Thực hiện Nghị quyết 09 gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp

04/10/2019 - 08:12

 - Tuy chưa đạt được như kỳ vọng, nhưng bằng nỗ lực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhiều mô hình nông nghiệp mới đã xuất hiện, đời sống nông dân được nâng lên.

Đa dạng sản phẩm nông nghiệp giá trị nông nghiệp trên địa bàn An Giang

Tăng hiệu quả kinh tế

Trên vùng sản xuất lúa 2 vụ cặp rừng tràm Bình Minh (xã Tà Đảnh, Tri Tôn), ông Nguyễn Thanh Tâm đã mạnh dạn cải tạo 50 công đất lúa (5ha) thành vườn cam, sử dụng hệ thống tưới tự động. Tuy vốn đầu tư ban đầu khá lớn (bình quân 40 triệu đồng/công) nhưng bù lại, với năng suất khoảng 5 tấn trái/công/năm, bán được hơn 50 triệu đồng/công là mức doanh thu lý tưởng của nông dân vùng này. Tận dụng lợi thế thiên nhiên rộng lớn, ông Tâm còn đầu tư nhà nuôi yến, trồng xen kẽ bưởi Năm Roi nên cho thu nhập quanh năm.

Tại ấp Vĩnh Thành (xã Vĩnh Phước, Tri Tôn), nông dân Nguyễn Văn Sao quyết định đầu tư hệ thống đê bao, lên liếp trồng 6ha mãng cầu xiêm ghép gốc bình bát, xen canh bưởi da xanh cặp theo tuyến kênh Võ Văn Kiệt. Trên vùng đất còn nhiễm phèn này, gốc bình bát thích ứng rất tốt. Những nhánh mãng cầu xiêm “mọc” từ cây bình bát cho quả sai, căng bóng, bán được giá cao. Với số vốn đầu tư khoảng 900 triệu đồng, ông Sao có nguồn thu nhập ổn định quanh năm, lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với canh tác lúa 2 vụ trước đây.

Ở huyện Tri Tôn, tuy điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nhưng nhờ triển khai các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp tái cơ cấu nông nghiệp, nhiều nông dân đã có nguồn thu nhập cao hơn, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện. Trên phạm vi toàn tỉnh, nỗ lực hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, kinh tế nông thôn. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng hàng năm, từ 120 triệu đồng/ha (năm 2015) lên 158 triệu đồng/ha (năm 2017), rồi 170 triệu đồng/ha (năm 2018), dự kiến năm 2019 là 183 triệu đồng/ha. Từ đó, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 28,543 triệu đồng (năm 2015) lên 40,7 triệu đồng (năm 2018); tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm bền vững qua từng năm.

Tái cơ cấu theo hướng hiệu quả

Sau Chương trình hành động số 04-CTr/TU ngày 18-7-2016 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 08-CTr/TU ngày 11-11-2016 về phát triển nông nghiệp giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. Theo sau đó, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 1066/QĐ-UBND ngày 5-4-2017 về việc ban hành kế hoạch thực hiện chương trình hành động về phát triển nông nghiệp giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025, tạo tiền đề và định hướng cho ngành nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, những năm qua, tỉnh vẫn ổn định được diện tích sản xuất lúa (khoảng 630.000ha/năm), đồng thời chuyển dần sang hướng tăng diện tích một số cây trồng có thế mạnh gồm: rau màu và cây ăn trái. So với trước khi có đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, diện tích cây ăn trái tăng nhanh, gồm: xoài (9.043,82ha), cây có múi (1.186,59ha), cây ăn quả khác (3.356,5ha). Trong đó, xoài đạt năng suất hơn 18,6 tấn/ha (tăng 0,8 tấn/ha), sản lượng 115.100 tấn (tăng 20.000 tấn); nhóm cây có múi (cam, quýt, chanh, bưởi) năng suất 8,73 tấn/ha, sản lượng hơn 2.400 tấn (tăng 445 tấn). Các vùng chuyên canh cây ăn trái trọng điểm đã được hình thành như: Chợ Mới (5.610ha, xoài chiếm 80%), Tri Tôn (trồng chuối 287ha, định hướng 2.000ha), TX. Tân Châu (vùng sản xuất xoài thơm Vĩnh Hòa từ 80-100ha); TP. Long Xuyên (trồng cam xoàn, cam Cara của Úc, cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái)… Trong sản xuất lúa, diện tích liên kết “Cánh đồng lớn” tăng dần qua các năm. Tại các xã Vĩnh Lộc, Phú Hữu (An Phú) đã hình thành được vùng sản xuất lúa, gạo an toàn sinh học với diện tích khoảng 600ha/năm, lợi nhuận tăng thêm từ 3-3,5 triệu đồng/ha. Tại một số địa phương như: TX. Tân Châu, TP. Long Xuyên đã hình thành được các mô hình trồng lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ.

Đối với rau màu, cơ bản hình thành và phát triển vùng chuyên canh rau màu tại các huyện Chợ Mới (700ha); chuyển đổi gần 3.200ha màu trên nền đất lúa kém hiệu quả tại huyện Tri Tôn. Định hướng đến 2020, toàn tỉnh sẽ có các vùng chuyên canh rau màu trọng điểm, gồm: vùng chuyên canh đậu nành rau 450ha, vùng chuyên canh đậu bắp Nhật 500ha, vùng chuyên canh trồng bắp thu trái non 2.000-2.500ha, vùng chuyên canh cây bắp lai 4.100ha và các vùng chuyên canh ớt, rau gia vị, hành, hẹ, đậu nành, mè… Sản xuất rau màu áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, sản xuất theo hướng an toàn trong nhà màng, nhà lưới kiểm soát chất lượng, tiến tới thành lập các hợp tác xã, tổ sản xuất để tăng cường liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp.

Trong chăn nuôi bò, heo đã hình thành được các trang trại lớn ứng dụng công nghệ cao. Đối với thế mạnh cá tra, Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn tham gia, hình thành 2 chi hội sản xuất giống cá tra chuyên nghiệp, tiến tới xây dựng An Giang thành trung tâm cung ứng giống cá tra trọng điểm của vùng…

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN