻ em, cha mẹ và giáo viên trong bối cảnh giãn cách xã hội. Trong khi Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 và Bộ Y tế thành công với việc truyền thông để nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng, chống dịch cho người dân thì Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội và các tổ chức quốc tế cũng đã kịp thời đưa ra những hướng dẫn cụ thể để giải quyết những vấn đề về sang chấn tâm lý và các tác động không mong muốn khác do giãn cách xã hội đối với trẻ em và người chưa thành niên. Một sê-ri sản phẩm truyền thông sử dụng cho môi trường mạng, đặc biệt cho mạng xã hội và các website đã được phổ biến. Hầu hết các sản phẩm này đều thể hiện tính hấp dẫn và thân thiện cả về hình thức thiết kế lẫn nội dung. Đặc biệt hơn, các sản phẩm này có sự kế thừa các tài liệu phổ biến toàn cầu của UNICEF và các tổ chức quốc tế khác nhưng đã được địa phương hóa rất nhanh để chạy đua với diễn biến của dịch bệnh và những vấn đề phát sinh của giãn cách xã hội.

Để phòng ngừa lây nhiễm diện rộng đối với trẻ em, Cục Trẻ em đã ban hành Công văn số 103/TE-CSTE ngày 23-3-2020 chỉ đạo sở lao động - thương binh và xã hội các tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID- 19 liên quan đến các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em và bảo đảm an toàn cho trẻ em trong thời gian dịch bệnh tại địa phương. Trong việc biên soạn, phân phát và quảng bá các sản phẩm truyền thông về bảo vệ trẻ em, phụ nữ trong dịch COVID-19, Cục Trẻ em đã nhận được sự phối hợp, hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính khẩn trương, trách nhiệm của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam (UNICEF, UN Women, Save the Chidren, Child fund, GHAI).

Cục Trẻ em trao đổi thông tin kịp thời với Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên - Bộ Giáo dục và Đào tạo để triển khai chiến dịch truyền thông về bảo đảm an toàn cho trẻ em trong dịch COVID-19. Các hướng dẫn bảo đảm an toàn cho trẻ em tại gia đình, cơ sở trợ giúp trẻ em, cơ sở cách ly tập trung được nhanh chóng đăng tải, bình luận trên các kênh thông tin đại chúng và mạng xã hội.

Thực hiện Quyết định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 thuộc Cục Trẻ em đã chính thức tham gia hỗ trợ tiếp nhận cuộc gọi, giải đáp thông tin về chính sách hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ dành cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đây cũng là một biện pháp công khai, minh bạch chính sách kịp thời của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Từ 1h sáng ngày 1-5-2020 Tổng đài 111 bắt đầu tiếp nhận cuộc gọi, giải đáp và kết nối với các đơn vị, cá nhân khác về thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ. Tính đến 24h ngày 3-5-2020 đã có 35.415 cuộc cuộc gọi đến Tổng đài. Trong đó số cuộc gọi được nhân viên tư vấn Tổng đài tiếp nhận là 9.238 cuộc. Số cuộc gọi được nhân viên tư vấn chuyển đến các bộ phận chức năng là 4.520 cuộc. Người dân gọi đến Tổng đài chủ yếu đang trong độ tuổi lao động từ 25 đến dưới 60 tuổi. Nam giới gọi đến Tổng đài nhiều hơn nữ giới. Họ gọi không chỉ để hỏi về vấn đề của mình mà nhiều người còn hỏi cho người khác hoặc nhiều người khác. Cán bộ xã, phường cũng gọi tới Tổng đài đề nghị hướng dẫn một số nội dung mà họ chưa rõ.

Theo NGÔ KHIÊM (Xây dựng Đảng)

 

Liên kết hữu ích