5 năm thực hiện Luật Công đoàn 2012: Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

11/10/2018 - 07:49

 - Thực hiện các quy định của Luật Công đoàn 2012, trong 5 năm qua, các cấp Công đoàn từ tỉnh đến cơ sở đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người lao động (LĐ) tham gia vào tổ chức Công đoàn bằng nhiều hình thức.

Hoạt động Công đoàn trong doanh nghiệp tuy có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chưa đạt kết quả đều khắp

Các hoạt động hướng về cơ sở nhiều hơn, cụ thể hóa những tiêu chí trong thi đua, phù hợp mỗi loại hình Công đoàn cơ sở (CĐCS). Luật CĐ từng bước đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo chuyển biến trong nhận thức của nhiều người về tổ chức CĐ, gắn chặt mối quan hệ giữa chính quyền và CĐ cùng cấp.

Đánh giá việc thực hiện các quy định của Luật CĐ, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) đã chỉ ra những khó khăn đáng lưu ý. Trong thành lập, gia nhập và hoạt động CĐ, nhận thức của một bộ phận người LĐ và người sử dụng LĐ về vai trò của tổ chức CĐ chưa cao. Người LĐ có tâm lý vào CĐ sẽ phải đóng đoàn phí, còn người sử dụng LĐ ngại phải tham gia sinh hoạt, ảnh hưởng đến sản xuất, đòi hỏi quyền lợi này khác… Phần lớn các doanh nghiệp (DN) ngoài Nhà nước có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, ít LĐ, thiếu ổn định, chủ yếu làm thời vụ, số đoàn viên trong khu vực ngoài Nhà nước giảm đáng kể do DN hoạt động không hiệu quả, thu hẹp sản xuất - kinh doanh. Các quy định của Luật CĐ rất phù hợp cho việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và hoạt động CĐ. Tuy nhiên, một bộ phận người sử dụng LĐ không hợp tác với CĐ, tìm mọi cách trì hoãn, né tránh, không cho CĐ cấp trên tiếp cận người LĐ để tuyên truyền kết nạp. Mặt khác, cường độ làm việc của công nhân LĐ của nhiều DN hết sức căng thẳng. Tình trạng tăng ca, tăng giờ diễn ra liên tục khiến công nhân LĐ không có thời gian, điều kiện tham gia vào các hoạt động do CĐ tổ chức. Nhiều DN phải tổ chức sinh hoạt CĐ ngoài giờ, thậm chí không có địa điểm để tổ chức các hoạt động. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng công nhân, LĐ không thiết tha vào CĐ, tham gia vào các hoạt động và rất ít quan tâm đến vấn đề chính trị, xã hội.

Việc thực hiện các quy định của Luật CĐ về các hành vi bị nghiêm cấm tuy phù hợp thực tế nhưng lại thiếu văn bản quy định cụ thể. Ví dụ: “có hành vi gây bất lợi đối với người LĐ vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động CĐ” cần nêu rõ hành vi đó là hành vi gì. Nội dung, phương thức hoạt động CĐ trong các DN, nhất là DN ngoài Nhà nước chưa thay đổi kịp với biến đổi của tình hình đất nước, địa phương và đòi hỏi của đoàn viên, công nhân LĐ nên hoạt động còn kém hiệu quả. Cán bộ CĐCS trong các DN “ăn” lương của giới chủ nên còn e dè trong việc đấu tranh, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của công nhân LĐ. Đội ngũ cán bộ CĐ ở DN hầu hết hoạt động kiêm nhiệm, vừa làm việc thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, vừa tham gia các hoạt động CĐ nên hiệu quả hoạt động hạn chế. Hiện nay, cơ chế bảo vệ cán bộ CĐ chưa đồng bộ, cụ thể nên không tạo được động lực khuyến khích cán bộ CĐ nhiệt tình tham gia hoạt động. Trong thực hiện quyền đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích cho người LĐ, ở nhiều nơi, Ban Chấp hành CĐCS DN chưa thể hiện tốt vai trò đại diện. Chất lượng tham gia của CĐ DN vào việc xây dựng, sửa đổi nội quy, quy chế, các chính sách lương, thưởng, đãi ngộ… còn yếu, chưa được chủ sử dụng LĐ tạo điều kiện tham gia. Việc CĐ đại diện tập thể người LĐ khởi kiện tại tòa án đối với các DN chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn hiện nay theo Luật Bảo hiểm xã hội không thực hiện được do quy định phải có sự ủy quyền của người LĐ hoặc CĐCS. Cần có văn bản hướng dẫn thực hiện trong thời gian tới.

Phân tích những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Luật CĐ, LĐLĐ tỉnh đã có 10 đề xuất sửa đổi, bổ sung đối với Luật CĐ 2012. Ngoài đóng góp đối với các điều, khoản trong luật, LĐLĐ tỉnh đề xuất cần quy định rõ về tổ chức bộ máy CĐ các cấp trong hệ thống CĐ; cơ chế chính sách chăm lo, bảo vệ cán bộ CĐ trong DN; quy định rõ trách nhiệm nộp kinh phí CĐ của người sử dụng LĐ; quy định rõ hơn về tài sản CĐ, trong đó có quyền sử dụng đất đai của CĐ…

MỸ HẠNH