Toàn xã hội chăm lo cho nạn nhân da cam

09/07/2018 - 07:19

 - Với truyền thống “lá lành đùm lá rách”, thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp, người dân trong tỉnh dành thời gian, công sức để chăm lo cho nạn nhân da cam thông qua việc tài trợ xây nhà Tình thương, hỗ trợ tiền trợ cấp hàng tháng, tặng quà vào những dịp lễ, Tết.

Từ vật chất…

Việc làm của các tổ chức, cá nhân chăm lo cho các nạn nhân da cam trong tỉnh đã được cả cộng đồng đánh giá cao. Theo báo cáo của Hội Nạn nhân chất độc da cam/doxin tỉnh, tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 1.450 hội viên đang sinh hoạt ở 11 hội cấp huyện. Trong đó có những gia đình có đến 3 hoặc 4 người con bị nhiễm chất độc da cam, cuộc sống của họ hàng ngày, hàng giờ đối mặt với khó khăn, thách thức. Nhiều nạn nhân ngày đêm bị các căn bệnh hoành hành đã chết trong sự nuối tiếc, yêu thương của gia đình. “Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm nhưng đến nay di chứng của chiến tranh để lại là rất lớn. Những người cha, người mẹ đi theo tiếng gọi non sông, xả thân vì độc lập, tự do của dân tộc. Thời gian sống trong vùng chiến tranh, họ đâu biết mình bị nhiễm chất độc da cam, nên khi sinh con, phần lớn những đứa con sinh ra đều bị tật nguyền, mang trong mình những căn bệnh quái ác. Nỗi đau này đã được cả xã hội chia sẻ. Cụ thể, đã có nhiều tổ chức, cá nhân ủng hộ tiền, vật chất (như tole, cây, cát, đá, xi măng) để cất nhà tình thương, nhà tình nghĩa cho các gia đình nạn nhân, từ đó giúp họ có cuộc sống ổn định…”- đại tá Đỗ Trúc Hy, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, chia sẻ.

Đại tá Đỗ Trúc Hy, Chủ tịch Hội Nạn nhân da cam/dioxin tỉnh tặng hoa cho Mạnh Thường Quân và lãnh đạo huyện Châu Phú, có thành tích trong chăm lo cho nạn nhân da cam trên địa bàn huyện

Đi đầu trong số các tổ chức, doanh nghiệp chăm lo cho nạn nhân da cam, trước hết phải kể đến Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết An Giang, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến đá An Giang, Công ty TNHH May Xuất khẩu Đức Thành; Công ty Cổ phần Điện nước An Giang…. Hàng năm, những công ty này đã trao rất nhiều tiền, quà cho các gia đình nạn nhân trong tỉnh. Mới đây, Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến đá An Giang đã tài trợ cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh 300 triệu đồng. Công ty TNHH May Xuất khẩu Đức Thành tài trợ 200 triệu đồng. Ngoài ra, còn có nhiều tổ chức, cá nhân khác đã đồng hành cùng các hội cơ sở, chăm lo cho các gia đình nạn nhân. Chính việc đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong từ vật chất đến tinh thần đã phần nào làm cho các nạn nhân vơi đi khó khăn trong những ngày còn lại của cuộc đời.

… đến tinh thần

Gia đình ông Trần Hoàng Thơm (ấp Bình Đức, xã Bình Phú, Châu Phú) có 3 người con bị di chứng chất độc da cam/dioxin rất nặng. Trong thời gian kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh biên giới Tây Nam, ông Thơm là bộ đội địa phương. Đơn vị ông đã kết hợp với quân chủ lực tham gia nhiều trận đánh mang tính quyết định. Từ chiến trường trở về, ông lập gia đình và sinh được 4 người con, trong đó 3 người con bị di chứng chất độc da cam/dioxin rất nặng. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình ông Thơm, Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh và huyện Châu Phú đã vận động Công ty TNHH MTV Xổ số kKiến thiết An Giang trợ cấp thường xuyên cho gia đình ông Thơm mỗi tháng 1,5 triệu đồng. Nhờ số tiền này, gia đình ông Thơm đã giảm bớt khó khăn. Ngoài Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết An Giang, gia đình ông Thơm còn nhận được sự chia sẻ của nhiều cá nhân khác trong xã hội. “Gia đình tôi vô cùng biết ơn Đảng và Nhà nước, biết ơn Hội Nạn nhân chất độc da cam/doxin tỉnh, huyện và Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết An Giang, các tổ chức, cá nhân khác giàu lòng nhân ái đã có nhiều đóng góp, giúp đỡ để gia đình giảm bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống…”- ông Thơm, chia sẻ.

Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến đá An Giang tài trợ Hội Nạn nhân chất độc da cam/doxin tỉnh

Không chỉ có gia đình ông Thơm, còn có rất nhiều gia đình nạn nhân khác ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh nhận được sự chia sẻ của cộng đồng. Thông qua chuyên mục “Cuộc sống quanh ta” của Báo An Giang, phần lớn các nhân vật trong bài viết đã nhận được rất nhiều sự chia sẻ (bằng vật chất lẫn tinh thần) của bạn đọc, đặc biệt là sự chia sẻ của tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty Cổ phần Điện nước An Giang - thông qua Câu lạc bộ Thứ bảy. Việc làm này thật đáng trân trọng, thể hiện tinh thần “máu chảy ruột mềm”.

“Năm 2017, các cấp hội trong tỉnh đã tổ chức vận động toàn xã hội tham gia đóng góp, chăm sóc nạn nhân da cam với số tiền 1 tỷ 311 triệu đồng. Số tiền này tuy không lớn nhưng góp phần quan trọng trong việc giúp đỡ nạn nhân, gia đình nạn nhân chất độc da cam vượt qua khó khăn, tiếp tục có được những ngày tháng ấm no để chống chọi với căn bệnh đang mang trong mình. Việc làm này đã thể hiện đạo lý “lá lành đùm lá rách” của dân tộc"- đại tá Đỗ Trúc Hy, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, chia sẻ.

Bài, ảnh: MINH HIỂN