Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật - chuyện không của riêng ai

26/02/2019 - 07:51

 - Thời gian qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được quan tâm bố trí kinh phí hoạt động. Nhận thức của các cơ quan, đơn vị, địa phương về vai trò của công tác này được nâng lên, khi có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả...

Tập huấn pháp luật liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh cho nhiều đối tượng

Nhiều đầu công việc nổi trội

Hiện nay, đội ngũ cán bộ quản lý công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh, gồm: 4 biên chế chuyên trách (Phòng PBGDPL - Sở Tư pháp); cán bộ kiêm nhiệm thực hiện công tác PBGDPL (là cán bộ pháp chế hoặc báo cáo viên pháp luật của các sở, ban, ngành), 2 công chức Phòng Tư pháp cấp huyện. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 194 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 184 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 1.998 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Chất lượng đội ngũ này ngày một tăng cao, có trình độ, thâm niên công tác, am hiểu pháp luật. Khi Hội đồng phối hợp PBGDPL có nhu cầu, các báo cáo viên sẽ được phân công triển khai, phổ biến văn bản pháp luật mới thuộc chuyên môn, lĩnh vực quản lý tại hội nghị báo cáo viên.

Hình thức hoạt động PBGDPL khá phong phú, đa dạng. Ở các cơ quan, đơn vị, ngày Pháp luật được sinh hoạt định kỳ 1-4 lần/tháng. Trong nhà trường, các ngành có liên quan phối hợp thực hiện 2.251 cuộc tuyên truyền, với 270.835 lượt người, cấp phát 11.598 tài liệu các loại; giúp giáo viên và học sinh cập nhật kịp thời quy định pháp luật mới trong nhiều lĩnh vực. Có nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học... bố trí tủ sách pháp luật, trung bình 408 cuốn sách/tủ; thu hút 6.780 lượt người tìm đọc. Điểm mới năm 2018 là việc Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp đã tăng cường tuyên truyền ra nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp, trong đó quan tâm sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng (báo, đài, mạng xã hội, loa truyền thanh xã...). Qua đó, thực hiện 25.380 cuộc tuyên truyền miệng với hơn 1 triệu lượt người tham dự; tổ chức 200 cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật, với hơn 79.000 lượt người dự thi; phát hành hơn 2,3 triệu tài liệu pháp luật miễn phí; phát sóng chương trình PBGDPL trên đài truyền thanh xã được 53.554 lần; đăng tải, phát trên phương tiện truyền thông đại chúng 16.997 tin, bài.

Phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm của toàn xã hội

Giám đốc Sở Tư pháp Cao Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, chia sẻ: “Dù đã được tăng cường, đổi mới, nhưng công tác PBGDPL chưa có sức lan tỏa sâu. Số lượng văn bản pháp luật được ban hành mới ngày càng nhiều; phạm vi tuyên truyền, PBGDPL ngày càng rộng, đòi hỏi người thực hiện nhiệm vụ phải chủ động, sáng tạo để có hình thức, biện pháp phù hợp, hiệu quả. Mặt khác, một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được đảm bảo kinh phí thực hiện, trong khi nhiệm vụ rất nhiều”.

Bà Huỳnh Thị Lệ Thủy, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ Tư pháp) cho rằng: “Công tác PBGDPL không phải là nhiệm vụ riêng của ngành tư pháp, mà là cả hệ thống chính trị. Phải làm sao cho cán bộ, công chức nắm rõ các quy định trong ngành mình phụ trách; làm sao cho người dân nắm được các quy định liên quan đến đời sống hàng ngày của họ. Trong điều kiện hiện nay, để làm được điều đó, cần thực hiện từng bước, trong đó, ngành tư pháp đóng vai trò là đầu mối, phối hợp để PBGDPL, đưa văn bản pháp luật vào cuộc sống”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng khẳng định: “Công tác PBGDPL phải dễ đọc, dễ hiểu, dễ làm. Vì vậy, phải tiếp tục đổi mới, sáng tạo, giúp văn bản pháp luật đi vào cuộc sống. Có thể nghiên cứu lồng ghép tuyên truyền trong các tiểu phẩm hài, vừa đáp ứng tốt thị hiếu và nhu cầu giải trí tinh thần của người dân, vừa đảm bảo hiệu quả tuyên truyền, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm pháp luật”.

Năm 2019, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện công tác PBGDPL, với các nhiệm vụ trọng tâm: tuyên truyền, PBGDPL cho người dân thông qua các cơ quan truyền thông và các hình thức phù hợp khác (xây dựng chuyên mục “Câu chuyện pháp luật”, “Pháp luật và cuộc sống”, truyên truyền trực tiếp cho người dân...). Từng đối tượng khác nhau sẽ có cách tuyên truyền, PBGDPL riêng. Cụ thể: đối với báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, sẽ do Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức; đối với đoàn viên, thanh niên, Sở Tư pháp phối hợp Tỉnh đoàn tổ chức; đối với công chức, viên chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiếp công dân về giải quyết khiếu nại, tố cáo, sẽ do Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan thực hiện...

Theo Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, công tác PBGDPL cần gắn với vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận; quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật; quan điểm, chính sách, văn bản về cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp. Triển khai có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động này, như: tin nhắn qua điện thoại, mạng xã hội... Đặc biệt, các cấp, ngành tăng cường triển khai giải pháp cụ thể để thu hút, huy động sự tham gia, đóng góp của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân theo chủ trương xã hội hóa đối với công tác PBGDPL. 

Bài, ảnh: GIA KHÁNH

 

Liên kết hữu ích