Vụ mùa cuối năm

08/12/2021 - 06:23

 - Khi dịch bệnh COVID-19 từng bước ổn định, nông dân xứ cù lao Khánh Hòa (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) bắt tay chuẩn bị mùa rẫy cuối năm. Tuy nhiên, họ vẫn còn nhiều trăn trở, bởi những tín hiệu không mấy lạc quan từ thị trường Tết.

Vụ hoa Tết những năm trước đây luôn nhộn nhịp

Đã hơn 15 năm, xứ rẫy Khánh Hòa được biết đến là vùng trồng hoa Tết có tiếng ở huyện Châu Phú và vùng lân cận. Nông dân ở xã cù lao này vẫn hay nói với nhau rằng, vụ hoa Tết là “cứu cánh” của họ để bước sang năm mới, bởi nguồn lợi nhuận xếp vào mức khá. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến cho vụ hoa Tết ở xứ rẫy năm nay kém vui hơn.

Ông Nguyễn Văn Hoàng (nông dân ấp Khánh Phát, xã Khánh Hòa) cho biết: “Năm nào tôi cũng tranh thủ xuống giống hoa bán Tết, để có tiền chi tiêu trong gia đình. Tuy nhiên, nguồn thu đó còn tùy vào thị trường và thời tiết. Những năm tiết trời thuận lợi thì người dân trồng hoa ở Khánh Hòa phấn khởi lắm. Năm nay, tình hình coi bộ không như mọi năm, bởi dịch bệnh còn diễn biễn phức tạp. Tôi xuống giống cúc Tiger theo kiểu cầm chừng, chứ không biết tới Tết có bán ra thị trường được không nữa!”.

Năm nay, ông Hoàng xuống giống 3.000 cây cúc Tiger và sẽ tung ra thị trường hoa Tết. Theo nông dân này, nếu hoa bán chạy như những năm trước thì ông có thể thu lãi hơn 7 triệu đồng/công. Hiện nay, đa số nông dân trồng hoa dài ngày đã xuống giống xong và đang tập trung các công đoạn chăm sóc để đảm bảo thu hoạch vào những ngày cận Tết. Người ta có thể trồng trong chậu và chăm sóc đến ngày thu hoạch hoặc trồng xuống liếp rẫy, đến Tết bứng vào chậu đem bán ngoài chợ. Nếu muốn, người mua có thể đến tận rẫy để chọn cây hoa mình yêu thích rồi bứng vào chậu mang về.

Tùy thời gian sinh trưởng của các loại hoa mà nông dân sẽ xác định thời điểm xuống giống thích hợp. Như cúc Đài Loan, cần đến 4 tháng mới thu hoạch thì phải đặt cây con từ tháng 9 (âm lịch). Nếu là cúc Tiger chỉ cần 3 tháng, nên nông dân sẽ trồng từ đầu tháng 10 (âm lịch). Nói chung, người trồng phải tranh thủ có hoa bán Tết từ ngày 20 cho đến ngày 29 tháng Chạp thì mới đảm bảo nguồn thu. Nếu trễ, họ “canh” cho tới rằm tháng Giêng để bán mới có giá.

Tuy nhiên, diễn biến của dịch bệnh COVID-19 năm nay đã ảnh hưởng đến tính toán của nông dân. Bởi lẽ, thu nhập của người dân giảm cũng đồng nghĩa với việc họ cắt bớt chi tiêu và sẽ không mặn mà lắm với hoa Tết. Dự đoán thị trường, nhiều nông dân trồng hoa năm nay không xuống giống nhiều hoặc chuyển sang canh tác loại khác. Do đó, có thể vụ hoa Tết ở Khánh Hòa năm nay không nhộn nhịp như thường lệ. “Tình hình dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp nên nông dân hạn chế vốn đầu tư, chủ yếu kiếm tiền để chi tiêu cho gia đình trong dịp Tết, chứ không dám nghĩ tới chuyện “vụ mùa bội thu”. Hy vọng thời gian từ đây đến Tết, mọi chuyện sẽ ổn, người dân có thể làm ăn bình thường để tôi kiếm được nguồn thu kha khá cho có khí thế trong mấy ngày đầu năm mới” - ông Hoàng thật lòng.

Ngoài trồng hoa, nông dân Khánh Hòa cũng trồng rau bán Tết, bởi nhu cầu của người dân sẽ tăng cao trong thời điểm này. Tuy nhiên, mặt hàng nông sản này ngoài sự bấp bênh thường có của thị trường thì nay càng thêm khó, do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch, người dân sẽ thắt chặt chi tiêu hơn. Dù vậy, do thời gian canh tác ngắn lại nhẹ vốn, nên người nông dân vẫn cố gắng chuẩn bị cho vụ rau cuối năm.

Ông Trịnh Quốc Bình (nông dân ấp Khánh Mỹ, xã Khánh Hòa) cho hay: “Năm nay, tôi xuống giống 2.000m2 cải thìa, dự tính bán vào dịp Tết Nguyên đán này nhưng không biết có được không. Lúc trước, loại này bán lên thị trường Campuchia mạnh lắm, nhưng năm nay bạn hàng cho biết, thị trường Campuchia “ăn” yếu quá, nên không bán được nông sản. Biết là vậy, nhưng mình cũng ráng xuống giống để có tiền chi tiêu cho dịp Tết. Nếu không, tôi cũng không làm gì khác được. Mong là từ đây đến đó, thị trường Campuchia sẽ có sự thay đổi, “ăn” mạnh trở lại để nông dân chúng tôi phấn khởi hơn”.

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, người nông dân dù đối mặt với muôn vàn khó khăn nhưng vẫn cố gắng duy trì các hoạt động sản xuất với hy vọng, sẽ có một cái Tết tươm tất, đầm ấm hơn. Và có lẽ, mùa sản xuất cuối năm nay dù không nhiều tín hiệu lạc quan, nhưng vẫn mang theo niềm hy vọng của những người đã quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Họ vẫn ngày ngày lặn lội trên những cánh đồng, chăm chút từng luống hoa, đám rẫy để hướng đến năm mới an lành, ấm cúng hơn!

THANH TIẾN