Làm sao xử lý muỗi hành hiệu quả ?

09/03/2018 - 01:15

 - Với điều kiện thời tiết hiện nay, muỗi hành có khả năng sẽ tiếp tục phát sinh gây hại, ảnh hưởng tới năng suất và sản lượng lúa của các địa phương. Do vậy, cần chủ đồng thực hiện các biện pháp xử lý để bảo vệ năng suất lúa đông xuân và các vụ tiếp theo.

Nguy cơ lây nhiễm nặng

Theo đánh giá của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV), từ năm 2011 đến nay, muỗi hành (còn gọi là sâu năn) có xu hướng gia tăng tại nhiều vùng trồng lúa các tỉnh ĐBSCL. Vụ đông xuân 2016-2017, muỗi hành đã phát sinh gây hại tại nhiều địa phương như: Kiên Giang, TP. Cần Thơ, Long An, An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long và Đồng Tháp. 

Qua kết quả thăm đồng tại An giang, từ đầu vụ đông xuân 2017-2018 đến nay, đã có 5.852ha lúa bị nhiễm muỗi hành, trong đó nhiễm nhẹ 2.901ha, trung bình 1.155ha và nặng 1.796ha, tập trung ở các địa phương: Tri Tôn, Chợ Mới, Phú Tân, Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành, An Phú, TX. Tân Châu và TP. Châu Đốc với tỷ lệ nhiễm từ 5-50%. Hiện nay, toàn tỉnh còn khoảng 39.000ha lúa vụ đông xuân giai đoạn mạ - đẻ nhánh ở các địa phương: Tri Tôn, Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú, Phú Tân, Chợ Mới, An Phú và TX. Tân Châu có nguy cơ nhiễm muỗi hành.

Cũng trên lúa đông xuân hiện nay, Chi cục TT&BVTV An Giang đã ghi nhận có 24.313,7ha bị nhiễm bệnh đạo ôn. Dự báo bệnh đạo ôn sẽ tiếp tục gia tăng diện tích và gây hại từ nhẹ đến trung bình, cục bộ nặng trên những ruộng trồng giống nhiễm, bón dư phân, ven bờ, ven vườn... Đối với các địa phương: Châu Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Thành, Chợ Mới, Thoại Sơn, TX. Tân Châu và TP. Châu Đốc, bệnh có khả năng gây hại nặng cục bộ trên trà lúa đẻ nhánh. Trong khi đó, bệnh đạo ôn cổ bông có khả năng lây nhiễm và gây hại trên trà lúa trổ - chín ở những ruộng trồng giống Jasmine 85, OM6976, IR50404. Đối với TX. Tân Châu và các huyện An Phú, Châu Phú, Tri Tôn, Châu Thành, bệnh có khả năng gây hại trên giống OM6976 và IR50404. 

Bỏ thói quen bón phân đạm đón đòng và nuôi hạt

Đó là một trong những yêu cầu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nhằm xử lý hiệu quả muỗi hành và bệnh đạo ôn. Sở yêu cầu các đơn vị chuyên môn theo dõi bẫy đèn, phát hiện kịp thời cao điểm thành trùng muỗi hành. Đối với nông dân (ND), cần tuân thủ lịch thời vụ của cơ quan chuyên môn, tiến hành cày ải, phơi đất ngay sau thu hoạch lúa tối thiểu 15 ngày; vệ sinh sạch cỏ dại, lúa chét trong ruộng, lúa hoang mọc ở các kênh mương. ND cần làm đất kỹ và san phẳng mặt ruộng, không giữ nước ruộng quá sâu (nhiều hơn 5cm), áp dụng tưới nước tiết kiệm “ướt - khô xen kẽ”, đồng thời đẩy mạnh áp dụng gói kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, công nghệ sinh thái (trồng hoa trên bờ ruộng). Khi bón phân phải bón cân đối, không bón thừa phân đạm và sử dụng chất kích thích sinh trưởng ở giai đoạn mạ đến đẻ nhánh; tăng cường bón lân, Kali, bổ sung thêm phân có hàm lượng Can-xi, Magiê, Silic, giúp những chồi còn lại phát triển tốt bù lại những chồi đã thiệt hại. 

Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Anh Thư cho biết, để phòng trừ bệnh đạo ôn (đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông), ND cần vệ sinh đồng ruộng, các tàn dư lúa chét, cỏ dại của vụ trước, gieo cấy ở mật độ vừa phải. Để tạo thế chủ động phòng trừ đạo ôn hiệu quả, ND nên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và thăm đồng thường xuyên. Về kỹ thuật, cần bón phân cân đối giữa đạm, lân và kali, không bón quá nhiều phân đạm, nhất là thời kỳ cuối đẻ nhánh, trước và sau trổ (có nơi ND còn gọi là bón đón đòng), đặc biệt bỏ hẳn việc bón đạm để nuôi hạt. “Cần kiểm tra ruộng lúa thường xuyên để kịp thời phát hiện và có biện pháp phòng trừ bệnh hiệu quả. Nếu thấy ruộng bị bệnh, mà thời tiết đang phù hợp cho bệnh (trời lạnh, đêm và sáng sớm có nhiều sương mù, hoặc trời có mưa nhỏ xen kẽ, ban ngày trời âm u, ít nắng…), kỹ thuật viên hướng dẫn ND ngưng bón đạm, không để ruộng bị khô nước và tiến hành phun thuốc phòng bệnh kịp thời” - ông Thư lưu ý.

 Đối với đạo ôn cổ bông, khi bệnh phát sinh, cần giữ nước trong ruộng, dừng việc bón phân (đặc biệt là phân có chứa đạm, các loại phân bón lá). Các địa phương cần tổ chức điều tra khoanh vùng những ruộng có tỷ lệ bệnh cao và huy động lực lượng phun trừ theo hướng dẫn trên vỏ bao bì, lưu ý dùng các thuốc đặc hiệu để phun trừ bệnh. “Với bệnh đạo ôn trên cổ bông, cần theo dõi chặt chẽ thời gian lúa trổ. Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh phát triển gây hại, cần phun phòng cho các ruộng gieo sạ giống nhiễm trước khi lúa trổ 5-7 ngày. Sau 7-10 ngày, có thể phun lại lần thứ 2 đối với những ruộng đã bị bệnh đạo ôn hại lá nặng. Lưu ý, nên dùng bình phun có bec tia nhỏ để phun, lượng nước và thuốc phải đủ theo hướng dẫn. Trường hợp sau khi phun thuốc gặp mưa to, cần tiến hành phun lại” - ông Thư nhắc nhở.

Làm sao xử lý muỗi hành hiệu quả ?

Cần thăm đồng thường xuyên để sớm phát hiện muỗi hành và bệnh đạo ôn

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN