Chàng trai được Google đánh giá “vượt mức kỳ vọng” nay làm gì?

20/02/2018 - 01:07

 - Cứ tưởng chàng trai được Google đánh giá“vượt mức kỳ vọng” đang theo đuổi làm việc tại Google trụ sở Singapore, tôi đến nhà tìm ba em để biết thêm thông tin về “chàng trai vàng của tin học Việt” đang “sải bước” như thế nào? Nhưng lúc đến nhà, tôi mới chưng hửng khi người ra mở cửa là Lê Yên Thanh trong “bộ cánh” khá tươm tất chuẩn bị đi ăn cưới. Tôi ngỡ ngàng: “Em mới về thăm nhà?”, Yên Thanh cười hiền: “Em đâu có đi Singapore, đang chuẩn bị khởi nghiệp tại Việt Nam”. Và, cho tôi một cái hẹn.

Hôm gặp lại Yên Thanh, tôi đặt vấn đề có bị Google phản ứng trước quyết định đột ngột từ chối làm việc với “gã khổng lồ” ở thung lũng Silicon? Yên Thanh bộc bạch: “Em chưa đến Google- Singapore để làm việc, đơn giản là vì đã quyết định ở lại Việt Nam tham gia Start-up (nghĩa hẹp chỉ các công ty công nghệ trong giai đoạn lập nghiệp). Do đó, em từ chối lời mời làm việc tại Google cũng như một số công ty khác ở Singapore và Việt Nam. Về phía Google và các công ty khác không phản ứng gì, bởi việc này cũng rất bình thường, họ chỉ cám ơn, hẹn nếu có cơ hội quay trở lại làm việc tại công ty của họ.

Nguyên nhân cho sự chia tay này xuất phát từ định hướng lâu dài trong con đường lập nghiệp, ngay cả trước khi được thực tập và làm việc tại Google em đã suy nghĩ về chuyện khởi nghiệp. Hơn nữa, nếu mãi làm việc ở Google, em cảm thấy không có sức ảnh hưởng và khó có thể tạo được tiếng vang cho chính mình. Em luôn nghĩ, đi làm cho các công ty lớn chỉ để học hỏi thêm và sẽ theo đuổi con đường Start-up khi có đủ khả năng và tìm được cơ hội thích hợp. Khi cơ hội đến, mình không phí thời gian, mà sẽ bắt đầu ngay với Start-up.

Ở lại Việt Nam, em tham gia dự án Start-up tên “Umbala”. Dự án này không chỉ của riêng em, mà là sản phẩm Start-up đã có mặt được một thời gian. Đây là dự án phần mềm giúp người dùng tạo ra được những video clip với hiệu ứng thú vị, đón đầu các trào lưu mới nhất của giới trẻ, giúp mọi người thể hiện bản thân bằng những clip vui nhộn, độc đáo; em muốn tham gia để làm và phát triển thêm kinh nghiệm cho bản thân khi làm việc trong một dự án khởi nghiệp và hiểu rõ về cách người Việt Nam sử dụng một sản phẩm phần mềm như thế nào”.

Phóng viên Báo An Giang trao đổi với Lê Yên Thanh (phải) về dự án Start-up “Umbala”

Phóng viên Báo An Giang trao đổi với Lê Yên Thanh (phải) về dự án Start-up “Umbala”

Nếu trước đây, làm việc ở Google, Yên Thanh chỉ chuyên tâm trên nền tảng Android thì tại Umbala, em phải mò mẫm đủ các công cụ, nền tảng khác nhau để phát triển sản phẩm, vì công ty chỉ có 4 người lập trình. Tại đây, Yên Thanh sẽ học và tìm hiểu rất nhiều thứ, vận dụng được nhiều kiến thức đã học vào công việc, chứ không chỉ chuyên tâm mỗi thế mạnh của mình. Nhưng từ Google sang Umbala, Yên Thanh quyết tâm đặt mình vào thế khó để “ló” cái khôn.

Thường sợ, hoài nghi mông lung, lo âu là những tính từ mô tả cảm xúc thật của những người khi bắt đầu sự nghiệp kinh doanh. Hầu hết các doanh nhân ở mọi lứa tuổi, dù kinh nghiệm hay không cũng ít nhiều đối mặt với nhiều hoài nghi, tự đặt hàng ngàn câu hỏi khi bắt đầu hành trình mới. Điều đó cũng đúng, bởi họ vừa mang một ý tưởng ra khỏi đầu và đưa vào thực tế. Đối với Lê Yên Thanh, dù biết sẽ trải qua khó khăn, áp lực khi quyết định khởi nghiệp, nhưng em chẳng đắn đo gì khi rời bỏ nơi làm việc có nhiều đồng nghiệp là “thiên tài” trong lĩnh vực công nghệ thông tin, để gầy dựng lại từ đầu cho bước khởi nghiệp với niềm tin tất thắng.

HOA NGHĨA ĐOÀN

 

Liên kết hữu ích