Tri Tôn chủ động ứng phó hạn, mặn, bảo vệ sản xuất

15/03/2019 - 07:33

 - Với đặc thù vừa có đồi núi, vừa có đồng bằng, có 6 xã giáp ranh tỉnh Kiên Giang nên huyện Tri Tôn thường chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn. Triển khai nhanh các công trình thủy lợi, tận dụng các hồ chứa nước vùng cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp… là những giải pháp được địa phương ưu tiên nhằm giúp người dân bảo vệ sản xuất, ứng phó hiệu quả với thời tiết khắc nghiệt.

Triển khai các công trình chống hạn

Nhiều vùng bị ảnh hưởng

Vụ đông xuân 2018-2019, nông dân Tri Tôn xuống giống 40.821,8ha lúa và 1.385,2ha màu. Đối với những vùng thu hoạch lúa đông xuân sớm, nông dân đã xuống giống 2.976ha lúa hè thu 2019 (kế hoạch xuống giống 42.527ha). Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí cho biết, hiện có 4.330ha khả năng bị ảnh hưởng của hạn hán, tập trung ở các xã Ô Lâm (2.000ha), Châu Lăng (825ha), Lương Phi (385ha), Lê Trì (200ha), An Tức (200ha), Tân Tuyến (120ha), Tà Đảnh (600ha). Đối với khu vực giáp ranh tỉnh Kiên Giang, có 2.595ha lúa khả năng ảnh hưởng xâm nhập mặn, tập trung ở các xã Vĩnh Gia (660ha), Vĩnh Phước (1.235ha) và Lương An Trà (700ha). “Nếu tình hình khô hạn kéo dài, mực nước các kênh Tám Ngàn, Vĩnh Tế, Tri Tôn… xuống thấp thêm 0,3 - 0,4m, dự kiến có khoảng 30 tuyến kênh khả năng bị thiếu nước phục vụ sản xuất cho 8.112ha” - ông Trí thông tin.

Nguy cơ ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn ở Tri Tôn là rất lớn khi hiện nay, nhiệt độ vùng Bảy Núi cao hơn đồng bằng, nắng nóng gay gắt và kéo dài, hiếm khi có mưa. Hiện nay, huyện đang đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu về ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình hình hạn, xâm nhập mặn đến đời sống và sản xuất cũng như khả năng thiếu nguồn nước, nhiễm mặn, ô nhiễm, có thể phát sinh các dịch bệnh. “Huyện thường xuyên theo dõi tình hình khí tượng thủy văn, thông tin kịp thời đến các địa phương để chủ động các phương án đảm bảo nguồn nước, phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân an toàn. Tại các kênh, rạch có khả năng bị nhiễm mặn, các địa phương khuyến cáo người dân về thời gian bơm nước. Theo đó, tăng cường bơm khi có dòng nước không bị nhiễm mặn, hạn chế bơm khi nước trong kênh, rạch có thời gian ngừng chảy kéo dài và không được bơm khi có lượng nước từ phía Kiên Giang chảy vào” - ông Trí lưu ý.

Phát huy tối đa các công trình sẵn có

Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn cho biết, đối với các khu vực có công trình thủy lợi, huyện chỉ đạo các đơn vị quản lý xác định khả năng cung cấp nước tưới để có phương án bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với khả năng cung cấp nguồn nước; khuyến cáo người dân gieo trồng theo kế hoạch mùa vụ, kế hoạch cấp nước của các trạm bơm, nhất là vùng cao để thuận lợi cho việc vận hành công trình cấp nước. Huyện cũng thực hiện sửa gấp những công trình hư hỏng nặng, không đảm bảo dẫn nước. Đối với các trạm bơm phục vụ tưới vùng cao như: Châu Lăng, Lương Phi, Lê Trì, An Tức… huyện nạo vét một số đoạn bị cạn cục bộ. Khi mực nước kênh Tám Ngàn xuống thấp thì tổ chức máy bơm ở các đầu kênh tạo nguồn. “Khi xảy ra hạn hán, huyện dự kiến hỗ trợ bơm vượt định mức cho các trạm bơm vùng cao với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng” - ông Trí nhấn mạnh. Cùng với đó là vận hành các hồ chứa nước vùng khô hạn như: hồ Ô Tà Sóc (dung tích 620.000m3, phục vụ 150ha), hồ Ô Thum (270.000m3, phục vụ 200ha), hồ Soài Chek (293.000m3, phục vụ 140ha).

Đối với các tuyến kênh đồng bằng, địa phương tích cực nạo vét những đoạn bị cạn. Nếu mực nước kênh tạo nguồn xuống thấp, vận động người dân bố trí máy bơm ở các đầu kênh tạo nguồn, kết hợp vận động dân lấy nước xen kẽ lúc triều cường dâng cao kết hợp vận hành các cống để giữ nước. “Huyện đang khẩn trương triển khai 43 công trình chống hạn với chiều dài hơn 49km, ước tổng kinh phí thực hiện 25,6 tỷ đồng” - ông Trí thông tin.

Để ứng phó lâu dài với tình trạng khô hạn, Tri Tôn đang chuyển đổi giống cây trồng ở những khu vực có khả năng thiếu nước sang cây trồng chịu hạn. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt nhằm thích ứng với sự thiếu hụt nguồn nước tưới. Cùng với đó là triển khai xây dựng các tiểu vùng có đê bao hoàn thiện, có hệ thống cống vận hành phù hợp để điều tiết nước khi có hạn, mặn như: hệ thống các cống hở, cống tròn có thể đóng mở, trạm bơm để chủ động vận hành tích trữ nước. “Huyện tiếp tục đề xuất tỉnh triển khai xây dựng các trạm bơm thủy lợi vùng cao và các hồ chứa nước theo quy hoạch của tỉnh, gồm 6 hồ chứa và 5 trạm bơm ở các xã: Núi Tô, Cô Tô, An Tức, Ô Lâm, Lương Phi và Lê Trì. Đây là giải pháp nhằm đảm bảo nước tưới, phát triển sản xuất vùng cao” - Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí thông tin.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN